Lễ Thánh Philliphê và Thánh Giacôbê Tông Đồ – Ngày 03/05/2024

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 14,6-14″]

Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng Tô-ma rằng : “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, các con biết và đã xem thấy Người”. Phi-líp-phê thưa : “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con”. Chúa Giê-su nói cùng ông rằng : “Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư. Phi-líp-phê, ai thấy Thầy là xem thấy Cha. Sao con lại nói “Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha”. Con không tin Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy ư. Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con : ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha. Và điều gì các con nhân danh Thầy mà xin Cha, Thầy sẽ làm, để Cha được vinh hiển trong Con. Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin cùng Thầy, Thầy sẽ làm cho”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

SỐNG KHIẾT TỊNH ĐỂ THẤY CHÚA CHA

“Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con”

Mong muốn của Philiphê cũng là mong muốn của mỗi chúng ta hôm nay. Con người khao khát được gặp gỡ Thiên Chúa. Đức Giêsu đã không từ chối trả lời cho mong muốn ấy, nhưng người chất vấn lại cách thức ở lại với Người, cách thức mà các môn đệ Đức Giêsu sống mối tương quan với thầy mình.

Thánh Gioan tông đồ ngỏ lời với các môn đệ của mình: “chẳng ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nếu chúng ta thương yêu nhau, thì Thiên Chúa ở trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta đã được tuyệt hảo” (1 Ga 4,12). Vị tông đồ đã lặp lại cách thức để thấy Thiên Chúa mà Đức Giêsu chỉ cho cho ngài: ở lại với Đức Giêsu để thấy Người ở trong Cha và Cha ở trong Người. Nói cách khác, Đức Giêsu mời gọi chúng ta bước vào trong mầu nhiệm nội tại của tình yêu Thiên Chúa. Trong mầu nhiệm ấy, chúng ta có thể chiêm ngắm và bắt chước tình yêu tự hiến, Cha trao hiến tất cả cho Con và Con trao hiến tất cả cho Cha, và Đức Giêsu mời gọi chúng ta sống tình yêu trao hiến ấy theo mẫu gương của Người (x. Ga 13,34). Và để đến với tình yêu hiến thân này, Giáo Hội mời gọi chúng ta sống đức khiết tịnh. Bởi lẽ, Đức khiết tịnh là trường dạy việc hiến thân (GLHTCG 2346). Đức khiết tịnh “tạo nên phẩm chất cho mọi cuộc giao tiếp và mở đường đi đến cảm nghiệm và biểu lộ một tình thương chân thành, nhân bản, huynh đệ, cá biệt và có khả năng hy sinh theo gương Chúa Kitô đối với mọi người và mỗi người” (PDV 50). Ai sống đức khiết tịnh thì cũng biết tán tụng tình yêu qua muôn hình dáng vẻ, sau khi đã gạt đục khơi trong và chỉ còn lại những tương quan giữa người với người: tình yêu thương của cha mẹ, lòng hiếu thảo của con cái, lòng chung thủy của vợ chồng, lòng trung tín của tình bạn và cả tình yêu của người sống đời độc thân. Sống khiết tịnh giúp con người thấy được sự trọn vẹn của tình yêu hiến thân: tình yêu tuy có gian truân nhưng cũng thật giá trị như tương quan với người thân cận; tình yêu tuy giác quan không thấy như thật sâu sắc trong con mắt của lòng tin như tình yêu của Bí Tích Thánh Thể; tình yêu tuy thật âm thầm nhưng bao trùm và chi phối tất cả như sự hiện diện và những công việc của Ngôi Lời, vì nhờ Người mà muôn vật được tạo thành (x. Ga 1,3). Yêu mến đức khiết tịnh sẽ thấy rằng chẳng có gì đẹp hơn tình yêu, chẳng có gì tốt bằng tình yêu và chẳng có gì thật bằng tình yêu. “Vì lẽ hễ ai thương yêu, thì đã sinh bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa” (1 Ga 4,7)

Xin mượn lời trong thư thứ nhất của thánh Gioan tông đồ để chúng ta cùng nhìn lại tình yêu bên trong mỗi chúng ta: “Nếu ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, thì là người nói dối. Vì người anh em mình xem thấy mà không thương yêu họ được, thì làm sao yêu mến Thiên Chúa là Ðấng mình không thấy được. Ðây là giới răn chúng ta lãnh nhận nơi Thiên Chúa : ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng phải thương yêu anh em mình nữa” (1 Ga 4,20-21).

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ơn khiết tịnh của Chúa và xin cho chúng con biết sống trọn vẹn mọi mối tương quan của chúng con cho Chúa. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.