Thứ Năm Tuần VI Phục Sinh – Ngày 13-05-2021

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 16,16-20″]

Khi ấy Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng: “Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy, vì Thầy về cùng Cha”.

Bấy giờ trong các môn đệ có mấy người hỏi nhau: “Ðiều Người nói với chúng ta ‘một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy’, và ‘vì Thầy về cùng Cha’, như thế có ý nghĩa gì”. Họ nói: “Lời Người nói ‘một ít nữa’ có ý nghĩa gì. Chúng ta không biết Người muốn nói gì”.

Chúa Giê-su nhận thấy họ muốn hỏi Người, nên Người bảo họ: “Các con hỏi nhau vì Thầy đã nói ‘một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy’. Thật, Thầy bảo thật với các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng; các con sẽ buồn sầu; nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

NIỀM VUI ĐÍCH THỰC

“Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”(Ga 16,20).

Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã nghĩ đến những gian nan mà các môn đệ của Ngài sẽ phải đối mặt, do đó, Ngài đã báo trước cho các ông biết về sự chia ly, những nỗi buồn mà các ông sẽ phải đón nhận, bởi cuộc khổ nạn của Ngài. Dù vậy, Ngài không muốn các ông bị nhấn chìm trong những nỗi buồn ấy, nhưng hướng các ông đến niềm vui đích thực mà các ông sẽ nhận được sau sự Phục Sinh của Ngài.

Sau khi chứng kiến dân chúng Giêrusalem đón rước Chúa vào thành đầy long trọng, chắc hẳn các môn đệ vẫn còn lâng lâng vì được chia sẻ niềm vui với Thầy của mình. Tuy nhiên, Chúa muốn các ông biết rằng niềm vui đó sẽ mau chóng qua đi, Ngài sẽ bị nộp vào tay người Do Thái, sẽ phải trải qua cuộc khổ nạn và kết thúc bằng cái chết tủi nhục trên Thập Giá. Các ông sẽ phải hoang mang, đau buồn khi chứng kiến những điều xảy đến với Ngài. Nhưng sau tất cả những điều đó, Chúa muốn báo trước về niềm vui đích thực mà các ông sẽ có được sau khi Ngài phục sinh: “các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng; các con sẽ buồn sầu; nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”. Cuộc khổ nạn của Chúa sẽ khiến các ông đau buồn, còn thế gian sẽ vui mừng; nhưng sau khi Chúa Phục Sinh, những đau buồn ấy sẽ trở thành niềm vui lớn lao. Có thể nói rằng, các tông đồ sẽ không thể hiểu được những điều Chúa Giêsu đã nói nếu như Ngài không đi qua con đường khổ nạn và phục sinh. Chính nhờ mầu nhiệm Phục Sinh mà tất cả những gì Chúa Giêsu nói và những việc Ngài làm được nên trọn. Cũng chính nhờ Mầu Nhiệm Phục Sinh mà các tông đồ đã được đón nhận niềm vui đích thực, niềm vui từ Thiên Chúa, niềm vui làm gia tăng sức mạnh và giúp các ông vượt qua những khó khăn, đau khổ, tủi nhục trên hành trình loan báo Tin Mừng.

Đời người được đan dệt bằng những thăng trầm, những sum họp và chia ly, những niềm vui và nỗi buồn. Tuy nhiên, Đức Giêsu muốn những ai đi theo Ngài biết rằng, niềm vui của trần gian này thật ngắn ngủi, và đau khổ của đời này cũng không thể nhấn chìm một con người. Vì thế, ngay trong đau khổ, người Kitô hữu được mời gọi luôn giữ vững niềm tin, đồng thời tìm kiếm niềm vui và sự an ủi nơi Thiên Chúa. Đức Giêsu không đảm bảo rằng những người đi theo Ngài sẽ không phải chịu đau khổ, nhưng Ngài cho họ thấy rằng phía sau những đau khổ đó sẽ là niềm vui và bình an đích thực mà chỉ có thể lãnh nhận từ Thiên Chúa. Khi biết đón nhận những đau khổ ở đời này như một sự từ bỏ bản thân, con người sẽ gặp lại được chính mình trong Thiên Chúa, với niềm vui và hạnh phúc muôn đời.

Trong sách Nơkhêmia, ông Ét-ra đã nói: “anh em đừng buồn bã, vì niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh em” (Nkm 8,10). Xin cho niềm vui và bình an của Chúa Kitô Phục Sinh luôn ở mãi trong chúng ta, và biến đổi chúng ta thành con người mới thuộc về Chúa, để trong mọi hoàn cảnh, chúng ta luôn biết đặt sự bảo đảm của đời mình nơi Thiên Chúa.

[/loichua]

Comments are closed.