Chúa Nhật LỄ CHÚA THĂNG THIÊN Năm B – Ngày 16-05-2021

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 16,15-20″]

Khi ấy, Chúa Giê-su hiện ra với mười một môn đệ và phán : “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh”.

Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giê-su lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

NIỀM HY VỌNG NƯỚC TRỜI

Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giê-su lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa (Mc 16, 19).

Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ bài đồng dao thuở nhỏ:

“Thiên đàng hỏa ngục hai bên,

Ai khôn thì về, ai dại thì sa,

Đêm nằm nhớ Chúa nhớ cha,

Đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn,

Linh hồn phải giữ linh hồn,

Đến khi ngày chết được lên thiên đàng”.

“Được lên thiên đàng” hay lên trời vẫn luôn là khát vọng của con người. Vì ai cũng muốn lên trời, chứ không ai muốn xuống hỏa ngục. Thế nhưng, trời có thật không hay chỉ là sự ảo tưởng hão huyền của con người? Nếu có, chúng ta có thể lên trời bằng cách nào?

Sau khi sống lại, Chúa Giêsu ở với các môn đệ 40 ngày, rồi Ngài trở về với Chúa Cha. Đây là điều Giáo hội tuyên xưng trong kinh Tin Kính: “Ngày thứ ba, Người sống lại như lời Thánh Kinh, Người lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha”. Như vậy, việc Chúa Giêsu lên trời là một tín điều chắc chắn, trả lời cho niềm hy vọng của con người. Niềm hy vọng đó nhắc nhớ mỗi người: ngoài cuộc sống trần gian mau qua, còn có cuộc sống khác nơi Nước Trời vĩnh cửu. Chúa đã lên trời, chúng ta cũng sẽ về trời như Người đã hứa: “Thầy đi để dọn chỗ cho anh em, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó với Thầy”(Ga 14,2). Chúa lên trời để có thể ở lại với con người mọi thời và mọi nơi như lời Chúa Giêsu khẳng định: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Dẫu chúng ta không còn nhìn thấy, đụng chạm hay nghe Ngài bằng giác quan tự nhiên, nhưng chúng ta vẫn có thể gặp gỡ Ngài bằng giác quan siêu nhiên của lòng tin. Nếu tin vào Chúa Giêsu, chúng ta cũng sẽ được về trời để hưởng hạnh phúc vinh quang muôn đời.

Cuộc sống lữ hành nơi trần thế hôm nay là hành trình chuẩn bị để đi vào Nước Trời mai sau. Để thực hiện cuộc hành trình đó, mỗi người phải cố công gắng sức rất nhiều. Vì không có thành công nào hay hạnh phúc nào đạt được dễ dàng mà không cần sự cố gắng. Cũng thế, để đạt được hạnh phúc Nước Trời đòi hỏi chúng ta phải kiên trì và biết cố gắng mỗi ngày. Muốn đạt tới đích, chúng ta không bao giờ được bỏ cuộc, rẽ ngang hay thoái lui, nhưng phải liên tục đi tới. Đường lên Trời đầy gian nan, đòi buộc chúng ta phải chiến đấu, “phải dùng sức mạnh” mới có thể đi vào, phải bước qua đường hẹp, thậm chí phải ra đi trong nước mắt để trở về trong hân hoan. Chỉ “ai bền đỗ đến cùng mới được cứu rỗi”, mới được vào Nước Trời. Tuy nhiên, hướng về trời không làm cho chúng ta bỏ quên hay sao lãng những trách nhiệm trần thế, như lời các thiên thần nhắc nhở các môn đệ: “Hỡi người Galilê! Sao cứ đứng đó mà nhìn lên trời?”. Nhận ra nhiệm vụ của mình, những công việc dang dở của Chúa nơi trần gian, các môn đệ mạnh dạn làm chứng về tất cả những gì các ông đã nghe, đã thấy: “Các ông đã ra đi khắp nơi, rao giảng Tin Mừng cho mọi người; có Chúa cùng hoạt động với các ông, củng cố lời rao giảng bằng các phép lạ kèm theo” (Mc 16,20).

Sống niềm hy vọng Nước Trời phải là nét đẹp sẵn có của người tín hữu. Chúng ta không hy vọng cách ảo tưởng, nhưng đặt trên lời hứa của Chúa Giêsu. Ngài hứa sẽ ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, Ngài sẽ trở lại đem chúng ta về với Ngài và chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên trời. Hướng về trời trong tư thế “đầu đội trời, chân đạp đất”, nghĩa là dù thân xác sống trên trái đất nhưng lòng trí vẫn hướng về trời cao. Niềm hy vọng Nước Trời nhắc nhớ chúng ta đừng bám víu mặt đất nơi những của cải vật chất mau qua. Niềm hy vọng đó còn nâng chúng ta lên, đem lại cho cuộc đời chúng ta ý nghĩa, để động lực phục vụ tha nhân, tích cực xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.

“Năm sự Mừng: Thứ hai thì ngắm_ Đức Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.” Lời cầu nguyện của kinh Mân Côi nhắc nhở chúng ta hướng lòng về quê hương thiên đàng. Quê hương ấy chỉ dành cho những ai nhiệt tâm sống Lời Chúa, chu toàn những bổn phận hằng ngày. Xin Chúa đổi mới tâm hồn để chúng ta biết hướng lòng , ái mộ những sự trên trời và tránh khỏi cái nhìn hạn hẹp vì những gì tạm bợ chóng qua. Xin Chúa cho chúng ta biết cố công gắng sức chu toàn nhiệm vụ ở trần gian để sau này chúng được về trời với Chúa.

[/loichua]

Comments are closed.