CẢM NHẬN MỤC VỤ DI DÂN
Sinh ra và lớn lên trong một thành phố với nhiều nhà máy công nghiệp. Đồng nghĩa với việc, ở nơi đây tôi chứng kiến nhiều đoàn người từ khắp nơi đến đây để mưu sinh. Chắc có lẽ được sống và lớn lên trong môi trường này, cộng với việc được tiếp cận với nhiều anh chị em di dân trong những ngày đi mục vụ, tôi phần nào có cơ hội được hiểu và đồng cảm hơn với những con người đang trong hành trình tìm kiếm sự ổn định ở một vùng đất được xem là xa lạ đối với họ.
“Thức dậy ở một nơi xa” là một trào lưu trải nghiệm thú vị của các bạn trẻ trong khoảng thời gian gần đây. Ở nơi xa lạ đầy sự hấp dẫn ấy mang lại cho con người ta cảm giác tươi mới, lạ lẫm và đầy thú vị… Còn đối với anh chị em di dân “thức dậy ở một nơi xa” lại khác hoàn toàn. Ở “nơi xa lạ” này, họ không có sự hấp dẫn của sự tươi mới và thú vị. Bởi lẽ tươi mới thế nào khi có những anh chị em di dân, đã hiện diện nơi mảnh đất này suốt một khoảng thời gian đủ dài. Dù vậy, vùng đất tưởng chừng như đã quá quen này vẫn còn rất lạ lẫm trong tâm trí của họ. Đây không phải quê nhà – ở nơi đây họ không được quan tâm và chào đón. Có nhiều anh chị em di dân tâm sự rằng: Dù vẫn đến một ngôi nhà thờ gần trong khu vực để tham dự thánh lễ, nhưng họ vẫn cảm thấy mình như một người xa lạ chứ không phải thực sự là một thành viên của cộng đoàn giáo xứ. Vì vậy, điều họ mong ước ở nơi đây là sự đón nhận, họ cần được đón nhận, đón tiếp chân tình với tình huynh đệ, yêu thương. Cũng vậy, ở nơi xa lạ này không mang lại cho anh chị em di dân cảm giác thú vị, vì có lẽ còn mang trong mình gánh nặng cơm áo, gạo tiền và nhiều điều cần phải lo cho cuộc sống. Cách đặc biệt, trong những năm gần đây, tình hình kinh tế suy thoái, hệ quả của nó phần nào ảnh hưởng đến sự ổn định của anh chị em di dân. Nhiều người không còn đủ sức gắng gượng tại vùng đất khách quê người khi nhiều công ty cắt giảm biên chế vì không còn hàng để sản xuất. Những người may mắn được đi làm thì số ngày nghỉ nhiều hơn số ngày được đi làm…
Gánh nặng kinh tế, áp lực xã hội, cô đơn, lạ lẫm… là những gì tôi cảm nhận được sau những lần có cơ hội tiếp xúc với anh chị em di dân. Những khó khăn này ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến lòng đạo của anh chị em. Có người muốn đi lễ nhưng công việc lại không cho phép; có người thì ngược lại, vịn lý do trên để hợp thức hoá việc nghỉ lễ cách chính đáng và phải đạo. Từ những lý do bên ngoài và do sự ươn lười bên trong của bản thân, đã làm cho nhiều anh chị em di dân rơi vào tình trạng nhạt đạo hay bỏ luôn những việc đạo đức. Từ thực tế như vậy, thiết nghĩ hơn ai hết, anh chị em di dân là những người cần được quan tâm, cảm thông, chia sẻ và chăm lo. Trước hết là đời sống đạo và các giá trị tinh thần, sau nữa là quan tâm đến đời sống vật chất và nâng đỡ họ cách này cách khác, vì họ phải gánh chịu những thiệt thòi và nhiều hậu quả của xã hội gây nên. Họ thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần. Họ phải sống cảnh “tha hương cầu thực” nơi xứ lạ quê người, xa người quen, cô đơn lạc lõng; đôi khi bị coi thường, bị lạm dụng và bóc lột.
Ước mong sao giữa những gian truân của cuộc sống, anh chị em di dân cảm nhận được rằng Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi anh chị em, và Giáo hội qua những người có trách nhiệm luôn đồng hành cùng anh chị em ít là trong lời cầu nguyện, trên con đường anh chị em tiến về Quê Trời. Xin Chúa cũng thắp lên trong con lòng nhiệt thành tông đồ, và ban cho con một trái tim biết yêu thương, giúp chúng con hăng say rao giảng Tin Mừng của Chúa và đem niềm vui đến cho mọi người.
Giuse Lưu Trần Đức Huy- Thần học I