GIÁO DỤC NHÂN BẢN – Bài 3: NGHỀ NGHIỆP
I- Lao tâm, lao lực
Người ta sinh ra ở đời là phải được nhọc lòng hoặc nhọc sức, nhiều khi phải nhọc cả lòng lẫn sức để làm tròn nhiệm vụ đối với bản thân, với gia đình, với xã hội với tổ quốc.
Theo quan niệm xưa, “kẻ lao tâm trị người, kẻ lao lực bị người trị; kẻ bị trị thì phải nuôi người, kẻ trị người khác thì được người nuôi”. Do những thành kiến bắt nguồn những quan niệm giống như quan niệm trên đây, người đời quen thói trọng nghề lao tâm, khinh nghề lao lực.
Sự thực, như câu ngạn ngữ đã nói: “không có nghề nào là dở, chỉ có người dở mà thôi”. Đem cái sức của hai bàn tay hay đem sức của trái tim, khối óc ra làm một nghề lao lực hay lao tâm, cũng là đem thân cống hiến cho một nghề nghiệp có ích.
Người lao tâm hay người lao lực cũng đều phải đem cả tâm và lực vào công việc của mình, mới có thể phát triển được tất cả những khà năng của mình. Một tác phẩm do tâm trí nghĩ ra tất phải do bàn tay thực hiện; hai đằng đều đòi hỏi tài nghệ, kỹ thuật riêng. Tài nghệ kỹ thuật ấy tức là cái tinh hoa của nghề, bất kể là nghề lao tâm hay nghề lao lực.
Vả lại, những nghề lao lực phần nhiều là những nghề căn bản, cần thiết nhất cho đời sống của mọi người. Biết bao nhiêu thi sĩ, văn sĩ đã tán dương cái nghề cao quý của nhà nông là “bàn tay nuôi sống nhân loại”, cùng với những nghề cần thiết khác của bao người thợ, đã cung cấp mọi nhu cầu cho đời sống vật chất và cả đời sống tinh thần của chúng ta. Mà ngay một tác phẩm về văn hóa văn nghệ cũng đòi hỏi nhiều công phu kết hợp của nghề lao tâm và nghề lao lực. Muốn in một quyển sách , đã đành phải có công phu và tâm trí tác giả, nhưng cũng phải có công phu của những người thợ về kỹ nghệ chế tạo máy in, đúc chữ in, kỹ nghệ giấy, mực, kỹ thuật ấn loát.
Cho nên nghề lao tâm và nghề lao lực phải liền lạc với nhau, không thể có sự phân biệt trọng khinh mà quan trọng là cần có sự hỗ trợ vì cái giá trị của nghề không phải ở bản chất của nó mà ở sự tinh nhuệ và sự tận tâm của người hành nghề.
II- Chọn nghề
Việc chọn nghề là một trong những việc quan trọng nhất của đời người, vì cả tương lai của ta tùy thuộc vào đấy. Khoảng thời gian dành cho sự hành nghề chiếm phần lớn của cuộc đời trong khoảng thời gian dài đó, có những năm mà sức hoạt động của chúng ta được dồi dào, linh lợi hơn bao giờ hết.
Có nhiều người vì đã cẩu thả trong lúc chọn nghề mà phải mang hận suốt đời, miễn cưỡng mà làm, không tin tưởng , không hứng thú, thậm chí phải mang lấy cái “bệnh chán nghề”, lúc nào cũng ân hận, cũng phàn nàn, vì đã lỡ bước lầm đường.
Theo tâm lí chung, trong lúc chọn nghề, người ta nghĩ ngay đến nghề có nhiều lợi lộc, những nghề có nhiều danh giá. Thuở xưa cái hy vọng và mục đích của người đi học là được thi đỗ để “làm việc nhà nước” vì chỉ có nghề ấy là nhiều lợi lộc, nhiều quyền thế, nhiều danh vọng.
Cũng có người vì cảnh nghèo hoặc ngại khó, muốn chọn nghề gì không cần phải học tập tốn công phu, cốt sao cho chóng tốt nghiệp để mau kiếm tiền.
Rồi cha mẹ, anh em họ hàng mỗi người một ý kiến, làm cho người thanh niên trước khi quyết định chọn nghề rất lấy làm phân vân, bối rối.
