[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 18, 9-14″]
Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi”. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
KHIÊM NHƯỜNG TRONG LÒNG
“Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội” (Lc 18, 13).
Hay không kiêu căng, dở không thất vọng! Đó là thái độ của người khiêm nhường. Người khiêm nhường, là người “đẹp lòng Thiên Chúa”. Không khinh chê người kém hơn mình, không ghen tỵ khi người khác hơn mình, luôn tôn trọng, giúp đỡ và cầu nguyện cho hết mọi người.
Qua bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu muốn mạc khải cho chúng ta một chân lý và một bài học về lòng khiêm tốn. Trước mặt Thiên Chúa, con người chỉ là một tạo vật không hơn không kém, nên khi cầu nguyện họ phải đặt mình trước Thiên Chúa Đấng quyền năng cao cả, nhận mình là một “đầy tớ vô dụng” (Lc 17, 10), là một giọt nước giữa đại dương mênh mông, và chỉ là một hạt cát trong sa mạc. Thánh Phêrô khuyên: “Anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định” (1Pr 5, 6). Qua đó Chúa Giêsu kết luận rằng người thu thuế sau khi cầu nguyện, ra về thì được trở nên công chính vì ông cầu nguyện với tấm lòng đơn sơ khiêm tốn, tin tưởng và phó thác nơi lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa. Còn người Pha-ri-sêu thì không vì ông ta tự cao tự đại, khinh bỉ, nói xấu người khác, kể lể công đức trước mặt Chúa. Mặc dù bản kê khai đó không có gì gian trá, nhưng đã nói lên thói kiêu căng, cậy sức mình không cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Ông không được nên công chính không phải việc làm xấu mà là thái độ xấu của ông. Tội của ông không phải là: “trộm cắp, bất chính, ngoại tình”, nhưng là tội kiêu ngạo.
Cầu nguyện là giây phút gặp gỡ, nói chuyện, tâm sự thân tình với Thiên Chúa, lắng nghe Chúa nói, đáp trả Lời Chúa trong tâm tình đơn sơ khiêm tốn. Cầu nguyện cũng là nhìn nhận mình chỉ là không không trước mặt Chúa, chỉ là tạo vật được Chúa thương dựng nên. Thánh Ausgustinô nói: “Sự khiêm nhường có thể làm cho tâm hồn thăng hoa, trong khi tính kiêu ngạo lại khiến cho tâm hồn thấp kém”.
“Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết học lấy sự khiêm hạ thẳm sâu, là biết nhận ra sự yếu đuối bất toàn của mình, và rất cần đến lòng bao dung trắc ẩn của Chúa.” Amen.
[/loichua]