Thứ Bảy Tuần III Phục Sinh – Ngày 24-04-2021

 

 

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 6,51.60-69″]

Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống. Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: “Lời này chói tai quá! Ai nghe được!” Tự biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: “Ðiều đó làm các ngươi khó chịu ư? Vậy nếu các ngươi thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao? Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các ngươi là thần trí và là sự sống. Nhưng trong các ngươi có một số không tin”. Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Và Người nói: “Bởi đó, Ta bảo các ngươi rằng: Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho”. Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui không còn theo Người nữa. Chúa Giêsu liền nói với nhóm Mười Hai rằng: “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?” Simon Phêrô thưa Người: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

ĐỐI VỚI TÔI, LỜI CHÚA CÓ PHẢI LÀ LỜI CHÓI TAI?

“Chúa Giêsu liền nói với nhóm Mười Hai rằng: ‘Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?’” (Ga 6,67).

Diễn từ bánh trường sinh đã đến đoạn kết, từ đó có hai kiểu phản ứng trái ngược nhau đối với Chúa Giêsu. Có những môn đệ cảm thấy những lời của Chúa Giêsu chói tai quá, không thể chấp nhận được, lại có những môn đệ như Phêrô, vẫn trung thành với Chúa Giêsu vì bỏ thầy chúng con sẽ đi theo ai?

Trung tâm của sự phân rẽ là mặc khải về sự sống đích thực nơi Chúa Giêsu: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6,35). Đối với một số người, câu nói kia quả là một cao vọng đầy kiêu ngạo của một thanh niên làng Nadaret. Chưa dừng lại ở đó, thanh niên này còn cho rằng anh là đấng từ trời xuống (x. Ga 6,38) và ai ăn thịt và uống máu anh sẽ được sống muôn đời (x. Ga 6,51.53). Đó toàn là những lời chói tai và nhiều thính giả không chấp nhận nổi lời Đức Giêsu. Thông thường, để thuyết phục người khác, chúng ta cần trưng ra những lý do thuận tai, phải lẽ. Những bằng chứng ấy phải được trình bày làm sao cho người ta hiểu được, nghĩa là vừa tầm lý luận của họ. Về phía đối diện, người nghe có thói quen lấy kiến thức của mình làm thước đo chân lý, những gì tôi không hiểu thì không thể chấp nhận được. Chẳng ai chấp nhận nỗi những lời họ cho là khác biệt đến mức lập dị. Thế nhưng, lời Thiên Chúa không phải là đối tượng để con người đánh giá đúng sai, lời Thiên Chúa là món quà mà con người cần đón nhận để được sống khôn ngoan: “Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn” (Tv 19,8). Lời Chúa là tiêu chuẩn để phân định những thứ khác chứ không phải ngược lại: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4,12). Nói theo dụ ngôn Gieo Giống trong Mc 4,1 chúng ta là thửa đất cần đón nhận hạt giống lời Chúa để làm nên vụ mùa. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa kiến tạo nên trời và đất, nguồn sống của mọi thụ tạo (x. Cn 3,19), vậy không nguyên lý nào từ con người sẽ là tiêu chuẩn để đo lường khôn ngoan của Thiên Chúa.

Một trong những khó khăn trong đời sống đức tin hôm nay đó là lý tưởng của Tin Mừng xem ra ngược ngạo so với lối sống hưởng thụ. Những người theo lối sống hưởng thụ vật chất sẽ nói gì khi nghe đến kiểu người môn đệ như Chúa Giêsu dạy trong bài giảng trên núi (x. Mt 5,1-12)? Có lẽ họ cũng sẽ nói: Thật chướng tai. Một bên người ta thấy thoải mái khi hưởng thụ những tiện nghi mà thế giới mang lại. Đó mới là mục đích của cuộc sống, đó mới là cuộc sống đáng mơ ước. Còn bên kia, Chúa Giêsu lại mời gọi con người hoàn toàn theo Người bằng cách chọn Người là nguồn sống, là cuộc sống đích thực. Thậm chí, khi chọn Chúa Giêsu, con người sẽ từ bỏ gia đình, ruộng vườn, và cả chính họ nữa (Mt 10,37; 16,24; 19,29; Mc 10,29). Điều này quả là thách đố cho đôi tai của các Kitô hữu ngày nay. Mặt khác, nó khiến mỗi người tín hữu phải thực hiện một lựa chọn có ý nghĩa cho cuộc đời họ. Cũng như Phêrô, họ phải tự mình trả lời cho thách thức của Chúa Giêsu: “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?” (Ga 6,67). Thật ra, những điều chói tai lại là những thử thách để tỏ lộ ai là môn đệ trung thành theo Chúa Kitô. Lời chướng tai là thách thức cho môn đệ tiến sâu hơn, chọn lựa chắc hơn và phó thác trọn vẹn hơn cho Chúa Kitô, để rồi họ nhận được sự sống đích thực và trường tồn.

“Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Vậy, chúng ta muốn theo kẻ trộm hay theo Chúa Giêsu? Xin Chúa giúp chúng ta quyết định khôn ngoan theo thần trí Thiên Chúa ban cho chúng ta.

[/loichua]

Comments are closed.