Bài 11. Mười lối sống thất nhân tâm cần tránh
1. Lời Chúa: Điều răn thứ hai cũng giống như điều răn thứ nhất: “Hãy yêu thương người bên cạnh như chính bản thân mình”. (x. Mt 22, 35-40).
2. Câu chuyện: Đừng gây với ai.
Dale Carnegie, tác giả sách “Đắc nhân tâm” nổi tiếng, kể lại câu chuyện sau:
Trong một bữa tiệc, ông khách ngồi bên tay mặt tôi quả quyết rằng câu “Có một vị thần nắm giữ vận mạng của ta mà ta không thể cưỡng lại được” là câu trong sách Thánh kinh. Ông ta đã thực sự sai lầm khi nói như vậy. Để tỏ ra mình có kiến thức hơn ông nên tôi đã mạnh dạn lên tiếng công khai cải chính:
– Không đúng. Câu đó của thi hào Shakespeare.
Ông ta không chịu là mình đã sai nên cãi lại:
– Sao? Câu đó mà của Shakespeare sao? Không thể được! Thậm vô lý! Rõ ràng là trong Thánh Kinh mà! Tôi nhớ rõ như thế.
Ngồi bên trái tôi là ông Grammond bạn cũ của tôi. Ông này đã nhiều năm nghiên cứu về Shakespeare. Cho nên chúng tôi quay lại yêu cầu ông ta phân giải xem ai đúng ai sai. Ông Grammond đá mạnh vào chân tôi dưới bàn làm hiệu, rồi tuyên bố:
– Anh Dale, anh lầm rồi. Rồi ông quay sang nói với người kia:
– Ông đã nói đúng. Câu đó ở trong Thánh Kinh.
Khi ra về cùng với Grammond, tôi nói:
– Anh biết câu đó là của Shakespeare mà, phải không?
Ông Grammond trả lời:
– Đương nhiên rồi. Nó ở trong vở kịch “Hamlet”, hồi V, màn II. Nhưng, này anh Dale, chúng ta là khách trong một cuộc hội họp vui vẻ, tại sao anh lại muốn chứng minh cho mọi người thấy ông ấy đã sai lầm? Có phải làm như vậy thì người ta sẽ có thiện cảm với anh chăng? Sao không để ông ta giữ lại chút thể diện? Ông ta đâu có hỏi ý kiến của anh, thì tại sao anh phải tranh luận với ông ta? Tốt nhất là anh đừng nên gây sự với ai hết.
“Đừng Gây Sự Với Ai Hết”. Ông bạn già của tôi nói câu ấy nay đã khuất, nhưng lời khuyên đó, đến bây giờ vẫn còn giúp tôi rất nhiều. Mà hồi ấy tôi lại cần có bài học đó vô cùng. Sau vô số kinh nghiệm tranh luận đã trải qua, tôi nhận ra rằng: cách hay nhất để thắng một cuộc tranh luận là hãy tránh xa nó đi. Hãy trốn nó như trốn con rắn hổ, hoặc trốn một trận động đất vậy. Vì mười lần thì có tới chín lần những đối thủ của tôi, sau cuộc tranh luận, dù thua nhưng vẫn không phục thiện và vẫn tin chắc là họ đúng và sẽ trở thành kẻ thù của tôi sau này.
Phải chăng qua câu chuyện này, Dale Carnegie khuyên chúng ta hãy “ba phải”, lẩn tránh các cuộc tranh luận, giấu đi chính kiến của mình để làm vừa lòng kẻ khác? Không, ý nghĩa của câu chuyện là thế này: Muốn giữ được bạn bè, chúng ta nên tỏ thái độ lịch sự tối thiểu. Ngay cả khi chúng ta bất đồng ý kiến với họ mà chúng ta hoàn toàn có lý, cũng vẫn nên ứng xử nhã nhặn lịch sự.
Tóm lại: Chiến thắng đối thủ bằng sự thuyết phục, kèm theo thái độ tôn trọng và giữ danh dự cho họ, ấy mới thực là “đắc nhân tâm” vậy.
3. Suy niệm: Mười lối sống thất nhân tâm cần tránh như sau:
1) Ích kỷ hại nhân: Chỉ nghĩ đến mình, ưa nói về mình và những gì mình thích, mà không quan tâm, không nghĩ đến người khác. Chẳng hạn: Khi xem truyền hình muốn mở chương trình phim mình thích, không cần nghĩ đến sở thích của những người khác đang cùng xem chung với mình.
2) Tính toán bủn xỉn, cư xử bất công: Tính tình nhỏ mọn chẳng hạn: không tự giác trả lại tiền dư; Ăn chặn tiền từ thiện. Không giúp không cho ai cái gì.
3) Tự tôn, kiêu căng, tự mãn: Thích “nổ” để tỏ ra hơn người. Thích kể công và khoe khoang thành thích của mình. Có thái độ khúm núm khiêm nhường giả tạo.
4) Thiếu tôn trọng người khác: Không biết “kính trên nhường dưới”. Thái độ hách dịch và xem thường người khác. Lấy ý mình làm trọng và không tôn trọng ý chung tập thể, dù biết mình sai. Ngắt lời người đang nói nếu họ nói trái ý mình. Thích phân tích động cơ và tâm lý của người khác để công khai phản bác. Nói hành nói xấu những kẻ vắng mặt.
5) Độc tài ác độc: Có lối hành xử cứng nhắc cửa quyền, không biết lắng nghe và thiếu thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của người khác. Cư xử “ác nhân thất đức” thiếu tình người, có thái độ “cả vú lấp miệng em” hoặc “Lấy thịt đè người”.
6) Thủ đoạn xảo quyệt: Không trung thực trong lời nói và hành động. Thích kéo bè kết đảng để gây chia rẽ, làm mất tình đoàn kết nội bộ, hay vào hùa với số đông dù biết là sai trái bất công. Có thái độ “thượng tôn hạ đạp”, nghĩa là xu nịnh kẻ trên và khinh thường người dưới.
7) Chua ngoa cay nghiệt: Hay oán trách người khác, không bằng lòng với hoàn cảnh hiện tại. Thích gây hấn và dễ nổi giận về những chuyện không đâu. Thiếu ý chí phấn đấu vươn lên. Lười biếng làm việc bổn phận. Lúc nào nét mặt cũng lộ vẻ u sầu chán nản.
8) Đầu óc thủ cựu thành kiến và không cầu tiến: Có lối suy nghĩ bảo thủ, không muốn thử nghiệm cái mới để cải tiến phương pháp làm việc. Không chịu học tập những người thành công để ngày một thăng tiến.
9) Thiếu lập trường, ba phải, nông cạn ấu trĩ: Làm việc vô nguyên tắc. Không có lập trường nên ai bàn gì cũng nghe. Hay thay đổi quyết định khiến người cộng tác không an tâm. Có cái nhìn thiển cận, ấu trĩ và thiếu nghiêm túc đối với những điều quan trọng.
10) Bất lịch sự trong giao tiếp: Thiếu nụ cười khi gặp gỡ tha nhân. Có thái độ bàng quang thờ ơ với việc chung. Thiếu nhiệt tình thi hành việc bổn phận và dễ dàng bỏ qua các công tác đã được cấp trên phân công.
4. Thảo luận: Trong những điều nói trên, bạn thấy điều nào thường gây thất nhân tâm cần cấp thời loại trừ?
5. Lời cầu: Lạy Chúa. Xin giúp mỗi người chúng con tìm ra những sai sót khuyết điểm trong cách ứng xử để tu sửa, hầu ngày một thành công và nên hoàn thiện hơn.- Amen.