Thứ Sáu Tuần II Phục Sinh – Ngày 29/04/2022

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 6,1–15″]

Sau đó, Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.

Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. Ông Phi-líp-phê đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” Đức Giê-su nói: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

ĐỨC GIÊSU – TẤM BÁNH ĐƯỢC BẺ RA

“Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó” (Ga 6,11).

Kính thưa cộng đoàn, kết hiệp với thần linh là một khao khát của con người mọi thời. Bởi vì, Thiên Chúa khi dựng nên con người, đã đặt vào lòng con người sự khao khát cái vô hạn, khao khát Thiên Chúa . Vì thế, con người thường dùng những hành động thực tế để mong muốn đạt được ước vọng này. Trong các tôn giáo cổ xưa, người ta hay dâng cúng thần linh, rồi ăn một phần của lễ ấy, để mong được thông phần với thần linh của họ . Dân Do Thái xưa cũng thế. Họ ăn lễ vật trước nhan Giavê để được thông hiệp với Ngài (x. Đnl 12,18). Như thế, lương thực dâng cúng được trở nên phương tiện để con người đạt đến thần linh. Bài Tin Mừng hôm nay gợi cho ta biết về một lương thực thần linh cao quý hơn bội phần. Đó là tấm bánh Giêsu – một tấm bánh được bẻ ra để nuôi sống muôn người.

Hôm nay, Chúa dùng năm chiếc bánh và hai con cá để nuôi năm ngàn người. Khi để bài Tin Mừng này được đọc trong mùa Phục Sinh, Giáo Hội muốn gợi cho ta về hình ảnh tấm bánh trong bữa tiệc ly. Cũng giống như lúc làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, thì trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu cũng cầm lấy bánh, bẻ ra, và trao cho các muôn đệ. Khi cầm, bẻ, và trao tấm bánh, Người nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy” (Mt 26,26). Như thế, trong cử hành phụng vụ, tấm bánh là chính Đức Kitô. Và do đó, Giêsu mới là tấm bánh thần linh đích thực cho nhân loại. Vì Tấm Bánh ấy không chỉ cho thông phần – nhưng còn hơn thế nữa – là cho nên một. Nhờ rước Mình Thánh Chúa Giêsu vào lòng, chúng ta được nên một với Ngài . Ngài ở trong ta, và ta ở trong Ngài. Khi ấy, ta được sống và sống dồi dào (x. Ga 15).

Trong phép lạ hóa bánh ra nhiều. Tấm bánh được bẻ ra và trao cho các muôn đệ. Các muôn đệ tiếp tục bẻ tấm bánh mình nhận được mà trao cho mọi người. Cứ thế, tấm bánh được nhận, trở nên tấm bánh được bẻ ra và trao tặng. Sự tiếp nối này không hao mòn, nhưng triển nở. Và sự triển nở này không làm nên sự chia rẽ, nhưng là sự hiệp nhất. Bởi tất cả mọi người dùng chung một tấm bánh. Cuộc đời chúng ta, cũng hãy biết đón nhận tấm bánh Giêsu, để rồi trở nên tấm bánh được bẻ ra và trao cho muôn người. Cuộc đời được bẻ ra và trao ban không chỉ ở những việc cao cả vĩ đại, nhưng quan trọng hơn, là ở mọi hành động bé nhỏ trong mỗi ngày sống và trong suốt cuộc đời. Vì làm như vậy nghĩa là trao tặng cả con người mình.

1x. GLHTCG., số 27

2GIÁO HOÀNG HỌC VIỆN PIO X, Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, Hà Nội, nxb. Tôn Giáo, 2006, tr. 703

3GLHTCG., số 1331

Trong Bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa đã dùng sự khiêm hạ và tự hiến mà trao cho ta chính mình Ngài. Nhờ đó mà chúng ta được thông hiệp sự sống thần linh và nên một với Thiên Chúa. Trong mùa hồng ân này, xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta được cảm nghiệm sâu xa về hồng ân và tình yêu mà Chúa đã tặng ban.

[/loichua]

Comments are closed.