[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 6,7-15″]
Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng : “Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại ; họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Ðừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này : “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ đến chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen”. Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Ðấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
NGUYỆN CẦU TRONG TƯƠNG QUAN MỚI
“Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại” (Mt 6,7)
Cầu nguyện là hành vi xuất hiện trong đời sống tôn giáo. Mỗi tôn giáo có những cách thức nguyện cầu khác nhau. Bài Tin Mừng cộng đoàn vừa nghe mang lại cách thế cầu nguyện trọn hảo, lối cầu nguyện trong mối tương quan mới mẻ và chân xác.
Thiên Chúa vốn là Cha của mọi tạo thành, và nhờ vào Chúa Giêsu, con người dám nguyện rằng: “Lạy Cha chúng con”. Lời cầu nguyện này tỏ bày một bước tiến mới trong tương quan với Đấng Tạo Thành. Dân Israel thờ lạy Thiên Chúa trong tư cách vị thần tối cao, Đấng vượt thắng mọi thần ngoại bang. Còn dân Israel mới, ban đầu là nơi nhóm mười hai, nhận biết và khẩn xin Thiên Chúa trong tư cách một người Cha, Cha của toàn vũ hoàn. Chính tương quan mới mẻ này mang lại một sức sống mới trong lời nguyện xin. Lời cầu xin không dựa trên số lượng “các con đừng nhiều lời như dân ngoại, đừng nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận”, nhưng nhắm tới chất lượng “lạy Cha”. “Lạy Cha” là lối cầu nguyện nại đến cái tình, đến mối ràng buộc thiết thân. Và quả đúng như thế, khi mà chính Thiên Chúa đã phán: “chúng ta hãy làm nên con người theo hình ảnh chúng ta” (St 1,26).
Trong nguyện cầu, Chúa Giêsu không chỉ nói tới tương quan mới mẻ với Cha, nhưng còn nhắc đến tương quan mới mẻ với tha nhân. Tương quan mới mẻ đó đòi buộc “cung” đi trước “cầu”. Mỗi người cần cung ứng tình yêu của mình cho tha nhân trước khi có những đòi hỏi cho riêng mình. Đó là một hành vi đi bước trước của tình yêu và cũng là sự họa lại hành động của Thiên Chúa tình yêu. Trong môi trường trao đổi này, con người luân chuyển những giá trị cao đẹp cho nhau, vốn đã nhận được từ nơi Thiên Chúa. Và với xung năng của tình yêu thương, con người tiến gần đến Đấng là nguồn cội của mọi điều thiện hảo và dư tràn.
Là Kitô hữu, chúng ta được an ủi và cảm thấy tự hào trong từng lời khẩn xin của mình. Lời cầu của chúng ta không bị rơi vào khoảng không xa lạ, nhưng thấu đến trái tim người Cha từ ái. Chúng ta cũng không chịu cảnh cạn kiệt bản thân khi sống yêu thương nhưng luôn được dư tràn bởi Đấng hằng yêu thương và đong dầy cho chúng ta “đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo chúng ta” (Lc 6,38), miễn là chúng ta giữ vẹn nghĩa với Ngài và với nhau.
Muốn thế, chúng ta cùng cầu xin Thiên Chúa là Cha chúng ta giúp chúng ta sống chân thành và nồng thắm hơn nữa trong tương quan cha con với Ngài. Đồng thời, chúng ta xin Ngài cho chúng ta biết đến với người khác trong tình yêu thương, để một bước tiến biến đổi một cuộc đời trong tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa là Cha.
[/loichua]