Thứ Năm sau Lễ Tro. Ngày 18-02-2021

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 9,22-25″]

Chúa Giêsu còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”. Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

THẬP GIÁ TRONG ĐỜI SỐNG NGƯỜI KITÔ HỮU

“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23)

“Niềm vinh dự của tôi là thập giá Chúa Giêsu Kitô. Chịu đóng đinh vì Người với thế gian và tôi quên mình, mang thương tích vì Chúa Kitô”. Lời bài thánh ca là câu trả lời cho những ai muốn bước theo lời mời gọi của Chúa Giêsu “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23).

Thập giá Chúa Giêsu Kitô là niềm vinh dự của mỗi Kitô hữu, bởi thập giá mang lấy Chúa Giêsu Kitô và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Vào thời Chúa Giêsu, thập giá là một nhục hình. Ngoài sự đau đớn, tử tội không được an táng, nhưng phải phơi thây giữa trời làm mồi cho chim muông dã thú. Nhục hình thập giá dành cho tầng lớp bần đinh, nô lệ. Công dân Rôma không phải chịu hình phạt này, trừ khi họ bị tước quyền công dân. Vì vậy, việc tôn kính Chúa Giêsu trên thập giá là “điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cr 1,23). Thánh Giustinô ghi nhận: “dân ngoại coi chúng tôi là bọn khùng bởi vì đã tôn một tên tử tội trên thập giá làm Đấng tạo dựng đất trời”. Thế nhưng, con đường cứu độ của Thiên Chúa qua thập giá Chúa Giêsu đối nghịch với nhãn quan của nhân loại. Với Chúa Giêsu Kitô – Con Thiên Chúa làm người, thập giá trở thành thánh giá. Thập giá gắn liền với sự chết, thất bại, đau đớn, sợ hãi,… chỉ còn là quá khứ của một nền văn hóa. Giờ đây, Thiên Chúa mang đến chiến thắng, chữa lành, tha thứ, tình yêu và đời sống vĩnh cửu cho nhân loại qua thập giá Chúa Giêsu Kitô.

Trong tông huấn “Gaudete et Exsultate”, Đức giáo hoàng Phanxicô nói về những người ngộ đạo – Gnosticism – thời hiện đại: họ nghiêng chiều về “một Thiên Chúa mà không có Đức Kitô, một Đức Kitô mà không có Giáo Hội, một Giáo Hội mà không có dân chúng của mình” (Gaudete et Exsultate số 37). Trong dòng suy tư đó, chúng ta nhận thấy, một thành phần Kitô hữu muốn gạt bỏ Chúa Giêsu Kitô chịu đau khổ, chịu chết trên cây thập giá. Họ muốn thấy một Chúa Giêsu Kitô toàn năng, không qua thập giá vẫn mang tới sự sống bất diệt cho nhân loại. Họ giới hạn đường lối cứu độ nhiệm mầu của Thiên Chúa trong lý trí hữu hạn của thụ tạo và ước muốn làm “thiên chúa” trong cuộc sống hiện đại. Những người ngộ giáo thời hiện đại đã quên hay cố tình lờ đi lời mời gọi của Chúa Giêsu “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Con đường thập giá là con đường của từ bỏ, hy sinh với niềm hy vọng và tín thác trong tình yêu Thiên Chúa, giữa những khổ đau, bấp bênh và nghịch cảnh của cuộc đời.

Karl Rahner suy tư như sau: “Chúng ta được kêu gọi tiếp nối Chúa Giêsu để sống cuộc đời bị đóng đinh và biến nó thành bản tuyên tín và hy vọng, thành sự kiên nhẫn và tình yêu. Như chính thánh Phaolô đã nói trong thư gửi tín hữu Côlôsê, rằng một tín hữu, dù là giáo sĩ hay giáo dân, phải lấy vào thân cho đủ mức những gian nan thử thách Chúa Giêsu còn phải chịu (x. Cl 1,24). Xin cho mỗi Kitô hữu can đảm và trung thành vác thập giá theo chân Chúa Giêsu trong suốt cuộc lữ hành trần gian, hầu hưởng ơn cứu độ muôn đời trong Nước Chúa. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.