Tiến Tới Một Nền Văn Hóa Hòa Bình
Đức Giám mục Francesco Follo
WHĐ (08.3.2022) – Đây là phần chính yếu của bài phát biểu của Đức giám mục Francesco Follo, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại UNESCO (Tổ chức Liên hiệp quốc về Giáo dục, Khoa học và Văn hóa), nhân Đại hội lần thứ 36 của tổ chức này (25/10 – 10/11/2011):
Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn và đánh giá cao của Tòa Thánh về những công việc hết sức tốt đẹp Văn phòng Thư ký UNESCO đã thực hiện. Các văn kiện được soạn thảo, đặc biệt các số 36 C/3 và C/6, thật rõ ràng và được chúng tôi quan tâm. Các văn kiện cho thấy có sự suy tư phong phú và hành động hữu hiệu làm nền tảng cho từng lĩnh vực trong năm lĩnh vực thuộc UNESCO. Các văn kiện đã nhấn mạnh đến nền văn hóa hòa bình đối với một nền giáo dục toàn diện cũng gắn với sự phát triển bền vững, để đáp ứng những thay đổi về văn hóa và khí hậu liên quan đến con người sống trên hành tinh chúng ta.
Ngày 9/6/2011, Đức Thánh Cha có nói: “Bảo vệ môi trường con người là một nhu cầu khẩn thiết (…). Nhưng cũng cần phải tự hỏi về vị trí đúng đắn của kỹ thuật”, và của phát triển vốn gắn liền với giáo dục. Đức giáo hoàng nói thêm: “Đối với tôi, Liên Hiệp Quốc là khung cảnh tự nhiên cho một ý nghĩ như vậy vốn sẽ không bị các quyền lợi chính trị và kinh tế có tính cách phe phái một cách mù quáng làm lu mờ, để có thể đặt ưu tiên cho tình liên đới trong quan hệ với lợi ích riêng tư”.
Theo lời mời gọi này của Đức giáo hoàng, chúng ta có thể đề nghị một số suy nghĩ nhằm mục đích củng cố sự hợp tác tốt đẹp vốn có giữa Tòa Thánh và UNESCO, nơi các quốc gia cùng hoạt động chung với nhau để xây dựng hòa bình trong sự tôn trọng con người, tôn trọng các dân tộc, các nền văn hóa và các lục địa.
Trong tập sách Utopie (Dự án tổ chức chính thể không tưởng) của mình, Thomas More đã mô tả một xã hội “lý tưởng” trong thế giới, vốn theo tác giả, là một xã hội có thể có. Liệu có thể có một khả năng mở rộng xã hội “lý tưởng” này tới các chiều kích của thế giới ? Vấn đề còn bỏ ngỏ ! Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận thấy rằng có lẽ điều đó có thể có trong những cộng đồng chấp nhận hòa bình và bất bạo động trong lòng của mình. Để làm cho các dự án hòa bình thế giới thêm phong phú và hữu hiệu, chắc chắn cần phải thêm những dự án về hòa bình ở địa phương. Hòa bình ở địa phương là một đóng góp không thể thiếu để đi đến hòa bình thế giới. Chúng ta biết rằng con người là một con vật có tính xã hội được tạo nên để sống thành cộng đồng. Và trước tiên chúng ta phải tìm thấy những khuôn mẫu hay những giáo huấn để sống trong hòa bình ngay chính trong cộng đoàn vốn là một xã hội nhỏ. Các xã hội nhỏ này thì có nhiều, tôi chỉ xin nêu lên ở đây ba trong số các xã hội nhỏ này.
Xã hội đầu tiên trong số các xã hội nhỏ này là gia đình. Nếu con người phải học làm người, thì chính trong gia đình và không phải ở đâu khác, con người sẽ bắt đầu việc học này. Là người và trở thành người không loại trừ nhau. Và nếu việc trở thành người này cần phải có nơi để bắt đầu và nảy nở thì nơi ấy chính là cái tế bào xã hội khởi thủy được cấu tạo bởi cộng đồng đầu tiên gồm cha mẹ và con cái. Học để sống thành gia đình do đó là một ưu tiên. Chân phước Gioan Phaolô II viết trong Familiaris Consortio của ngài như sau: “Đối diện với chiều kích thế giới vốn ngày nay là nét đặc trưng của các vấn đề xã hội khác nhau, gia đình thấy vai trò của mình được mở rộng một cách hoàn toàn mới mẻ trong những gì liên quan đến sự phát triển của xã hội: đây cũng là sự hợp tác vào việc thực hiện một trật tự thế giới mới, bởi vì chỉ qua tình liên đới trên bình diện thế giới, con người mới có thể nhìn và giải quyết các vấn đề lớn lao và bi đát về công bằng trong thế giới, về tự do của các dân tộc, về hòa bình của nhân loại” (số 48, 22/11/1981).