Sự thực, thì việc chọn nghề là việc riêng của mình, không phải là việc mà mình có thể trông cậy vào người khác được. Đành rằng mình nên thăm dò ý kiến, tiếp nhận những lời khuyên răn của các bậc phụ huynh và thầy cô là những người lưu tâm nhất đến tương lai của mình. Nhưng trước hết mình phải tự xét xem mình có năng khiếu về những môn học gì, những năng lực, những khuynh hướng, những thị hiếu gì, để chọn một nghề thích hợp với những khả năng những thị hiếu ấy, thì lúc hành nghề mình mới thấy hứng thú, thấy nhiệt thành.
Có người bắt đầu học luật khoa, được ít lâu bỏ học theo y khoa, rồi bỏ y khoa theo nông học xoay ra làm nghề thương mại. Sau mấy lần thay đổi môn học, người thanh niên ấy chắc chắn không thể lấy làm mãn nguyện được, tất phải than thân trách phận, sốt đời ngán ngẩm cho cái số long đong do chính mình tạo ra.
Ta không thể ép tư cách, ép tài năng của ta được vì như thế cái nghề của ta không thể tinh luyện được, ta sẽ thiếu sức hoạt động, không có nhiệt tâm, không thể trổ hết tài năng của ta để làm tròn nhiệm vụ đối với nghề nghiệp được.
III- Lương tâm nghề nghiệp
Trong những bổn phận đối với nghề nghiệp của chúng ta, lương tâm nhà nghề là điều đáng quý nhất. Bất cứ làm nghề gì, nghề lao tâm hay nghề lao lực, nghề văn hay nghề võ, nghề công chức, tư chức hay nghề tự do, người nào có lương tâm nghề nghiệp đều là người đáng trọng cả.
Một người thợ máy sửa một bộ phận cơ khí, đem hết kỹ thuật và tâm lực vào công tác của mình, làm thế nào cho được chu đáo, không để cho tai nạn nào có thể xẩy ra do sự sơ xuất của mình, là người có lương tâm về nghề nghiệp. Một y sĩ hết lòng chăm nom bệnh nhân, không sợ nguy hiểm cho bản thân, một giáo viên hết lòng dạy dỗ cho con em không ngại vất vả đến bản thân, một tiểu thương không lường gạt khách hàng về phẩm cũng như về lượng của hàng hóa, đều là những người có lương tâm nghề nghiệp.
Lương tâm nghề nghiệp sở dĩ là cao quý là vì nó chứng tỏ người hành nghề làm ăn lương thiện, cần cù có lòng nhân ái, theo nghĩa công bằng, trọng nghĩa khinh lợi quên mình để giúp ích cho xã hội.
Người có lương tâm nghề nhiệp là người yêu nghề, lúc nào cũng cố trau dồi kỹ thuật để gặt hái được kinh nghiệm dồi dào, để thu hoạch được kết quả tốt đẹp hơn.
Trong một xã hội có tổ chức, mọi ngành hoạt động được phát triển mau chóng là nhờ ở những nhà nông, công, thương, khoa học, kỹ thuật, chính trị, giáo dục, mọi người đều có lương tâm cao quý về chức nghiệp mang lại nhiều tiến bộ trọng đại về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Cho nên lương tâm nghề nghiệp không những là bổn phận của cá nhân mà cũng là bổn phận của công dân đối với xã hội, đối với quốc gia. Nếu vì lười biếng gian nan, nếu vì thiếu những đức tính trong sạch, cẩn thận siêng năng mà những công dân tỏ ra thiếu lương tâm nghề nghiệp, là họ hành động không khác gì những kẻ trộm cắp, lừa đảo. Tội gian ấy họ đã phạm trực tiếp đối với những người bị thiệt thòi, vì sự thiếu lương tâm của họ và gián tiếp đối với xã hội trong khi nước nhà mong đợi ở mọi người sự tận tâm về nghề nhiệp, để góp phần vào nền thịnh vượng chung.
