Chúa Nhật Tuần IV Mùa Vọng – Ngày 24/12/2023

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 1, 26 – 38″]

Bà Elisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc nhà Ðavít. Trinh nữ ấy tên là Maria.

Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà. Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.”

Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ðavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”

Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

ĐỪNG SỢ

“Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1, 30).

Đến ngày hôm nay, biến cố truyền tin vẫn là một mầu nhiệm đối với con người. Với Mẹ Maria ngày ấy, sự kiện đó càng khó hiểu, càng khó chấp nhận khi biết mình được trao cho sứ mệnh vô cùng trọng đại. Cảm xúc bối rối, lo âu là điều không tránh khỏi đối với một thiếu nữ đồng trinh. Lẽ ra, Mẹ là nhân vật có nhiều lời thoại hơn trong cuộc gặp gỡ này, để làm rõ vấn đề, giải toả được áp lực đang đối diện. Thế nhưng, Tin Mừng cho thấy Mẹ chỉ nói hai câu trong số mười hai câu của cuộc đối thoại. Vậy qua bối cảnh Tin Mừng, chúng ta xác tín được điều gì từ Thiên Chúa, và rút ra bài học nào từ kinh nghiệm của Đức Mẹ?

Trước khi trao cho Đức Maria trách nhiệm làm mẹ Đấng Cứu Thế, Thiên Chúa đã trấn an Mẹ bằng thông điệp ‘đừng sợ’, lí do đừng sợ là vì ‘bà đẹp lòng Thiên Chúa’. Thông điệp đó đáng tin cậy vì được tuyên bố bởi sứ thần Gapriel – vị đại diện của Thiên Chúa. Phải chăng (lời trấn an, lí do và vị trung gian) là công thức Thiên Chúa thường sử dụng khi trao ban sứ mệnh cho người nào đó? trường hợp của tổ phụ Apraham, vua Đavit, các ngôn sứ và gần với biến cố truyền tin là Dacaria là những ví dụ tương tự. Biết đâu công thức đó đã và đang áp dụng cho chúng ta trong trách nhiệm, bổn phận hằng ngày mà ‘lời trấn an và lí do’ được tìm thấy nơi Lời Chúa, và vị trung gian có thể là quý cha hoặc chính lương tâm mỗi người, giúp chúng ta vững vàng, can đảm thực thi. Nếu ví sứ vụ, trách nhiệm, công việc như những phương trình Thiên Chúa xây dưng nơi cuộc đời mỗi người, đối với người này là phương trình bậc nhất, người khác là phương trình bậc hai, bậc ba, có người mang sứ vụ khó khăn như hệ phương trình phức tạp, điển hình là trường hợp của Mẹ Maria, chúng ta cần xác tín, với sự khôn ngoan và lòng nhân lành của Thiên Chúa, Ngài sẽ không để cho một phương trình nào trở nên vô nghiệm.

Với Đức Maria, Mẹ đặt cho sứ thần một câu hỏi: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào vì tôi không biết đến người nam” (Lc 1, 34). Cantalamessa suy tư về điều này như sau: ‘Maria không đòi hỏi một lời giải thích để hiểu, nhưng để biết phải thi hành ý Thiên Chúa như thế nào. Nghĩ mình không biết đến người nam, Maria hỏi để biết phải làm gì’. Được sứ thần mặc khải cách thức Thiên Chúa thực hiện chương trình của Ngài, Mẹ Maria nói lời xin vâng trong tư cách là nữ tỳ của Chúa. Qua Mẹ, chúng ta rút ra bài học ‘tin tưởng – cộng tác’ với Thiên Chúa. Tin tưởng cộng tác chứ không ‘tin tưởng rồi phó mặc’. Tin tưởng để không lo âu, tin tưởng để không nao núng, tin tưởng để biết chắc một điều, với quyền năng Thiên Chúa, sự gì Ngài đã khởi sự, Ngài sẽ hoàn tất tốt đẹp. Cũng thế, cộng tác là để Thiên Chúa có cơ hội thực hiện điều vỹ đại nơi phận người bé nhỏ, đồng thời bày tỏ lòng khao khát hướng đến sự thiện, hướng đến nguồn chân lý vẹn toàn là chính Thiên Chúa.

Thiên Chúa đã muốn cho Ngôi Lời mặc lấy xác phàm trong lòng Đức Trinh Nữ Maria để cứu độ loài người, xin cho chúng con biết tuyên xưng Đấng Cứu Độ là Thiên Chúa Thật và là người thật, cùng xin cho chúng con được thông phần bản tính Thiên Chúa của Người, và biết noi gương Đức Trinh Nữ Rất Thánh mà hết lòng cộng tác vào công trình cứu chuộc của Đức Kitô. Amen!

[/loichua]

Comments are closed.