[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 11,29-32″]
Khi dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giêsu bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giôna. Quả thật, ông Giôna đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Salômôn; mà đây thì còn hơn vua Salômôn nữa. Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ninivê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giôna rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
CHÚA GIÊSU – DẤU CHỈ ƠN CỨU ĐỘ
Chúa Giêsu nói với những người xin Ngài dấu lạ: “ông Giôna đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy” (Lc 11,30).
Sống trong thời đại này, hẳn mỗi chúng ta chẳng lạ lẫm gì công nghệ mã hóa thông tin để đưa ra những quy ước chung, thể hiện qua các tín hiệu hoặc biểu tượng. Ví dụ: tín hiệu đèn và biển báo giao thông, biểu tượng cấm hút thuốc, cấm xả rác,… Dĩ nhiên, khi nhìn vào những tín hiệu hoặc biểu tượng ấy, ta sẽ hiểu ngay thông tin truyền tải. Vậy, là tín hữu Công Giáo, ta nhận ra thông điệp gì khi nhìn lên dấu chỉ thập giá Chúa Giêsu?
Tin Mừng chúng ta vừa nghe, gợi lại những nhân vật và những sự kiện liên quan. Nữ hoàng Phương Nam gợi ta nhớ lại việc bà lặn lội đường xa tìm đến để được nghe lời khôn ngoan của vua Salômôn, lời mà Thiên Chúa ban cho vua vì lợi ích của dân thánh. Chúa Giêsu kết thúc mạch chuyện với lời khẳng định “mà đây còn hơn Salômôn nữa” (Lc 11,31) ngụ ý, mọi người tìm đến Salômôn để nghe lời khôn ngoan Thiên Chúa ban cho vua; còn Chúa Giêsu, Người đang nói, là Lời mà Thiên Chúa ban cho nhân loại, “Lời hóa nhục thể giữa chúng ta” (Ga 1,14). Tiên tri Giôna gợi ta nhớ lại biến cố dân thành Ninivê được Thiên Chúa thôi giáng phạt vì đã ăn năn sám hối, khi nghe ông rao giảng. Một lần nữa, điệp khúc “mà đây còn hơn Giôna nữa” (Lc 11,32) được lặp lại để kết thúc mạch chuyện với ngụ ý: nếu xưa, Giôna là người được Thiên Chúa sai đến với dân thành Ninivê; thì nay, Chúa Giêsu là chính Thiên Chúa đến thăm dân Người. Nếu xưa, Giôna miễn cưỡng thi hành sứ vụ; thì nay, Chúa Giêsu vì yêu người thế nên tự nguyện hiến thân trên thập giá. Nếu xưa, nhờ tin lời Giôna mà dân thành Ninivê ăn năn sám hối và được thoát chết; thì nay, những ai ở dưới giá máu của Chúa Giêsu được hưởng ơn cứu độ và sống đời đời. Nếu Giôna là dấu lạ giải thoát cho dân thành Ninivê; thì Chúa Giêsu chính là dấu chỉ ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho nhân loại, dấu chỉ vĩ đại, dấu chỉ thể hiện rõ nét nơi hiến tế của Chúa trên thập giá.
Thực tế, thời nào người ta cũng chạy theo dấu lạ hoặc tìm kiếm điều mới mẻ. Trước thực tế ấy, các tông đồ đã mạnh dạn làm chứng về Chúa Giêsu là dấu chỉ ơn cứu độ: “Khi người Dothái đòi hỏi những dấu lạ, người Hylạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Dothái coi là ô nhục, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cr 1,22-23). Giữa thực tế ấy, dấu lạ Chúa Giêsu chịu đóng đinh vẫn luôn được giương cao trên thập giá để mang lại nguồn ơn cứu độ cho những ai tin vào Người. Người vẫn ở đó trên thập giá để yêu thương và mang lại hy vọng, ủi an cho những ai lâm cảnh lầm than khốn cùng. Người vẫn ở đó trên thập giá để mời gọi chúng ta, mỗi chủng sinh, bước theo Người cách triệt để hơn trên con đường Người đã đi là yêu thương, dấn thân và phục vụ; ngõ hầu ơn cứu độ của Người được tỏa lan cho toàn thế giới.
Lạy Chúa, khi nhìn lên thánh giá, xin cho con cảm được tình yêu cứu độ Chúa ban; nhờ đó, con can đảm ra đi loan truyền tình yêu cứu độ của Chúa đến cho muôn người. Amen
[/loichua]