Buông Mình Theo Chúa Thánh Thần

Chúa Giêsu đã hứa ban cho chúng ta “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”[1]. Thánh Thần cũng sẽ dạy cho chúng ta biết phải nói gì: “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói”[2]. Thánh Thần còn nói thay cho chúng ta nữa:“Thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.” “Khi người ta điệu anh em đi nộp, thì anh em đừng lo trước phải nói gì, nhưng trong giờ đó, Thiên Chúa cho anh em biết điều gì, thì hãy nói điều ấy: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thánh Thần nói”[3].

Hoạt động của Chúa Thánh Thần rất đa dạng và phong phú: Ngài dùng môi miệng ta mà nói điều Chúa muốn nói; Ngài soi sáng trong trí khôn cho ta; Ngài cũng có thể nắm tay giúp ta viết lên điều Ngài muốn; hoặc Ngài viết ra trên vách cho ta xem mà chép lại, như trường hợp đã xảy ra với vua Bensatsa mà Danien đã giải thích cho[4]. Chính Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biến đổi, kiện toàn đời sống và sứ vụ linh mục của chúng ta qua bảy ơn của Ngài:

Ơn Kính Sợ là hồng ân giúp chúng ta không dám làm bất cứ điều gì khả dĩ làm mất lòng Chúa: cậu bé Saviô dóc lòng “thà chết chứ không phạm tội trọng”, mẹ vua thánh Louis luôn nhắc nhở con “thà mẹ nhìn thấy con chết trước mắt mẹ hơn là thấy con phạm tội trọng mất lòng Chúa”, và để bảo vệ đức trinh khiết của mình, Maria Goretti bảo Alexander “Không được làm thế, Chúa không muốn, sa hoả ngục đó”. Như thế, điều quan trọng là làm sao gây nên ý thức sợ tội, vì con người ngày nay bị đánh mất cảm thức về tội, nhất là trong một xã hội gian dối vì thiếu vắng Thiên Chúa. Chính vì vậy, thành công của công việc đào tạo kitô giáo, nhất là đào tạo linh mục và tu sĩ, là biết làm cho người thụ huấn có được lòng kính sợ Thiên Chúa, không dám phạm tội mất lòng Chúa.

Ơn Đạo Đức giúp chúng ta nhận ra mối tương quan yêu thương giữa chúng ta với Thiên Chúa, và mối tương quan yêu thương với mọi người, trong tinh thần siêu nhiên và đức tin.

Ơn Suy Biết giúp chúng ta có thể đánh giá các sự vật ở trên bậc thang giá trị đích thực. Đừng hiểu lầm lời mời gọi quyết liệt từ bỏ cha mẹ để đi theo Ngài của Chúa Giêsu (“Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết” hay “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”)[5]. Chúa không bao giờ bảo ta ghét cha mẹ, gia đình hay bản thân, nhưng là biết đặt nó vào đúng vị trí của nó trên bậc thang giá trị, ví dụ chúng ta có bổn phận thảo kính và mến yêu cha mẹ, nhưng cha mẹ lại không thể được đặt cao hơn Chúa và tình yêu đối với Chúa.

Ơn Sức Mạnh giúp chúng ta can đảm vượt lên những chướng ngại để chọn lựa như Chúa muốn và sống theo ý Chúa. Thánh nữ Françoise de Chantal khi đã góa chồng và nuôi dạy bốn người con trưởng thành, gặp thánh François de Salle và nhất quyết muốn đi tu, bốn đứa con nằm dài trên lối đi ngăn cản, bà đã can đảm tay cầm khăn vừa gạt nước mắt vừa bước qua từng người con để từ bỏ gia đình ra đi sống đời tu trì lập nên dòng Visitadines.

Ơn Lo Liệu giúp chúng ta tìm ra những phương thế và cách sống nào thích hợp nhất để thực hiện điều Chúa muốn, đúng theo bậc sống của mình.

Ơn Thông Hiểu đưa chúng ta vào sự thật viên mãn khi đọc Lời Chúa.[6] Nhiều người có thói quen xin ơn Chúa Thánh Thần mỗi khi giảng hay dạy giáo lý và khuyên bảo: Xin Chúa Thánh Thần tiếp tục tác động, biến đổi và thánh hóa tâm hồn con cùng tâm hồn những người sẽ lắng nghe con, xin Chúa dùng môi miệng con mà nói điều Chúa muốn nói. Có thế thì bài giảng hay bài giáo lý mới đưa Lời Chúa vào thực tiễn cuộc sống và biến đổi cuộc sống được.

Ơn Khôn Ngoan mang lại ơn chiêm niệm, cảm nếm được sự dịu ngọt và khôn ngoan của Thiên Chúa.[7] Thánh Phaolô kể lại việc ngài đã được ơn này như thế nào: không còn biết đến thế giới vật chất này nữa, không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian nữa, “ở trong thân xác hay ngoài thân xác” ngài đều không biết[8]. Cụ già Simêon được ơn này lúc bồng Chúa Hài Nhi trên đôi cánh tay cằn cỗi của mình, mà lòng mãn nguyện thốt lên “xin để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an, vì mắt tôi đã được nhìn thấy Ơn cứu độ.” 

Chính Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các tông đồ dưới hình lưỡi lửa, cho họ nói tiếng lạ, biến đổi họ nên can đảm rao giảng Chúa Kitô Phục Sinh, thu phục ba ngàn người theo Đạo.[9] Chúng ta hãy luôn trung thành và ngoan ngoãn nghe theo ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, vì “chính ơn Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta có khả năng thi hành sứ mạng và củng cố chứng tá của chúng ta,”[10] nhờ đó mà chúng ta mang lại hoa trái tồn tại: Bác ái, vui mừng, bình an, nhẫn nại, tế nhị, tốt bụng, quảng đại, hòa nhã, trung tín, khiêm tốn, tự chủ và thanh khiết.

