Giáo Hội Công Giáo Đức Đi Về Đâu?
G. Trần Đức Anh O.P
Vatican News (08.3.2022) – Trong những ngày qua, giữa những tin tức ồ ạt về tình hình chiến cuộc giữa Nga và Ucraina cũng như phản ứng lên án mạnh của thế giới chống Nga, cũng không thiếu những tin tức bày tỏ lo ngại về tình hình Công Giáo tại Đức và nhiều người đặt câu hỏi: những đòi hỏi cải tổ mà Giáo Hội tại nước này đưa ra sẽ đi tới đâu?
Sự quan tâm của Đức Cha Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan – Đức.
Ngày 22/02/2022, trên trang mạng của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, có đăng lá thư dài 3 ngàn chữ của Đức Cha Stanislaw Gadecki, Tổng Giám Mục giáo phận Poznan, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, gửi Đức Cha Georg Baetzing, Giám Mục giáo phận Limburg, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, để bày tỏ mối quan tâm huynh đệ mạnh mẽ trước hướng đi của “Con đường Công nghị” trong Công Giáo tại Đức và đặt câu hỏi: sáng kiến này có bén rễ trong Tin Mừng hay không.
Con đường Công nghị là một tiến trình do Hội Đồng Giám Mục và Ủy ban Trung ương giáo dân Công Giáo Đức đề xướng nhắm cải tổ Giáo Hội sau những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên trong những thập niên trước đây: cải tổ trong 4 lãnh vực cũng là 4 diễn đàn của Công nghị: cải tổ việc thực thi quyền bính trong Giáo Hội, cụ thể là dân chủ hóa; vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội, trong đó có việc cho phụ nữ chịu thánh chức, cải tổ luân lý tính dục của Giáo Hội cho hợp thời và sau cùng là thay đổi luật độc thân giáo sĩ. Các đề nghị trên đây đã được thông qua trong trong khóa họp cuối từ ngày 03 đến 05/02 vừa qua.
Ảnh hưởng tốt xấu của Công Giáo Đức
Đức Cha Gadecki viết: “Giáo Hội Công Giáo tại Đức quan trọng trên bản đồ Âu Châu, và tôi ý thức rằng Giáo Hội này chiếu tỏa đức tin hoặc sự thiếu tin tưởng của mình đối với toàn thể đại lục… Vì thế, tôi lo âu nhìn những hành động của Con đường Công nghị tại Đức. Khi quan sát những thành quả của Công nghị này, người ta có cảm tưởng Tin Mừng không luôn luôn là căn bản cho những suy tư của Công nghị”.
Trong thư, Đức Tổng Giám Mục Gadecki kêu gọi Đức Cha Baetzing chống lại sức ép muốn đưa giáo huấn của Giáo Hội theo chiều hướng của dư luận. Ngài viết: “Trung thành với giáo huấn của Giáo Hội, chúng ta không được chiều theo sức ép của thế gian, hoặc theo các kiểu mẫu của nền văn hóa thời thượng, vì nó có thể dẫn tới sự sa đọa về luân lý và tinh thần… Chúng ta hãy tránh lập lại những khẩu hiệu lỗi thời và những đòi hỏi như bãi bỏ việc độc thân, truyền chức linh mục cho phụ nữ, cho những người ly dị rước lễ và chúc lành cho những cặp đồng phái”.
Tránh “sáng chế Kitô giáo” theo quan điểm riêng
Đức Cha Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan cũng nhận xét rằng: qua dòng lịch sử đã có những nhân vật lãnh đạo tìm cách tái sáng chế một thứ Kitô giáo hợp theo thời đại của họ, như Thomas Jefferson, tổng thống thứ ba của Mỹ, đã ấn hành cuốn Kinh Thánh loại bỏ những đoạn mà ông cho là không phải là của Chúa Giêsu, nhưng do các tông đồ “thất học” đề ra.
Đức Cha Gadecki cũng nói đến một cám dỗ khác Giáo Hội ngày nay đang đương đầu, là tìm cách cập nhật giáo huấn của Chúa Giêsu theo những khám phá mới nhất của tâm lý học và các khoa xã hội. Ngài nhận xét rằng “Cám dỗ muốn ‘tân thời hóa’ đặc biệt xảy ra trong lãnh vực căn tính tính dục. Nhưng người ta quên rằng tình trạng kiến thức khoa học liên tục thay đổi và nhiều khi bi thảm. Ví dụ: Luật về Nguồn gốc quốc tộc (National Origins Act) giới hạn việc di cư vào Mỹ được Quốc hội thông qua năm 1924. “Lý do chính của luật này là vì người ta tin rằng những dân tộc như người Ý và Ba Lan là những người thuộc chủng tộc thấp kém hơn”. Đức Tổng Giám Mục Gadecki viết thêm rằng: những sách về tâm lý và khoa học xã hội ngày nay đang được coi là “không thể sai lầm” sẽ bị các thế hệ mai sau gạt bỏ. Ngài cũng nhận xét: sự ồ ạt rời bỏ Giáo Hội của các tín hữu Công Giáo Đức và ơn gọi linh mục giảm sút trầm trọng tại nước này khiến cho nhiều người mau lẹ kêu gọi nới lỏng sự độc thân linh mục. Nhưng câu trả lời này có nguy cơ suy nghĩ coi Giáo Hội như một xí nghiệp: vì không có đủ nhân viên, nên chúng ta hạ thấp các tiêu chuẩn tuyển mộ” (CNA 22-2-2022)
Phó Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức viếng thăm Tòa Thánh
Hai ngày sau đó, 24/02/2022, Đức Cha Franz-Josef Bode, Giám Mục giáo phận Osnarbrueck ở miền Bắc Đức, Phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, đã được Đức Thánh Cha tiếp kiến tại Vatican và trong cuộc trao đổi giữa hai vị, có đề cập đến Con đường Công nghị của Công Giáo Đức vừa kết thúc và Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới.