IV- Trong thực nghiệm
Cách đây không lâu, người mình chỉ chuộng hư vãn mà không trọng thực nghiệp. Nông nghiệp thì theo lề lối áp dụng từ ngàn xưa, không ai nghĩ đến việc cải thiện phương pháp canh tác, thay đổi nông cụ để tăng gia năng xuất về lượng cũng như về phẩm, trước làm thế nào, sau vẫn làm thế ấy, dù phương pháp này ngày một lạc hậu, cũ kỹ. Về công nghiệp thì trình độ thấp kém; ngoài những dụng cụ những sản phẩm đơn sơ chế tạo do bàn tay của những nhà tiểu công nghệ, thì tất cả những hóa phẩm cần thiết từ cái kim, ngòi bút cho đến hàng vải, hàng lụa, đồ sứ, vị thuốc, trà tàu…đều do nhập khẩu để đáp ứng tiêu dùng. Về thương nghiệp, thị trường đã bị ngoại kiều thao túng, việc thương mại chẳng qua là nghề buôn hàng xách, nghề “buôn thúng bán mẹt”, “lọt sàng xuống nia” bao nhiêu quyền lợi đã bị tay người ngoài thâu tóm.
Tình trạng ấy cũng rất dễ hiểu: từ bao nhiêu thế kỷ, nước ta bị đặt dưới ắt thống trị của ngoại bang; quyền hành chính trị đã thuộc về tay người, thì quyền lợi kinh tế tất nhiên bị người ngoài dùng thế lực chiếm đoạt cả. Vốn dĩ, bao nhiêu thông minh, tài trí đều chú trọng đường lối hư văn, khoa cử, trong triều ngoài quận, vua quan bất lực, không trông xa nhìn rộng, không có cải cách canh tân.
Hoặc giả cũng có người học thức rộng, hiểu biết nhiều, tha thiết yêu nước như Nguyễn Trường Tộ dưới triều Tự Đức, đã trình bày nhiều việc cải cách, gồm có những vấn đề chấn hưng nông nghiệp, công nghệ, thương nghệ, thì gặp phải sức cản trở của những triều thần bảo thủ, cho nên kế hoạch dù hay không thể thực hành được, cũng coi như vô ích.
Ngày nay, các cường quốc trên thế giới, sở dĩ chiếm được địa vị ưu thắng, chính là nhờ một phần lớn, ở sự phát triển mãnh liệt của nền kinh tế quốc gia mà thực nghiệp là nguyên động lực.Những nước nào mà thực nghiệp không được hay, ít được phát triển, tất phải liệt vào hạng quốc gia hậu tiến – theo danh từ thông dụng bây giờ – là những nước kém mở mang.
Sự khuếch trương nền kinh tế của nước ta đòi hỏi nhiều nỗ lực trong công cuộc tiến triển các ngành thực nghiệp. Những nỗ lực ấy nhằm những mục đích sau đây:
Về nông nghiệp: tăng gia diện tích trồng trọt, cải thiện phương pháp canh tác, cung cấp hạt giống, dụng cụ, vật liệu, phân bón, dẫn thủy nhập điền, khuyến khích chăn nuôi, khai thác lâm sả.
Về công nghiệp: mở mang kỹ nghệ, cung cấp khí cụ, máy móc, tăng gia sản xuất, khai thác thủy điện lực, khoáng nghiệp, ngư nghiệp…
Về thương nghiệp: chỉnh đốn nội thương, ngoại thương, tìm thị trường tiêu thụ, điều chỉnh việc xuất nhập khẩu, tổ chức những hợp tác xã và cơ sở tín dụng, hạn chế việc dùng sa xỉ phẩm, cổ động việc dùng hàng nội địa.
Về tất cả các ngành: Cấp vốn cho các doanh nghiệp, mở trường chuyên nghiệp, nâng cao trình độ của ngành học kỹ thuật để huấn luyện chuyên viên, đào tạo nhân viên chuyên môn..
Nhiều bạn thanh niên có năng lực chuyên môn đã quyết định đến nền học thực nghiệp, nên học chuyên nghiệp với hy vọng chấn hưng nền kinh tế nước nhà. Một số bạn xuất dương du học đã được nhìn thấy và khảo sát những công cuộc phát triển kỳ diệu của khoa học, trên địa hạt thực nghiệp tại các cường quốc, đều có một hoài bão là ghi nhận, tích lũy những kiến thức mới lạ để ứng dụng vào công cuộc nâng cao đời sống của nhân dân, cải tiện nền kinh tế của nước nhà: đó chính là mối kỳ vọng của toàn xã hội.
Nguồn: http://thuviensdb.org/index.php/he-thong-du-phong/item/115-giao-duc-nhan-ban