[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 3,15-16.21-22″]
Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi về ông Gioan: biết đâu ông chẳng là Đấng Mêsia. Ông Gioan trả lời mọi người rằng: Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa; sau đó, đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng như chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
KHÔNG AI BỊ LOẠI TRỪ
“Khi toàn dân chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa” (Lc 3,21)
Xếp hàng là một văn hóa phổ biến đối với con người, nhất là trong thời đại văn minh chúng ta. Thậm chí, một người được đánh giá có văn hóa hay không ngang qua chính hành vi họ biết xếp hàng tại những nơi công cộng. Tuy nhiên, không chỉ ngày nay người ta mới nói đến văn hóa xếp hàng mà 2000 năm trước, Chúa Giêsu đã từng xếp hàng. Người hòa mình với đoàn người tội lỗi, xin phép rửa sám hối của Gioan tại dòng sông Giorđan. Nhưng chúng ta sẽ thắc mắc: Tại sao Con Thiên Chúa, Đấng vô tội, lại chịu phép rửa của Gioan? Hành động của Chúa Giêsu phải chăng chỉ là cách dạy ta về ‘văn hóa xếp hàng’ hay Người muốn mạc khải điều gì khác nữa cho chúng ta?
Tin Mừng cộng đoàn vừa nghe miêu tả một đoàn người rất đông. Họ xếp thành hàng, xin Gioan làm phép rửa sám hối. Cùng đoàn người tội lỗi, Chúa Giêsu cũng xếp hàng. Người không nổi bật như lời tiên báo của Gioan, nhưng rất âm thầm, lặng lẽ, hòa mình với đám đông. Phải chăng hình ảnh một Thiên Chúa hạ sinh làm người nơi máng cỏ Belem, chưa lột tả hết sự gần gũi của Thiên Chúa? Cho nên hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục hạ mình. Người dìm mình xuống dòng sông Giorđan, mượn làn nước ấy tẩy đi dáng vẻ cao sang của Thiên Chúa, để Người thực sự trở nên một với con người (x. Pl 2,6-7). Cũng thế, khi xếp mình vào đoàn tội nhân, Chúa Giêsu tỏ rõ mầu nhiệm nhập thể là sự hòa trộn trọn vẹn giữa Con Thiên Chúa với thân phận, vận mệnh của nhân loại: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá” (1Pr 2,24 ). Quả thật, Con Thiên Chúa làm người không chỉ chuộc tội, đền tội hay tha tội cho nhân loại, nhưng Người còn mang lấy, gánh lấy và ôm lấy tất cả tội lỗi của con người, để biến đổi chúng ta thành con Thiên Chúa.
Vâng! Hành động khiêm hạ của Chúa Giêsu không chỉ dạy ta bài học về ‘văn hóa xếp hàng’, nhưng là phô bày một chân trời rộng mở yêu thương, nơi mà mỗi người đều được tôn trọng, nhất là những người nghèo khổ, tàn tật, tội lỗi hay những người không có khả năng tự vệ. Tuy nhiên, sống giữa một xã hội đề cao chủ nghĩa hưởng thụ, chúng ta dễ rơi vào trạng thái nhìn mọi thứ dưới lăng kính một món hàng, có khi cả con người, điều Đức Giáo Hoàng Phanicô đã cảnh tỉnh về một thế giới “vứt bỏ”, một nền văn hóa coi tha nhân như những đồ phế phẩm: “Cái người ta vứt bỏ ngày hôm nay không chỉ là thực phẩm hay những đồ vật dư thừa, mà thường là chính con người” (Fratelli Tutti, số 19). Bởi vậy, Chúa Giêsu đã trút bỏ vinh quang, không ngừng đi xuống, nên một với tội nhân là tiếng nói sống động thúc giục ta hãy gột tẩy con người ích kỷ, can đảm thay đổi lối sống và rộng mở con tim để không nhìn tha nhân như “địa ngục” nhưng là những tặng phẩm của Thiên Chúa.
Chúa đã đi xuống để nâng con người lên, thì xin cho chúng ta cũng biết cúi xuống vực dậy anh chị em mình đứng lên. Chúa đã sống hết mình và hết tình vì chúng ta, thì xin cho chúng ta cũng biết vượt qua chính mình để sống vì, sống với và sống cho người khác. Cứ như thế, không ai trong chúng ta là người bị loại trừ.
[/loichua]