Đức Cha đã đến Roma tiếp xúc với một số vị Hồng Y lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh như Bộ Giám mục, Bộ gia đình, gia đình và sự sống, Bộ giáo lý đức tin, Chủ tịch Hội đồng Hiệp nhất các tín hữu Kitô.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Đức, Đức Cha Bode cho biết: có sự rất cởi mở của các chức sắc Tòa Thánh trong các cuộc trao đổi. Các vị nhiều lần nói rằng các vấn đề được bàn tới trong Con đường Công nghị của Công Giáo Đức, phần lớn có ý nghĩa đối với Giáo Hội hoàn vũ, tuy rằng người ta không đồng ý hết với quan điểm ở Đức. Vì thế, thật là điều tốt nếu Giáo Hội Công Giáo Đức mang những điều mình đã suy tư và bỏ phiếu vào tiến trình của Giáo Hội trên thế giới hiện nay về Thượng Hội Đồng Giám Mục hiệp hành. Đức Cha Bode nói: “Dĩ nhiên trong tiến trình đó sẽ có sự trao đổi, đối chiếu với những viễn tượng và quan điểm khác.”
Đức Cha Bode cũng nói rằng “Tôi làm giám mục từ 30 năm nay. Tôi đã có cảm nghĩ mình phải nói chuyện với Đức Giáo Hoàng một lần và đó là lý do khiến tôi xin gặp riêng Đức Giáo Hoàng”.
Theo Đức Cha, trong cuộc tiếp kiến, Đức Thánh Cha không đề cập đến những vấn đề như truyền chức linh mục cho phụ nữ, vấn đề đồng tính luyến ái và số người xin ra khỏi Giáo Hội tại Đức ngày càng lên cao. Nhưng ngài nhấn mạnh rằng: Giáo Hội cần tiếp tục gần gũi với con người, rồi mới đến các luật lệ. “Đức Giáo Hoàng là người ở vị trí Giáo Hoàng và mở ra những không gian cho các cuộc đối thoại”.
Trong bài đăng trên báo (Kirchenbote) của giáo phận Osnarbrueck ra ngày 03/3 vừa qua, Đức Cha Bode kể lại chuyến viếng thăm, và tỏ ra rất hài lòng vì sự cởi mở của Đức Thánh Cha và các chức sắc Tòa Thánh. Đức Hồng Y Farrell của Bộ gia đình ca ngợi Đức Cha Bode quan tâm đến việc mục vụ, ngài đặc biệt cởi mở đối với những đề tài cải tổ.
Đề cao tiếp xúc trực tiếp
Và Đức Cha kết luận rằng: “Với Roma chúng ta có thể nói chuyện được. Trong tương lai chúng ta phải tăng cường các cuộc đối thoại như thế! Trong cuộc viếng thăm, tôi không gặp những ‘bảng cấm nào, không có chỉ thị nào, không có lên án hoặc đe dọa nào’ về Con đường Công nghị và về tình trạng Giáo Hội tại Đức. Nhưng điều ai cũng biết là nhiều vị lãnh đạo trong giáo triều có những khó khăn đối với những yêu cầu cải tổ của Công Giáo Đức và cả đối với Giáo Hội hoàn vũ. Tại Roma rất nhiều điều tiến hành qua những tiếp xúc giữa con người với nhau. Vì thế, những vấn đề tranh luận có thể được trao đổi dễ dàng hơn nếu chúng ta biết nhau”.
Thay lời kết
Một tháng đã trôi qua từ sau khóa họp cuối của Con đường Công nghị của Công Giáo Đức, với những quyết định khiến nhiều nơi trong Giáo Hội bày tỏ lo âu về viễn tượng ly giáo có thể xảy ra, khi Giáo Hội tại Đức đi theo con đường trái ngược với đạo lý truyền thống của Giáo Hội mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần khẳng định. Cho đến nay chưa có quyết định hoặc thông cáo chính thức nào về Con đường Công nghị tại Đức. Một điều xảy ra là khi tiến trình Con đường này mới bắt đầu, Đức Thánh Cha đã gửi một thư dài 19 trang cho Cộng đồng dân Chúa tại Đức, nhắn nhủ quan tâm nhiều hơn tới việc nhấn mạnh tinh thần truyền giáo thay vì chỉ chú trọng đến những cải tổ về cơ cấu Giáo Hội. Nhưng hơn một lần ngài đã than phiền vì những lưu ý của ngài không được những người trong Con đường Công nghị ở Đức chú ý.
Trong một bài đăng trên trang mạng Kath.net ngày 04/3/2022, Đức Hồng Y Walter Branmueller, nguyên Chủ tịch Viện Sử học của Tòa Thánh, nhắc lại rằng: trong Công nghị của Công Giáo Đức từ 1971-1975 ở thành phố Wuerzburg, cũng đã có những quyết định cải tổ như bãi bỏ độc thân giáo sĩ, cho ly di tại hôn rước lễ, v.v. nhưng những điều đó không hề được Tòa Thánh phê chuẩn. Nay với Con đường Công nghị này, có điều mới là việc thực hành đồng tính luyến ái được coi là hợp luân lý. Ngoài ra không còn sự khác biệt giữa các Giám mục, linh mục, phó tế, và chỉ có “những người đã chịu phép rửa” với chức linh mục chung, hoàn toàn như Martin Luther đã dạy. Cần đợi thời gian mới có câu trả lời.
Nguồn: vaticannews.va/vi/