Thứ Sáu Sau Lễ Hiển Linh – Ngày 08-01-2021

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 5,12-16″]

Xảy ra khi Chúa Giê-su đang ở trong một thành kia, thì có một người mình đầy phong hủi, thấy Chúa Giê-su, liền sấp mặt xuống đất, van xin Ngài rằng : “Lạy Thầy, nếu Thầy muốn, Thầy có thể cho tôi được sạch”. Người giơ tay chạm đến người ấy và nói : “Ta muốn, hãy nên trơn sạch”. Lập tức, người ấy khỏi phong hủi. Người ra lệnh cho người ấy không được nói với ai, nhưng : “Hãy đi trình diện với tư tế, và hãy dâng lễ vật như luật Mô-sê đã dạy, để làm chứng cho người ta biết ngươi được sạch”. Nhưng tiếng đồn về Người cứ lan rộng, và dân chúng đông đảo kéo nhau đến để nghe Người và được chữa lành bệnh tật. Còn Người, thì lánh vào nơi hoang vắng và cầu nguyện.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

CÁI CHẠM TAY LÀM BIẾN ĐỔI CUỘC ĐỜI

Người giơ tay chạm đến người ấy và nói: “Ta muốn, hãy nên trơn sạch” (Lc 5,13)

Trong cuộc sống thường ngày, có những sự đụng chạm mang đến điều tích cực cho người khác: một cử chỉ bắt tay thân thiện, một cái ôm siết chặt thân thương, một cái vỗ vai an ủi khích lệ… Song, cũng không thiếu những sự đụng chạm mang lại khổ đau cho tha nhân: tình trạng bạo hành gia đình, nạn lạm dụng trẻ em, khuynh hướng giải quyết xung đột bằng bạo lực…Như thế, những đụng chạm của ta có thểmang đến niềm hy vọng, nhưng lắm khi lại dìm người khác xuống vực thẳm.

Trong trình thuật Tin Mừng,cái chạm tay của Chúa Giêsu đã cứu chữa cuộc đời của người phong hủi. Chúng ta tập chú vào việc chữa lành người phong hủi này. Trong vị thế là Thiên Chúa, Chúa Giêsuhoàn toàn có thể chữa bệnh phong hủi. Tuy vậy, Ngài không chữa theo kiểu tắm gội trên dòng sông Giođan như Êlisa đã chữa cho viên quan Naaman năm xưa (x. 2V 5,1-9), Ngài cũng không chữa chỉ bằng một lời phán “hãy đi trình diện với các tư tế”như đã chữa cho mười người phong hủi một lượt (x. Lc 17,11-19). Ở đây, Chúa Giêsu đã chọn cách chữa lành người phong hủi bằng cả lời phán “hãy nên trơn sạch”lẫn hành động “giơ tay chạm” đến anh. Như thế, hành động giơ tay ra và chạm đến người cùi ắt hẳn là một hành động có chủ ý và mang những ý nghĩa nhất định.

Trước hết, việc Chúa Giêsu “chạm tay” vào người phong hủi là cách diễn tả cho sự đồng cảm của Ngài đối với anh. Hơn ai hết, Chúa Giêsu hiểu rất rõ sự khốn cùng và những đau khổ của người cùi đang khẩn nài mình. Ngàicảm thông với anh như đã từng với người đau ốm ba mươi tám năm ở hồ Bết-da-tha (x. Ga 5,1-8) hay với người phụ nữ lưng còng mười tám năm trong một hội đường nọ (x. Lc 13,10-17).

Thứ đến, sự “chạm tay” của Chúa Giêsu vào người phong hủi là hành động chữa lành bệnh tật. Thật vậy, bệnh phong đối với người Do Thái thời bấy giờ là chứng bệnh nan y bất trị. Nó còn là thứ bệnh kinh tởm, không chỉ vì bề ngoài lở loét hôi thối, mà còn vì đặc tính truyền nhiễm đáng sợ của nó. Bởi thế, hành động giơ tay chạm vào bệnh nhân của Chúa Giêsu có thể đưa đến nguy cơ lây bệnh. Tuy nhiên, Đấng chiến thắng bệnh tật, tội lỗi và sự chếtchẳng nề hà chuyện đó. Ngài đã cứu chữa anh bằng sự chạm tay kèm theo lời quyền uy của Ngài.

Sau cùng, việc Chúa Giêsu “chạm tay” vào người phong hủi còn là hành động nâng dậy. Với căn bệnh phong quái ác, người bệnh bị xem là ô uế, bị Thiên Chúa trừng phạt, bị tách biệt khỏi cộng đồng (x. Lv 13,45-46) và sự cách ly này là vô thời hạn, nghĩa là cho đến lúc bệnh nhân chứng minh được mình hoàn toàn khỏi bệnh hoặc cho đến lúc chết. Do đó, bệnh nhân không chỉ đau khổ về phần xác mà hơn hết còn là nỗi đau trong tâm hồn khi bị mọi người xa lánh, ruồng bỏ. Hiểu thấu điều đó, bàn tay của Chúa Giêsu đã chạm vào trái tim, chạm vào tâm hồn anh để chữa lành vết thương nội tâm này, mang anh trở lại cuộc sống của một con người và tái hòa nhập vào xã hội.

Nhìn lại năm 2020 vừa qua, thế giới đã nếm trải biết bao đau thương: dịch bệnh, thiên tai, đói nghèo, bạo lực, kỳ thị tôn giáo, chia rẽ chính trị, truyền thông phiến diện… Những hoàn cảnh ấy cần những bàn tay của chúng ta chạm đến để ngăn chặn, chữa lành, hay cảm thông và chia sẻ. Ở tầm mức vi mô hơn, xung quanh chúng ta có bao nhiêu mảnh đời bất hạnh, khốn khó, đau khổ cả về thể xác lẫn tâm hồn. Họ không phải là những bệnh nhân phong hủi, nhưng dường như lại đang sống trong tình trạng của căn bệnh này, khi thiếu sự quan tâm của mọi người. Do đó, chúng ta đừng dửng dưng, đừng “đứng bên lề quan sát” đang khi ta có thể chung taygiúp đỡ họ. Muốn vậy, lời nói và hành động của chúng ta cần thể hiện sự cảm thông, chia sẻ, không chỉ bằng những trợ giúp vật chất, mà còn bằng việc “chạm” đến trái tim để nâng dậy và an ủi họ.Đó là một trong những phương thế làm cho Chúa “hiển linh”trong mắt người khác, ít là với những người đang đau khổ. Đồng thời, lời cầu nguyện của chúng ta cũng là phương thế thiết thực và hữu ích.Lời cầu nguyện có sức “chạm” đến trái tim của Thiên Chúa để chính Người ra tay trợ giúp họ, vì “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).

Xin Chúa cho những cái chạm tay của chúng ta đến tha nhân thực sự là những cử chỉ thánh thiện không tỳ ố. Từ đó, mỗi người chúng ta trở nên những cánh tay nối dài của Chúa để đồng cảm, chữa lành và nâng dậy những ai cần đến.

[/loichua]

Comments are closed.