Vì tất cả những lẽ đó, thánh Phaolô nhắc đừng làm phiền lòng Chúa Thánh Thần,[11] đừng dập tắt Thần Khí.[12] Chúa Giêsu khẳng định rằng ai phạm đến Chúa Thánh Thần thì chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau.[13] ĐHY Filoni khuyến khích cởi mở hết sức có thể cho sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để có thể trả lời cách thích đáng cho những mong đợi của nhân loại, và “Cần thiết phải đi vào tương quan thân mật với Chúa Thánh Thần để các ý định của Chúa trên cuộc đời chúng ta trở nên rõ ràng.”[14]

Còn ĐTC Phanxicô dạy: “Chúa Thánh Thần, hồng ân của Đấng Phục Sinh cư ngụ trong chúng ta, thanh tẩy chúng ta, soi sáng chúng ta, đổi mới chúng ta, biến đổi chúng ta, làm cho chúng ta được thông phần vào chính sự sống của Thiên Chúa… Chúa Thánh Thần dạy chúng ta nhìn bằng đôi mắt của Chúa Kitô, sống cuộc sống của mình như Chúa Kitô đã sống cuộc sống của Người, hiểu cuộc đời như Chúa Kitô đã hiểu… Hãy để Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta, nói với tâm hồn chúng ta và cho chúng ta biết Thiên Chúa là tình yêu, Ngài đang chờ đợi chúng ta, Ngài là Cha. Ngài yêu thương chúng ta như một người Cha thật, và chỉ một mình Chúa Thánh Thần nói điều này với tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy lắng nghe Chúa Thánh Thần, và hãy tiến bước trên con đường này của tình yêu, lòng thương xót và tha thứ.[15]

Chính Chúa Giêsu đã khẳng định rằng người cha trần thế vốn xấu ác mà còn biết lựa của tốt cho con cái, thì ắt Cha trên trời sẽ ban ân huệ quí giá nhất là Chúa Thánh Thần cho những ai kêu xin Người. Chúng ta càng phải cầu xin Chúa Thánh Thần đến sửa lại mọi sự trong ngoài đời sống và sứ vụ linh mục của mình, đặc biệt trong việc tìm kiếm và xây dựng tình yêu thương hiệp nhất. Xưa trong Cựu Ước, tháp Babel vì ngôn ngữ bất đồng mà thất bại; nay Chúa Thánh Thần ngự xuống cho các tông đồ nói thứ tiếng mà các dân tộc khác nhau đều hiểu được trong tiếng mẹ đẻ của mình[16]. Hẳn đó là ngôn ngữ của Tình Yêu, vì chỉ có tình yêu của Thánh Thần Thiên Chúa mới có khả năng biến đổi như thế. Vì vậy, ĐTC Phanxicô khuyên: “Đừng chống lại Chúa Thánh Thần, vì chính Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta tự do, sự tự do của Chúa Giêsu, sự tự do của con cái Chúa! Đừng kháng cự lại Chúa Thánh Thần. Đó là ơn tất cả chúng ta phải xin cùng Chúa: ơn dễ bảo và vâng nghe Chúa Thánh Thần, vâng nghe Chúa Thánh Thần đang đến với chúng ta và làm cho chúng ta tiến bước trên con đường thánh thiện, sự thánh thiện thật cao đẹp của Giáo hội. Hãy xin ơn dễ bảo và vâng nghe Chúa Thánh Thần[17].

Ngài còn nhấn mạnh: “Người Kitô hữu nào hay cộng đồng nào bị điếc trước tiếng của Thánh Linh, Đấng thôi thúc chúng ta mang Phúc Âm đến tận cùng trái đất và xã hội, sẽ trở thành một Kitô hữu hay một cộng đồng bị câm không nói năng hay truyền bá Phúc âm. Vậy hãy thường xuyên cầu nguyện cùng Thánh Linh để Ngài có thể trợ giúp chúng ta, ban cho chúng ta sức mạnh, ban cho chúng ta hứng khởi và dẫn chúng ta tiến bước”[18].

 

Micae Phaolô Trần Minh Huy, PSS

 

[1] Ga 14,26.

[2] Lc 12,11-12.

[3] Mt 10,20; Mc 13,11.

[4] Dn 5,24-28.

[5] Lc 9,59-62.

[6] x. Ga 16, 13.

[7] Tv 33.

[8] x. 2 Cr 12, 2-10.

[9] x. Cv 2,1-41.

[10] Tông thư Cánh Cửa Đức Tin, số 10.

[11] X. Eph 4,30.

[12] 1 Tx 5,19.

[13] X. Mt 12,31-32.

[14] Trích Bài giảng lễ của ĐHY Filoni tại Chủng viện Owerri ngày 9/11/2012 http://www.news.va/fr/news/vatican-homelie-de-sem-le-cardinal-filoni-aux-semi.

[15] Trích bài giáo lý buổi triều yết chung ngày 8/5/2013.

[16] x. Cv 2,1-41.

[17] Trích bài giảng thánh lễ mừng sinh nhật thứ 86 của đức giáo hoàng Bênêđictô XVI ngày 16/4/2013).

[18] ĐTC Phanxicô huấn từ Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa.

Comments are closed.