[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 6,7-15″]
Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.
Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
CẦU NGUYỆN THEO Ý CHÚA MUỐN
“Vậy anh em hãy cầu nguyện thế này:Lạy Cha…”(Mt 6,9-14)
Cầu nguyện là nguồn mạch sự sống thiêng liêng của các Kitô hữu. Tuy nhiên, vì vô tri hay sự ích kỷ cá nhân, cầu nguyện bị bó hẹp lại, chỉ còn là lời cầu xin cho nhu cầu vật chất; mà bỏ qua mục đích chính yếu của lời cầu nguyện là cuộc đối thoại và là hành trình tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và thực thi theo thánh ý Ngài.
Vì hiểu sai ý nghĩa của việc cầu nguyện, ta sẽ dễ rơi vào tình trạng dùng lý trí để cố gắng suy nghĩ và nói ra thật nhiều những nhu cầu và tìm ra đủ loại lý do để biện hộ cho những nhu cầu vật chất đó, nhằm thuyết phục Thiên Chúa chấp nhận lời thỉnh cầu của mình: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời” (Mt 6,7). Tuy nhiên, chúng ta phải xác tín rằng: tất cả những nhu cầu, những mong muốn và ngay cả những điều ta suy nghĩ trong lòng thì Thiên Chúa đã thấu suốt cả; và những nhu cầu, mong muốn đó của ta có thật hữu ích và tốt cho phần rỗi của ta hay không chỉ có Chúa biết và Ngài sẽ ban cho ta điều gì là tốt nhất cho ta: “Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt 6,8). Điều quan trọng nhất với chúng ta là nhận biết Thiên Chúa và thực thi thánh ý Ngài.
Nhưng làm sao để nhận ra thánh ý Chúa khi mà chính Ngài cũng là một mầu nhiệm với ta. Để tháo cởi nút thắt đó, Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta. Với đời sống cầu nguyện, Người đã dạy cho chúng ta “Kinh Lạy Cha”. Trong lời “Kinh Lạy Cha” Chúa dạy mà thánh sử Matthêu ghi lại có bảy lời nguyện, trong đó ba lời nguyện đầu hướng về vinh quang Thiên Chúa: “xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6,9-10). Bốn lời nguyện sau là hướng về nhu cầu của con người: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” (Mt 6,11-13). Ta nhận ra trong lời Kinh Chúa dạy, những lời nguyện hướng về con người không nhằm mục đích xin để thoả mãn tham vọng vật chất cho bằng hướng về phần rỗi linh hồn. Cho nên, lời nguyện này trở nên hoàn toàn đẹp lòng Thiên Chúa, như Chúa Giê-su từng dạy các môn đệ của Người: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).
Lạy Chúa Thánh Thần, xin mở lòng mở trí chúng con để chúng con nhận biết thánh ý Thiên Chúa. Và xin đồng hành, nâng đỡ chúng con để chúng con thi hành điều đẹp lòng Thiên Chúa. Amen.
[/loichua]