Thứ Năm Tuần Bát Nhật Phục Sinh – Ngày 21/04/2022

Lời Chúa: Lc 24, 35-48

Bấy giờ, hai môn đệ từ Emmau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo : “Bình an cho anh em !” Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói : “Sao lại hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực ? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà ! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi : “Ở đây anh em có gì ăn không ?” Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.

Rồi Người bảo : “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói : “Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại ; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này”.

 


Suy niệm

CHÚA GIÊSU – ĐẤNG KIỆN TOÀN LỜI KINH THÁNH

“Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Kitô phải chịu khổ hình rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” (Lc 24,46)

Kính thưa cộng đoàn, Giáo lý Công giáo số 134 khẳng định rằng : Toàn bộ Kinh Thánh nói về Chúa Giêsu và kiện toàn nơi Người. Sợi chỉ đỏ của mạc khải Kinh Thánh Kitô giáo là lịch sử cứu độ. Lịch sử này khởi đi từ lời hứa cứu độ của Cựu Ước (x.St 3,15) và được kiện toàn trong Chúa Giêsu qua mầu nhiệm phục sinh.

Tính thống nhất của Kinh Thánh bắt nguồn từ sự duy nhất của kế hoạch và mặc khải của Thiên Chúa. Trong hành trình rao giảng, Chúa Giêsu khẳng định : “Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,38). Do đó, mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giêsu là việc kiện toàn lời của Cựu Ước : “Tất cả những gì sách Luật Môsê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh vịnh đã chép về Thầy đều phải ứng nghiệm” (Lc 24,44). Tuy nhiên, cuộc khổ hình và cái chết của Chúa Giêsu đã in sâu vào tâm trí các môn đệ. Cái chết của Chúa trên thập giá khiến mọi hy vọng, mọi mơ ước của các ông đều tan theo mây khói. Một số môn đệ đã vội vã trở về với làng xưa và nghề cũ, như hai môn đệ trên đường đi Emmaus. Ý niệm sống lại từ cõi chết hoàn toàn mới mẻ và hầu như không thể tin nổi đối với các ông. Các ông cũng không thể liên hệ và nối kết hai sự việc thực sự đối nghịch nơi cuộc đời Chúa : Chết và sống lại ; Khổ hình và vinh quang. Do vậy, Chúa Phục Sinh đến và từng bước đưa các ông từ bóng tối tới ánh sáng, từ cái chết đau thương đến phục sinh và nhất là từ không tin đến đức tin mãnh liệt. Chúa Giêsu Phục Sinh khai lòng mở trí để các ông am hiểu Lời Kinh Thánh vì lòng họ còn ngờ vực (x.Lc 24,38b). Chúa giúp các môn đệ đang hội họp ở đó đọc lại cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Người dưới ánh sáng Kinh Thánh, như Người đã làm với hai môn đệ trên đường đi Emmau : “Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Kitô phải chịu khổ hình rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” (Lc 24,46). Qua đó, các môn đệ hiểu Lời Kinh Thánh và xác tín Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất mà Thiên Chúa đã hứa ban cho nhân loại (x.Cv 4,12) ; Đấng mà “Thiên Chúa đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ mà loan báo từ ngàn xưa” (Cv 3,21b).

Thánh Giêrrônimô nói : Ai không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Giêsu. Do đó, chúng ta chỉ có thể tin và hiểu được Chúa Giêsu Phục Sinh nhờ năng đọc và suy gẫm Kinh Thánh. Bởi vì, đọc Kinh Thánh là lắng nghe và làm theo Lời Chúa, là đi vào tương quan thân tình với Chúa. Đây là chuyện rất cần thiết trong cuộc sống. Tuy nhiên, với nhiều Kitô hữu, đọc và suy gẫm Lời Chúa không phải là chuyện cần thiết, mà chỉ là chuyện thứ yếu. Nhiều người dành rất ít thời gian cho việc đọc và suy gẫm Lời Chúa, nhưng lại dành nhiều thời gian cho giải trí, công việc và bạn bè. Khi có những giờ dành ra để đọc và gẫm Lời Chúa, nhiều người kiếm đủ cớ để bỏ qua, bớt xén, hoặc mong cho chóng xong. Bạn nghĩ sao về chính bạn ? Những lần đi lễ, cử hành bí tích, bạn coi Lời Chúa là cần thiết và đem hết chú tâm vào đó, hay chỉ coi đó là chuyện làm cho xong, cho qua ?

Trong một xã hội đầy biến động và thách đố, việc đọc và suy gẫm Kinh Thánh ngày càng trở nên quan trọng và cấp bách hơn lúc nào hết. Xin cho Lời Chúa trở nên sức mạnh nâng đỡ đời sống đức tin của chúng ta trong Chúa Phục Sinh, hầu trở nên Tin Mừng Phục Sinh cho tha nhân. Amen.


Comments are closed.