Nhà trường là xã hội thứ hai cần được nói đến. Chúng ta biết rằng trẻ em đến trường là để học, và việc đến trường sẽ giúp đứa trẻ một ngày kia tìm được một việc làm. Tuy nhiên, nhà trường không phải là một nơi từng đứa trẻ riêng rẽ chỉ có học, mà còn là nơi để các đứa trẻ cùng nhau học cách xử sự với tư cách những ‘thực thể xã hội’. Nhà trường dạy các môn học khác nhau, và đứa trẻ cần có những tri thức này. Đứa trẻ cần một nền ‘văn hóa’ và những hiểu biết khác nhau. Tuy nhiên, nhà trường sẽ không làm tròn sứ vụ của mình nếu chỉ cung cấp một nền giáo dục lý thuyết mà quên tạo thuận lợi cho việc dẫn con người vào một cuộc sống chung lành mạnh, vốn cần thiết cho sự nảy nở của mọi con người.
Gia đình là không gian ưu đãi cho sự gặp gỡ đầu tiên với kẻ khác. Và nhà trường, qua việc giúp con người tiếp xúc với tri thức và với tính khác biệt, là nơi mở rộng sự gặp gỡ này. Gia đình phải là nơi của hòa bình, nhưng không thể là nơi duy nhất có hòa bình. Do đó, chúng ta cần phải làm hết sức mình để các trẻ học cách sống chung với nhau trong sự tôn trọng các khác biệt chính đáng, và có được kinh nghiệm về tình huynh đệ giữa con người và tình bằng hữu.
Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, trong diễn văn về giáo dục công giáo đọc tại London, ngày 17/9/2010, khẳng định: “Như quý vị biết, công việc của một giáo sư không chỉ là truyền đạt các thông tin hay dạy những hiểu biết để có thể tạo ra một lợi ích kinh tế cho xã hội. Không thể và không bao giờ được nhìn giáo dục theo một nhãn giới hoàn toàn vị lợi. Đây là việc đào tạo con người, bằng cách cung cấp cho con người hành trang cần thiết để sống trọn vẹn cuộc sống của con người – tóm lại, đây là vấn đề truyền đạt sự khôn ngoan”.
Và chúng ta biết là khôn ngoan không nảy sinh chỉ từ việc tích lũy các thông tin; khôn ngoan là kết quả của kinh nghiệm và là nghệ thuật sống, và, đối với người kitô hữu, là một ân huệ của Thiên Chúa, ân huệ vốn không bẩm sinh nhưng do cầu xin và do tự xây dựng liên tục. Bởi vậy, vấn đề không phải chỉ là biết để có thế, mà là biết để phục vụ, biết để sống hòa bình với người khác. Do đó, Tòa Thánh đánh giá cao phần ba của chương trình giáo dục trong 36/C5: “Tạo thuận lợi cho hệ thống giáo dục có câu trả lời trước những thách đố đương thời nhằm đạt tới một nền văn hóa hòa bình và bất bạo động”.
Trong một thế giới bị chia rẽ trầm trọng, bị đe dọa bởi những cuộc đối đầu gay gắt dưới nhiều hình thức, trường học có thể đào tạo nên những tác nhân của hòa bình, cổ vũ một nền văn hóa đối thoại mở ra cho sự tự phê bình. Như vậy, trường học có thể đấu tranh, theo cách và với các phương tiện của mình, chống lại các tình trạng chênh lệch quá lớn, đòi hỏi nhân quyền phải được tôn trọng khắp nơi, và nhất là, trường học có thể dạy cho biết chúng ta là gì: một gia đình nhân loại duy nhất.
Gia đình và nhà trường nằm trong cái chúng ta có thể gọi là đô thị. Nơi thứ ba này ở đây không được hiểu là quốc gia hay xứ sở. Nhưng cần giới hạn ý nghĩa của nó bằng cách trở về với nguồn gốc Hy Lạp của thành quốc, thị trấn hay làng. Do đó, có thể nói rằng đòi hỏi hòa bình vượt quá phần 2 của chương trình các khoa học xã hội và nhân văn. Phần 2 này mong muốn “cổ vũ một nền văn hóa hòa bình bởi sự bất bạo động liên quan đến các quyền con người, đến dân chủ, hòa giải, đối thoại bằng cách bao gồm tất cả mọi đối tác chính trị và xã hội, đặc biệt người trẻ”. Thế giới của chúng ta ngày càng được đô thị hóa và đô thị trở thành nơi đa số người đương thời của chúng ta sinh sống.
