[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 18, 1-5.10″]
Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.”
“Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.”
“Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.”
“Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
HÃY TRỞ LẠI VÀ NÊN NHƯ TRẺ NHỎ
“Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.”
Phụng Vụ Lời Chúa lễ các Thiên Thần Hộ Thủ cho chúng ta nghe đoạn trích Tin Mừng theo thánh Mátthêu chương 18. Âm vang của mối phúc thứ nhất trong bài giảng trên núi được quảng diễn nơi đoạn Tin Mừng hôm nay với lời chúc phúc dành cho những kẻ bé mọn. Chúng ta tập chú vào bản văn Lời Chúa và rút ra hai điểm để cùng nhau suy gẫm.
Điểm thứ nhất, đoạn trích Tin Mừng chúng ta vừa nghe bắt đầu với câu hỏi của các môn đệ: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Với câu hỏi này, cha Nguyễn Thế Thuấn cho chúng ta một lối dịch khác, gần hơn với bối cảnh Tin Mừng: “Vậy ai là người lớn hơn trong Nước Trời?” Khi thắc mắc ai là người lớn hơn, rõ ràng, các môn đệ bận tâm đến việc đặt mình trong sự so sánh với người khác. Nhưng, Nước Trời không phải là nơi của thứ hạng và công trạng, và chắc chắn, việc so sánh công trạng với người khác, không làm cho chúng ta lớn hơn trong Nước Trời. Trái với suy nghĩ của các môn đệ, câu trả lời và cũng là lời mời gọi của Chúa Giêsu vang vọng khắp bản văn Tin Mừng: Hãy trở lại và nên như trẻ nhỏ.
Trở lại và trở nên như trẻ nhỏ là một tâm thế đón nhận, một tiến trình từ bỏ chính mình để được no thỏa trong Thiên Chúa. Thánh Augustinô, có lẽ là người hiểu rõ tiến trình này nơi bản thân. Trong những năm tháng tuổi trẻ lầm lạc, tâm hồn kiêu ngạo của ngài không hiểu nổi những lời lẽ đơn sơ của Kinh Thánh. Và như thế, một nỗi khắc khoải giằng co đè nặng trên tâm hồn khao khát kiếm tìm Thiên Chúa, một vị Thiên Chúa mà theo ngài, đã cư ngụ trong lòng mình tự bao giờ, mà vẫn xa xôi muôn trùng, không sao chạm tới. Để rồi, chỉ khi trở nên như trẻ nhỏ, những Chân Lý Tin Mừng bừng sáng nơi cõi lòng của vị thánh tiến sĩ ân sủng, khiến ngài thốt lên những lời thật đẹp trong cuốn Tự Thuật: “Chúa ở với con, trước khi con ở với Chúa… Chúa đã tỏa mùi thơm của Chúa ra và con đã được hít lấy và đâm ra say mê Chúa. Con đã được nếm Chúa và đâm ra đói khát Chúa, Chúa đã đụng tới con và con ước ao sự bình an của Chúa… ôi Đấng tốt đẹp rất cổ xưa mà vẫn luôn mới mẻ, con đã yêu Chúa quá muộn màng.” Hay với thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, trở nên như trẻ nhỏ đã trở thành một chọn lựa, một lối sống, mà chỉ ai hiểu được nghịch lý của Tin Mừng mới có thể chọn và sống như thế. Ngài đã trình diện trước mặt Chúa không phải với công trạng lẫy lừng, nhưng là với hai bàn tay trắng, bởi chỉ với hai bàn tay trắng, tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa mới có thể tuôn đổ dư tràn trên những tâm hồn bé mọn.
Điểm thứ hai, cũng trong đoạn trích Tin Mừng, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn, vì thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy.” Câu hỏi đặt ra là, tại sao Chúa Giêsu chỉ nói đến thiên thần của những kẻ bé mọn? Trở về với không gian rộng lớn của lịch sử cứu độ, ở đấy, sách Xuất Hành nói với chúng ta về vị thiên thần đi trước dân, giữ gìn và đưa họ vào nơi Thiên Chúa đã dọn sẵn (Xh 23, 30-23). Tôbia đã có một tình bạn thiêng liêng thật đẹp với thiên thần Raphael, người đồng hành và chuyển đạt những lời khẩn nguyện của Tôbia và Sara lên Thiên Chúa (Tb 12, 12). Sách Công Vụ Tông Đồ kể về một cuộc giải cứu lạ lùng mà thiên thần thực hiện để đưa thánh Phêrô ra khỏi ngục (Cv 12, 6-11). Đến đây, chúng ta hiểu tại sao Chúa Giêsu nói đến thiên thần của những kẻ bé mọn. Bé mọn là một chọn lựa để sống tinh thần Tin Mừng, nhưng đồng thời, là thân phận của tất cả chúng ta, qua đó, chúng ta cần đến sự trợ giúp của các thiên thần trong hành trình tiến về quê Trời. Nhờ sự dẫn dắt của thiên thần, Israel đã học được cách tín thác vào Thiên Chúa nơi những thử thách trong sa mạc. Nhờ tình bạn đẹp với thiên thần Raphael, Tôbia nhận ra sự quan phòng của Thiên Chúa ngang qua nỗi khốn khổ của con người. Nhờ cuộc giải cứu lạ lùng của thiên thần mà Giáo Hội thời kỳ đầu kiên vững làm chứng cho Chúa Kitô.
Sự hiện diện của các Thiên Thần Hộ Thủ là bằng chứng cho thấy chúng ta không đơn độc trên hành trình dương thế. Xin cho mỗi người chúng ta năng cầu nguyện với các thiên thần hộ thủ, để cùng với sự dẫn dắt và giúp đỡ của các ngài, chúng ta biết nhận ra tiếng Chúa và mau mắn thực thi ý Người.
[/loichua]