[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 1, 5-25″]
Thời vua Hêrôđê cai trị miền Giuđê, có một vị tư tế thuộc nhóm Avigia, tên là Dacaria; vợ ông là Êlisabét cũng thuộc dòng tộc tư tế Aharon. Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì. Nhưng họ lại không có con, vì bà Êlisabét là người hiếm hoi. Vả lại, cả hai đều đã cao niên. Sau đây là chuyện xảy ra trong lúc ông đang lo việc tế tự trước nhan Thiên Chúa khi đến phiên của nhóm ông: Trong cuộc bắt thăm thường lệ của hàng tư tế, ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong đền thờ của Đức Chúa. Trong giờ dâng hương đó, toàn thể dân chúng cầu nguyện ở bên ngoài. Bỗng một sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương án. Thấy vậy, ông Dacaria bối rối, và nỗi sợ hãi ập xuống trên ông. Nhưng sứ thần bảo ông: “Này ông Dacaria, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Êlisabét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gioan. Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời. Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Rượu lạt rượu nồng em sẽ đều không uống. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần. Em sẽ đưa nhiều con cái Ítraen về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Êlia, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa”. Ông Dacaria thưa với sứ thần: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi”. Sứ thần đáp: “Tôi là Gábriel, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông. Và này đây ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi”. Dân chúng đợi ông Dacaria, và lấy làm lạ sao ông ở lại trong cung thánh lâu như thế. Lúc đi ra, ông không nói với họ được, và dân chúng biết là ông đã thấy một thị kiến trong cung thánh. Còn ông, ông chỉ làm hiệu cho họ và vẫn bị câm.
Khi thời gian phục vụ ở Đền Thờ đã mãn, ông trở về nhà. Ít lâu sau, bà Êlisabét vợ ông có thai, bà ẩn mình năm tháng. Bà tự nhủ: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
TRỞ NÊN VỊ TIỀN HÔ CỦA CHÚA
Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ (Lc 1,16)
Kính thưa cộng đoàn ít giây phút vừa qua có thể làm cho cộng đoàn thắc mắc mắc tại sao con không bắt đầu chia sẻ bài gợi ý nguyện ngẫm như thường lệ mà lại thing lặng như vậy. Thưa, thực ra con đã bắt đầu chia sẻ, nhưng con muốn bắt đầu bằng sự thinh lặng như vậy để mời gọi Cộng đoàn cùng với con bước vào không gian của bài Tin Mừng hôm nay. Bài Tin Mừng diễn tả ông Dacaria từ trong đền thờ tiến ra ngoài với sự thinh lặng: “Lúc đi ra, ông không nói với họ được, và dân chúng biết là ông đã thấy một thị kiến trong cung Thánh” – (Lc 1, 22). Sự thing lặng này đánh dấu 1 điều kỳ diệu, đó là sự ra đời của thánh Gioan Tẩy Giả
Sự ra đời của thánh Gioan Tẩy Giả thật kỳ diệu, và cả cuộc đời ngài cũng đầy sự lạ lùng. Cha mẹ ngài là những người công chính, không ai chê trách được điều gì, nhưng họ lại không có con. Gánh nặng tuổi tác đã khiến ông Dacaria không tin rằng ông sẽ có một người con như lời sứ thần loan báo. Ông quên rằng Thiên Chúa toàn năng có thể làm được mọi sự, quên rằng những gì Thiên Chúa phán sẽ được thực hiện. Ông bị câm cho tới ngày con trẻ ra đời và ông đặt tên là Gioan. Cùng với việc đặt tên, ông cũng cất cao lời ngợi khen Thiên Chúa và nói về ơn gọi của Gioan: Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên (Lc 1, 76-77). Ông Gioan đã hoàn tất sứ mạng của mình, đã hưởng nếm niềm vui của Chàng Rể, và niềm vui của Gioan đã nên trọn vẹn (Ga 3, 30).
Thánh Gioan Tẩy Giả đã về trời nhưng sứ mạng tiền hô của ngài vẫn còn tiếp cho đến ngày tận thế. Mỗi người Kitô hữu chúng ta khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, chúng ta được tham dự vào sứ mạng tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô. Mang trong mình sứ mạng ngôn sứ, chúng ta trở thành những chứng nhân, những vị tiền hô mở đường cho Chúa đến với con người trong thời đại này. Và chúng ta cùng bắt đầu sống sứ mạng này ngay bây giờ với tất cả niềm tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa. Sứ mạng ngôn sứ không đòi hỏi những gì quá cao xa vĩ đại, vượt quá khả năng của con người, nhưng là những gì rất cụ thể, nhỏ bé trong cuộc sống hằng ngày. Đó có thể là một tấm lòng bao dung, một sự hy sinh nhỏ bé, một ánh nhìn cảm thông, một cái bắt tay, một lời hỏi thăm. Đó có thể là một lời cầu nguyện, một sự khước từ với những điều xấu, một lời chúc bình an, một lời tạ ơn Chúa… Cuộc sống hằng ngày dễ lôi kéo chúng ta theo đuổi những gì to lớn, đôi khi là không tưởng để rồi chúng ta nhanh chóng bỏ cuộc, mà quên đi rằng những nét đẹp xung quanh chúng ta thường rất nhỏ, song lại thiết thực và ý nghĩa. Ta có thể cảm nghiệm được điều đó trong Kinh Thánh, đặc biệt nơi lời dạy và dụ ngôn của Chúa Giêsu. Hơn nữa, chính Chúa Giêsu, Ngài đến với chúng ta không phải trong uy quyền, nhưng trong sự đơn sơ, nhỏ bé của một Hài Nhi nằm trong máng cỏ. Có thể nói, Người luôn yêu thích những gì là đơn sơ, chân thành. Do đó, chúng ta đừng ngại, cũng đừng nao núng mình sẽ phải làm gì, nói gì để thực thi sứ mạng vị tiền hô của Chúa. Chính Người sẽ làm cho mọi sự được lớn lên, còn chúng ta hãy bắt từ những gì là nhỏ bé.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn mở rộng tâm hồn để Chúa ngự đến; đồng thời trở nên những vị tiền hô nhỏ bé đem Chúa đến cho mọi người. Amen.
[/loichua]