[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 4, 18-22″]
“Khi ấy, nhân lúc Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy hai anh em là Simon, cũng gọi là Phêrô, và Anrê, em ông, cả hai đang thả lưới dưới biển, vì hai ông là ngư phủ. Người bảo hai ông rằng: ‘Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta’. Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo Người. Ði xa hơn một đỗi, Người lại thấy hai anh em khác là Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan em ông đang vá lưới trong thuyền với cha là Giêbêđê. Người cũng gọi hai ông. Lập tức hai ông bỏ lưới và cha mình mà đi theo Người.”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
TÔNG ĐỒ: NGƯỜI ĐƯỢC TIN MỪNG CUỐN HÚT
Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta.
Trong dịp lễ thánh Anrê tông đồ, qua các bài đọc Giáo Hội đã chủ ý chọn đọc trong phụng vụ, chúng ta cùng nhìn lại yếu tố then chốt làm nên người tông đồ cũng như nhận ra mình phải làm cách nào để ơn gọi tông đồ được nhiều người đáp trả.
Trong đoạn Tin Mừng vừa rồi, chúng ta có thể cảm nhận được một nhịp điệu nhanh và đều. Hai đoạn văn song song cùng một mô thức: Chúa Giêsu gọi và những ngư phủ vùng Galilê đáp lời ngay lập tức. Điểm đáng lưu tâm ở đây là cụm từ “ngay lập tức”. Xét trong bối cảnh thời ấy, “ngay lập tức” mang một ý nghĩa say mê mãnh liệt và bị lôi cuốn. Thật vậy, thời ấy vùng Galilê tập trung đông người Do Thái và nhiều người dân ngoại, tỉ lệ giữa dân ngoại và Do Thái ước chừng là 50/50. Đặc biệt vùng này có những con đường thông thương với những vùng ngoài Palestine, đến cả Địa Trung Hải nên lượng hàng hoá được trao đổi rất dồi dào. Thành ngữ của Do Thái có câu: nếu bạn muốn giàu có, hãy đến Galilê. Đàng khác, nó cũng là vùng đất gặp gỡ với nhiều nền văn hoá và tôn giáo. Bởi đó, nhiều người Do Thái có thành kiến không tốt đối với dân Galilê: “có gì hay ở Nazareth” (Ga 1,46), “không có ngôn sứ nào từ Galilê” (Ga 7,52). Như thế, bốn tông đồ đầu tiên là những người sống trong môi trường dồi dào tiềm lực kinh tế, ngược lại, bầu khí Do Thái giáo lại bị pha loãng. Bên cạnh đó sự kiện Đức Giêsu loan báo Tin Mừng chỉ mới xảy ra (Mt 4,17), nghĩa là chưa đủ bề dày truyền thống như các trào lưu tôn giáo khác. Với điều kiện kinh tế, văn hoá và tôn giáo như thế, chúng ta có thể nhận định rằng, lời đáp trả ngay lập tức của các tông đồ đầu tiên, trong đó có thánh Anrê, cho thấy họ là những con người bị Tin Mừng của Đức Giêsu cuốn hút cách mãnh liệt, nói theo ngôn ngữ của tiên tri Giêrêmia: Tin Mừng đã “quyến rũ” các ngài (x. Gr 20,7).
Ngày hôm nay, chúng ta đang đối diện với thực trạng giảm sút lời đáp trả lại tiếng Chúa gọi trở thành thành tông đồ của Ngài. Như chúng ta vừa nói, người tông đồ là người say mê Tin Mừng hơn các thứ khác. Vậy, muốn có nhiều người đáp trả lại lời mời gọi kia, ít nhất chúng ta phải làm sao để Tin Mừng có thể đến với con người hôm nay và họ có thể nhận ra được. Ngày xưa, Đức Giêsu đã làm được điều đó bằng cách Ngài đã phải đến với các tông đồ, hiện diện trong ngày sống và trong công việc của họ. Đến lượt mình, các tông đồ cũng đã ra đi để Tin Mừng được vang dội ra khắp địa cầu và được loan đi khắp chân trời góc biển (x. Rm 10,18). Cũng thế, ngày nay chúng ta phải làm sao để Tin Mừng có thể hiện diện cách rộng rãi, trong những hoàn cảnh sống và làm việc thường ngày. Cụ thể, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gợi ý rằng một người không nói xấu ai, dám lắng nghe lời chia sẻ của con cái dù họ đang rất mệt, hay trong lúc kinh hoàng dám cầm lấy tràng hạt và cầu nguyện, người ấy là người đang nên thánh, nghĩa là trở nên hiện thân của Tin Mừng Đức Kitô trong hoàn cảnh sống cụ thể của mình.
Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho chúng ta biết cách sống phù hợp với Tin Mừng để Tin Mừng trở nên cuốn hút đối với các bạn trẻ hôm nay hầu có nhiều người đáp lại tiếng gọi làm tông đồ của Chúa.
[/loichua]