[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 3,31-36″]
Khi ấy, ông Gio-an nói để làm chứng về Chúa Giê-su rằng : “Ðấng từ trên cao mà đến thì vượt trên hết mọi người. Kẻ bởi đất mà ra, thì thuộc về đất và nói những sự thuộc về đất. Ðấng từ trời mà đến thì vượt trên hết mọi người. Ðiều gì Người thấy và nghe, thì Người làm chứng về điều đó. Nhưng lời chứng của Người không ai chấp nhận. Ai chấp nhận lời chứng của Người, thì quả quyết Thiên Chúa là Ðấng chân thật. Ðấng được Thiên Chúa sai đến thì nói lời của Thiên Chúa, vì được Chúa ban cho thần linh khôn lường. Cha yêu mến Con, nên đã ban mọi sự trong tay Con. Ai tin vào Con thì có sự sống đời đời. Còn ai không tin vào Con, thì sẽ không được thấy sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên người ấy”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
NGUỒN GỐC TỪ TRỜI
“Kẻ bởi đất mà ra, thì thuộc về đất và nói những sự thuộc về đất. Ðấng từ trời mà đến thì vượt trên hết mọi người. Ðiều gì Người thấy và nghe, thì Người làm chứng về điều đó” (Ga 3,31-32)
Trong Kinh Thánh, để diễn tả sự khác biệt giữa “Thiên ý” với “nhân ý”, Đức Chúa đã dùng kiểu nói so sánh: “Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55,9). Như thế, trong ý nghĩa này, khoảng cách giữa trời và đất nhằm biểu trưng cho khoảng cách vô biên giữa một bên là sự khôn ngoan của Thiên Chúa với bên kia là suy nghĩ hạn hẹp của con người.
Tuy vậy, khoảng cách đó đã thu hẹp lại đến nỗi không còn phân ranh giới trong Đức Giêsu qua biến cố Nhập Thể. Thật thế, Đức Giêsu là Thiên Chúa từ trời đã hạ mình trở nên con người. Ngôi Lời Thiên Chúa đã dùng ngôn ngữ con người để mạc khải cho con người về Thiên Chúa. Đồng thời, qua biến cố Phục Sinh, Chúa Giêsu mở ra con đường đưa nhân loại về trời, con đường đưa đến sự sống vĩnh cửu nơi Thiên Chúa.
Bởi “xuất thân” từ trời (x. Ga 1,18) và là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình (x. Cl 1,15), chỉ mình Chúa Giêsu mới biết cách tỏ tường về Chúa Cha. Do đó, chỉ Chúa Giêsu mới có thể làm chứng về điều Ngài đã thấy và đã nghe nơi Chúa Cha. Cũng vì biết rõ về Thiên Chúa, lời mạc khải của Chúa Giêsu về Thiên Chúa mới đáng tin hơn so với những trung gian nhân loại khác. Nhưng trớ trêu thay! Lời chứng của Ngài thường là cớ cho người Do Thái chống đối (x. Ga 6,60) hay kết tội Ngài phạm thượng (x. Ga 10,33).
Chúa Giêsu từ trời đến để nói tiếng nói tình yêu của Thiên Chúa. Bởi là tiếng nói tình yêu, Chúa Giêsu chỉ mời gọi chứ không áp đặt con người đón nhận. Do đó, con người có tự do để đón nhận hay khước từ Chúa Giêsu. Một khi có tự do chọn lựa, con người phải chịu trách nhiệm về hành động của mình: “Ai tin vào Con thì có sự sống đời đời. Còn ai không tin vào Con, thì sẽ không được thấy sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên người ấy” (Ga 3,36). Nhờ tự do được ban tặng, con người có phẩm giá cao cả vượt trên các thụ tạo khác.
Là những Kitô hữu, nghĩa là những người tin vào Chúa Giêsu, chúng ta có nguồn gốc từ trời bởi chúng ta là con cái Thiên Chúa qua Bí tích Thánh Tẩy và được dựng nên theo chính hình ảnh của Người (x. St 1,27), nên chúng ta có bổn phận làm chứng cho Chúa Giêsu bằng lời nói lẫn hành động của mình. Mặt khác, là một thành phần của cộng đồng nhân loại, chúng ta cũng có bổn phận nỗ lực xây dựng và phát triển các thực tại trần thế. Nói cách khác, chúng ta phải hướng về trời nhưng không được xao nhãng những thực tại dưới đất. Hiến chế Lumen Gentium dạy rằng, chúng ta phải cố gắng kết hợp hài hòa cả hai bổn phận đó, và nhớ rằng trong bất cứ lãnh vực trần thế nào, chúng ta luôn phải để cho lương tâm Kitô hữu hướng dẫn, vì không một hoạt động nào của con người, dù thuộc phạm vi trần thế, có thể tách khỏi quyền thống trị của Thiên Chúa (x. LG 36).
Lạy Chúa, trước một thế giới đang dần từ khước Ngài, xin cho đời sống và lời rao giảng của chúng con trở nên bằng chứng hữu hình cho niềm hy vọng vào những thực tại trên trời. Nhờ thế, nhân loại từng bước đến gần hơn với Thiên Chúa, Đấng đã chủ động đến gần với con người.
[/loichua]