Thứ Hai Tuần XXVII Thường Niên – Thánh Phanxicô Assisi. Lễ nhớ – Ngày 04/10/2021

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 10, 25-37″]

Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng : “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” Người đáp : “Trong Luật đã viết gì ? Ông đọc thế nào ?” Ông ấy thưa : “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình”. Đức Giê-su bảo ông ta : “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống”.

Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng : “Nhưng ai là người thân cận của tôi ?” Đức Giê-su đáp : “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói : ‘Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác’. Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?” Người thông luật trả lời : “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy”. Đức Giê-su bảo ông ta : “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

YÊU KHÔNG BIÊN GIỚI

“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của người, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lức, và hết trí khôn người, và yêu người thân cận như chính mình” (Lc 10, 27).

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta mải mê dệt cuộc đời mình bằng danh vọng, địa vị và tiền bạc nên sự vô cảm, thờ ơ trước nỗi khổ của tha nhân ngày một trở nên phổ biến. Nhiều người bị gạt ra ngoài xã hội, bị đối xử thậm tệ, bị lãng quên. Do đó, Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người phải có trong mình một tình yêu không biên giới như người Samari trong dụ ngôn qua hai ý sau :

Trước hết, phải có một tình yêu lớn hơn. Tình yêu này phải khởi đi từ việc mến Chúa và yêu người. Tình yêu này cũng được tìm thấy qua câu trả lời của người luật sĩ : “phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu người thân cận như chính mình” (Lc 10, 27). Do đó, tình yêu lớn hơn đòi buộc con người không chỉ dừng lại ở việc yêu Chúa và yêu chính mình, mà còn vươn tới và mở ra với tha nhân như yêu chính bản thân. Cũng vậy, con người không thể đạt tới tình yêu này khi chỉ biết nói mà không biết hành động. Chính khi hành động cách cụ thể, tình yêu lớn hơn sẽ giúp họ phá vỡ mọi ngăn cách, lấp đầy mọi vực thẳm. Thật vậy, dụ ngôn người Samari chính là mẫu gương sống động cho tình yêu lớn hơn ; một tình yêu không biên giới. Khi mang trong mình một tình yêu lớn hơn, ông đã vượt qua ranh giới chủng tộc, xé tan những hàng rào của văn hóa, màu da, hận thù để đến với người cùng khốn, bệnh tật, bị bỏ rơi … Qua đó, Chúa Giê-su mời gọi người luật sĩ “cũng hãy làm như vậy” (Lc 10, 37b) để có được tình yêu không biên giới như ý muốn của Thiên Chúa.

Thứ đến, phải yêu một cách quảng đại. Tình yêu quảng đại không có mức độ, không có giới hạn. Bởi vậy, ai càng yêu mến Thiên Chúa cách quảng đại, họ sẽ càng yêu mến và phục vụ tha nhân hơn. Vì thế, “Nếu ai nói tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20). Do đó, chúng ta phục vụ tha nhân là phục vụ Thiên Chúa (x.Mt 25, 40). Mẫu gương người Samari mà Chúa đưa ra cho người luật sĩ xưa kia vẫn còn mới cho cuộc sống này.

Trong cơn dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, chúng ta thấy những thiện nguyện viên đang quảng đại dấn thân đến với tha nhân nơi tuyến đầu. Họ vượt qua mọi biên giới của vùng miền, vượt thắng nỗi sợ hãi để đi vào tâm dịch ; vào những bệnh biện dã chiến để chăm sóc, động viên, an ủi bệnh nhân với tình yêu quảng đại. Như vậy, chúng ta chỉ có tình yêu vô biên giới khi biết quảng đại dành tình yêu cho tất cả mọi người, kể cả những người không hợp và thù ghét mình.

Trong ngày mừng lễ thánh Phanxicô Assisi, xin thánh nhân chuyển cầu để Chúa ban cho chúng ta một quả tim mới, quả tim với tình yêu không biên giới. Từ đó, chúng ta biết sống tình yêu không biên giới để đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm … Amen.

[/loichua]

Comments are closed.