Thứ Hai Tuần 32 Thường Niên – Ngày 09/11/2020

Lời Chúa: Ga 2, 13 – 22

Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giê-su lên Giê-ru-sa-lem ; Người thấy ở trong đền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc. Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ, Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ, và bảo những người bán chim câu rằng : “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi”.

Bấy giờ người Do-thái bảo Người rằng : “Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy”. Chúa Giê-su trả lời : “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Người Do-thái đáp lại : “Phải bốn muơi sáu năm mới xây được đền thờ này mà ông, ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư”. Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giê-su từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.

 


Suy niệm

KHAO KHÁT GẶP GỠ THIÊN CHÚA

“Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” (Ga 2,16).

Cung hiến thánh đường là dâng cho Chúa một ngôi nhà để dành riêng cho việc phụng tự. Dù nguy nga như Thánh đường Latêranô hay nhỏ bé, dù cổ kính hay hiện đại thì mọi nhà thờ đều là nơi Thiên Chúa hẹn gặp con người. Hay nói cách khác, thánh đường là nơi Thiên Chúa hiện diện và là nơi con người họp nhau để tôn thờ, cảm tạ.

Mang trong mình lòng khao khát gặp gỡ Thiên Chúa đích thực, Đức Giêsu hành hương lên Giêrusalem như bao người Do Thái khác để mừng biến cố Vượt Qua. Tin mừng Gioan cho chúng ta thấy cả cuộc đời Đức Giêsu như là một hành trình đi về Nhà Chúa Cha (x. Ga 14, 1-7). Đối với Chúa Giêsu, đền thờ là nhà của Thiên Chúa, nhà của Cha Ngài, và là nơi để cầu nguyện. Vì thế, Ngài đã nổi giận vì người ta biến nó thành nơi buôn bán. Với hành động có tính cách ngôn sứ, Chúa Giêsu đã xua đuổi những người buôn bán bồ câu, những người đổi tiền ra khỏi đền thờ để thanh tẩy nó (x. 2,15). Ngài dứt khoát nói rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” (Ga 2, 16). Đây cũng là thái độ mà Chúa Giêsu mong muốn nơi con người đó là phải thanh tẩy tâm hồn, xua đuổi những thứ không xứng hợp ra khỏi tâm trí mình trước khi đến gặp gỡ Thiên Chúa. Qua đó, Ngài cũng vén mở cho chúng ta việc tôn thờ Thiên Chúa bắt đầu với một dạng thức mới, không còn ở trên núi này hay núi nọ nữa, nhưng trong “Thần Khí và Chân Lý” (x. Ga 4,23). Đền Thờ mới và vĩnh cửu này chính là thân thể Chúa Giêsu Phục sinh, Đấng quy tụ muôn dân và kết hợp tất vào Mình và Máu Người.

Hội Thánh cũng được ví như một Đền thờ thiêng liêng, mỗi tín hữu là một viên đá sống động (x. 1 Pr 2, 4-8), và Đức Kitô là viên đá góc, là nền (x. 1Cr 3, 11). Thánh Phaolô không ngần ngại khẳng định “Đền thờ của Thiên Chúa chính là anh em” (1Cr 3, 17). Như thế, cả Hội Thánh và từng Kitô hữu đều là Đền Thờ. Nhưng tất cả đền thờ đều quy hướng về một đền thờ quan trọng nhất là con người Đức Giêsu Phục sinh.

Trải qua gần một năm, thế giới chịu nhiều tác động bởi đại dịch Covid-19 về nhiều lĩnh vực, cách riêng với người Kitô hữu. Chúng ta xót xa vì nhiều Thánh đường trên thế giới tạm đóng cửa, đâu đó tiếng chuông nhà thờ không còn được vang lên để báo hiệu thời gian mọi người quy tụ gặp gỡ Thiên Chúa. Mặt khác, những lo toan cuộc sống hằng ngày, cùng với tội lỗi dần theo năm tháng chồng chất đầy lòng chúng ta, đã làm ngôi Đền thờ nơi tâm hồn chúng ta bị hoen ố, bỏ hoang.

Xin Chúa thắp lên trong chúng ta lòng khao khát gặp gỡ Thiên Chúa dù trong hoàn cảnh nào. Đồng thời, nhờ ơn Chúa giúp, chúng ta cung hiến lại bản thân mình không chỉ từng năm, từng tháng mà là từng ngày để tâm hồn chúng ta xứng đáng trở thành Đền thờ của Thiên Chúa.


Comments are closed.