[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 8, 27-33″]
Đức Giêsu và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xêdarê Philípphê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?”. Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó”. Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Ông Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô”. Đức Giêsu liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người. Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. Nhưng khi Đức Giêsu quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phêrô: “Xatan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
ĐÓN NHẬN VÀ BƯỚC THEO CHÚA TRÊN ĐƯỜNG THẬP GIÁ
“Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại” (Mc 8,31).
Trong sứ vụ của mình, Chúa Giêsu đã làm rất nhiều phép lạ và rao giảng nhiều điều mới mẻ so với các bậc thầy Do thái. Khi đó, dân chúng bàn tán nhiều hơn về con người và sứ mệnh của Ngài: người thì bảo Chúa Giêsu là Gioan Tẩy giả đã sống lại, kẻ thì cho là Êlia hay một ngôn sứ nào đó (x. Mc 8,28). Với Chúa Giêsu, Ngài vẫn tiếp tục giữ thinh lặng về con người cũng như sứ mệnh của mình. Ngài cũng thường bảo kẻ được thi ân chữa lành giữ kín không được nới với ai về ngài sau mỗi phép lạ (x. Mc 8,30).
Trong bài Tin Mừng cộng đoàn vừa nghe, khi đặt câu hỏi một cách rõ ràng với các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mc 8,29), Chúa Giêsu muốn phá vỡ sự thinh lặng ấy. Câu trả lời của các ông vừa là phản ánh dư luận của đám đông, vừa là trắc nghiệm về chính lòng tin của các ông về Thầy của mình. Lời đáp của Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8,29) quả là một lời tuyên xưng, nghĩa là Ngài là Đấng Thiên Chúa sai đến để giải phóng dân tộc. Dĩ nhiên trong cái nhìn của Phêrô, Đức Kitô mà các ông mong đợi là Đấng sẽ dùng quyền năng của mình để đánh đuổi ngoại xâm và biến đất nước thành một vương quốc cường thịnh, bá chủ địa cầu. Chính vì thế, khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn Ngài phải trải qua, Phêrô đã kéo riêng Ngài ra và trách Ngài (x. Mc 8,32). Tuyên xưng một Đức Kitô cứu thế nhưng không chấp nhận con đường Thập giá của Ngài, Chúa Giêsu gọi đó là thái độ của Satan. Ba cơn cám dỗ của Satan đối với Chúa Giêsu đều qui về một mối là hãy khước từ con đường Thập giá. Vì thế, khi Phêrô vừa can Ngài từ bỏ ý định cứu rỗi bằng con đường Thập giá, Chúa Giêsu đã trách Phêrô: “Xatan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8,30). Phêrô và các môn đệ chỉ hiểu được sứ mệnh của Chúa Giêsu, khi Ngài từ trong cõi chết sống lại. Mang danh hiệu Kitô, tuyên xưng Chúa Kitô, cũng có nghĩa là chấp nhận đi theo con đường của Ngài. Phêrô và các môn đệ đã sống đến tận cùng lời tuyên xưng của mình, tất cả đều lập lại cái chết khổ hình của Chúa Kitô.
“Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập gỉá mỗi ngày mà theo”, nơi cuộc sống bằng ngày, nhất là trong những hoàn cảnh hiện tại, hơn bao giờ hết đây là một lời mời gọi tham dự vào cuộc khổ nạn của Ngài và vác lấy thập giá mình. Mỗi người một thập giá, mỗi ngày một thập giá, chúng ta luôn tin tưởng Thiên Chúa không bao giờ đặt một thập giá nặng hơn đôi vai của chúng ta. Trong ơn gọi của mình, ta xác tín và chấp nhận thập giá nhưng đôi khi trong cuộc sống, thái độ của ta lại phản nghịch điều ta xác tín và muốn khước từ thập giá: là khi ta không tiếp nhận cuộc sống như một ân ban, nhìn cách bi quan về các biến cố và con người, là khi chúng ta bán đứng lương tâm vì một chút lợi lộc vật chất hay đóng kín niềm tin trong các buổi phụng vụ, trong bốn bức tường nhà thờ mà quên rằng sống đạo là sống niềm tin Kitô trong từng phút giây của cuộc sống. Những khi ấy, chúng ta hãy nhắc nhở mình về lời dạy của thánh Phaolô: “Tôi chỉ biết có một Chúa Kitô và là Chúa Kitô chịu đóng đinh Thập giá”. Ước gì niềm tin của chúng ta luôn được soi sáng bằng mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Chúa Kitô, và được thể hiện bằng thái độ chấp nhận thập giá trong từng giây phút cuộc đời.
Nguyện xin Đấng đã chết treo trên thập giá ban niềm tin, sức mạnh và ơn can đảm giúp mỗi người chúng ta biết đón nhận và hoàn thành con đường thập giá trong ý muốn của Ngài.
[/loichua]