Đô thị đã trở thành nơi nền văn hóa tinh tế nhất và cả bạo lực lớn nhất bộc lộ và cùng sống, nơi của sự giàu sang và cũng là nơi của nghèo khổ hiển nhiên. Do đó, cần phải hoạt động để đô thị hay thành phố, thị trấn hay làng mạc, thực sự mang tính nhân văn. Nghĩa là bên trong đô thị, thị trấn hay làng mạc, cộng đồng những con người tạo nên các nơi này, có thể chấp nhận như đòi hỏi có tính sống còn việc đặt nền tảng cuộc đời của mình trên những nguyên tắc tích cực từ các nền văn hóa riêng để dẫn đến một nền văn hóa hòa bình và loại trừ bạo động dưới mọi hình thức. Việc xây dựng hòa bình bằng cách sử dụng ba tầng, gia đình – nhà trường – thị trấn, có thể dẫn đến một nền văn hóa hòa bình và nền văn hóa này có thể tác động một cách rộng hơn trên cuộc sống chung hài hòa giữa các quốc gia.
Giáo hội Công giáo, như mọi người đều biết, trong suốt hai ngàn năm lịch sử của mình, đã luôn luôn cổ vũ việc giáo dục, văn hóa và khoa học. Bởi vậy, Tòa Thánh không đánh giá thấp tầm quan trọng của nền văn hóa khoa học được mô tả trong chương trình các Khoa học ở tài liệu 36 C/5, đó là “nghiên cứu các lĩnh vực trong đó UNESCO có thể đạt tới mục tiêu tổng quát của các khoa học vì Hòa bình”, như các hoạt động vượt ranh giới liên quan đến việc quản lý các Khoa học tự nhiên và các sự hợp tác khoa học có tính cách miền do Tòa Thánh hỗ trợ. Dĩ nhiên, Tòa Thánh tán thành việc quan tâm tới văn hóa và đối thoại liên văn hóa trong các chính sách phát triển để cổ vũ một nền văn hóa hòa bình do Bộ phận văn hóa định rõ. Nhưng việc tìm kiếm sự cố kết và thống nhất của các nền văn hóa khác nhau qua việc làm nổi bật những gì là tích cực và có tính xây dựng nơi mỗi nền văn hóa, có thể giúp con người tìm ra những phương tiện cần thiết để trở thành người một cách đầy đủ và do đó trở thành những tác nhân hữu hiệu cho hòa bình.
Bởi đó, mặt bằng liên bộ phận cho một nền văn hóa hòa bình và bất bạo động mang một tầm quan trọng hoàn toàn đặc biệt đối với UNESCO, nó có tầm quan trọng đối với nhân loại, bởi vì toàn bộ hoạt động của con người đều phải cổ vũ cho nền văn hóa hòa bình. Có lẽ từ sự kiện này, chúng ta có thể đề nghị dành cho hoạt động liên bộ phận này của Văn hóa Hòa bình một tầm quan trọng lớn hơn nữa, vì đây chính là sự ủy nhiệm của UNESCO.
Xác tín về vị trí trung tâm của con người và của giá trị con người, Công đồng Vatican 2 khẳng định: “Con người là tác giả, là trung tâm và là mục đích của tất cả đời sống kinh tế và xã hội” (Gaudium et spes, 63). Và Đức Phaolô VI đã có thể viết: “Điều đáng kể với chúng tôi là con người, là mỗi người, là mỗi đoàn người cho đến toàn thể nhân loại” (Populorum progressio, số 14). Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã viết thêm trong Thông điệp Caritas in veritate của ngài: “Trọng tâm cần được bảo vệ và được đánh giá cao của con người, chính là nhân vị trong sự trọn vẹn của nó” (số 25).
Ngài khẳng định tiếp: “Sự phát triển đích thực của con người phải chú trọng tới toàn bộ con người nơi mỗi chiều kích của con người (…). Nếu như sự phát triển không phải là phát triển mọi người và mỗi người, thì đó không phải là phát triển đích thực” (số 11 và 18).
Làm như vậy tức là chúng ta tiếp tục đặt con người, sự phát triển toàn diện của con người và lợi ích chung ở ngay trung tâm của mọi suy tư và hành động của chúng ta.”
Xin cám ơn sự quan tâm của quý vị.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 68 (Tháng 11 & 12 năm 2011)