Thứ 6 Tuần Thánh – Năm A – Ngày 10/04/2020

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 18,1-19,42″]

Khi ấy, Chúa Giê-su đi với môn đệ sang qua suối Xê-rông, ở đó có một khu vườn, Người vào đó cùng với các môn đệ. Giu-đa, tên phản bội, đã biết rõ nơi đó, vì Chúa Giê-su thường đến đấy với các môn đệ. Nên Giu-đa dẫn tới một toán quân cùng với vệ binh do các thượng tế và biệt phái cấp cho, nó đến đây với đèn đuốc và khí giới. Chúa Giê-su đã biết mọi sự sẽ xảy đến cho Mình, nên Người tiến ra và hỏi chúng :

X. “Các ngươi tìm ai”.

C. Chúng thưa lại :

S. “Giê-su Na-da-rét”.

C. Chúa Giê-su bảo :

X. “Ta đây”.

C. Giu-đa là kẻ định nộp Người cũng đứng đó với bọn chúng. Nhưng khi Người vừa nói “Ta đây”, bọn chúng giật lùi lại và ngã xuống đất. Người lại hỏi chúng :

X. “Các ngươi tìm ai”.

C. Chúng thưa :

S. “Giê-su Na-da-rét”.

C. Chúa Giê-su đáp lại :

X. “Ta đã bảo các ngươi rằng Ta đây! Vậy nếu các ngươi tìm bắt Ta, thì hãy để cho những người này đi”.

[…]

C. Và từ giờ đó môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình. Sau đó, vì biết rằng mọi sự đã hoàn tất, để lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, Chúa Giê-su nói :

X. “Ta khát”.

C. Ở đó có một bình đầy dấm. Họ liền lấy miếng bông biển thấm đầy dấm cắm vào đầu ngành cây hương thảo đưa lên miệng Người. Khi đã nếm dấm rồi, Chúa Giê-su nói :

X. “Mọi sự đã hoàn tất”.

C. Và Người gục đầu xuống trút hơi thở cuối cùng.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

CUỘC THƯƠNG KHÓ – ĐỈNH CAO CỦA SỰ VÂNG PHỤC

“Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,42).

Phụng vụ ngày thứ Sáu Tuần Thánh cho chúng ta thấy sức mạnh của tình yêu được thể hiện nơi cái chết trên thánh giá của Chúa Giêsu. Một tình yêu mà theo lẽ thông thường không sao chúng ta có thể hiểu được. Một Thiên Chúa là Tình Yêu lại để cho chính Người Con duy nhất của mình phải chịu một cái chết ô nhục như vậy! Người Con này đã sống một cuộc đời trần thế đầy yêu thương và nhân lành, vậy mà lại bị kết án và bị giết chết như một tên tử tội. Tại sao Chúa Giêsu lại phải chọn cái chết như thế?

Câu trả lời có phải chăng vì người ta nghĩ Chúa Giêsu đã xách động quần chúng nổi loạn (x. Lc 23,2-5)? Vì nghĩ Chúa đã có ý tưởng phá hủy Đền thờ Giêrusalem (x. Mc 14,58)? Vì nghĩ Người đã phạm thượng khi tự xưng là Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa (x. Mt 26,65)? Hoặc vì các kỳ lão ghen tương và sợ dân chúng bỏ họ đi theo Chúa (x. Lc 22,2)? Vì môn đệ Giuđa muốn bán Thầy mình (x. Lc 22,3)? Xét về các lý do chính trị, xã hội, chính Philatô xác nhận: Chúa Giêsu đã không làm điều gì đáng chết (x. Lc 22,14-23); và lời tự thú của Giuđa cũng chứng minh cho sự vô tội của Người: “Tôi đã nhúng tay vào một cuộc đổ máu oan uổng” (Mt 27,4). Tất cả các hành vi phản bội, hận thù, ghen tương, cáo gian, hèn nhát, sợ sệt kia đều là những khía cạnh của tội lỗi nơi con người. Chúa Giêsu chính là Người Tôi Tớ Đau Khổ của Giavê (x. Is 52,13-53,12). Người đã chịu chết vì tội thế gian, Đấng vô tội đã tình nguyện trở nên tội nhân để gánh chịu hậu quả của tội là cái chết trên Thập giá (x. 2Cr 5,21).

Chính tình yêu được chứng minh bởi sự vâng lời Chúa Cha là sức mạnh giúp cho Chúa Giêsu có thể đón nhận mọi sự theo ý Chúa Cha. Qua cái chết trên thập giá, Người đã cho thấy tình yêu vâng phục đó đã được Người thi hành cách trọn vẹn thánh ý Chúa Cha. Thánh sử Gioan đã mô tả Chúa Giêsu bước vào cuộc thương khó với một lòng can đảm và trọn vẹn ý thức. Người biết những những đau khổ sẽ phải đối mặt trong cuộc thương khó nhưng Người vẫn trọn niềm phó thác ở Cha, vì đây là “chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy” (Ga 18,11). Người nhận biết và tiến đến cái chết với sự tự do trọn vẹn. Qua các cuộc đối thoại và chất vấn, Người cho thấy sức mạnh của ánh sáng nơi mình “Sao ông lại hỏi tôi? Điều tôi đã nói, xin cứ hỏi những người đã nghe tôi. Chính họ biết tôi đã nói gì” (Ga 18,21). Trước sự lấn áp của các thế lực trần thế Chúa Giêsu đã cho thấy sức mạnh của sự thật luôn là ngay chính và thẳng thắn, Người không hề có một sự nhân nhượng hay thoái lui trước sức mạnh của nó. Chính điều này làm chứng rằng Người chính là ánh sáng cho thế gian. Ánh sáng chiếu soi vào những nơi tăm tối và bóng tối đã không thắng được ánh sáng (Ga 1,5).

Chúa Giêsu đã trải qua biết bao đau khổ mới học được thế nào là vâng phục (x. Dt 5,8). Người đã chấp nhận uống chén công bình và thánh thiện của Thiên Chúa vì chúng ta hết thảy. Cuộc khổ nạn đối với Người không phải là hậu quả của những lý do tình cờ hay chính trị, nhưng là hậu quả của tội lỗi chúng ta. Người đã chấp nhận số phận Người Tôi Trung của Thiên Chúa “còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chê. Chính Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm, Người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an” (Is 53,4).

Lạy Chúa, xin Chúa giúp chúng con luôn biết sống lời xin vâng như Chúa trong cuộc sống hằng ngày, qua việc đón nhận tất cả mọi sự trong tình yêu và sự quan phòng của Chúa, để dù có phải khó khăn và thử thách chúng con vẫn mãi kiên trung và yêu mến đến cùng, vì trong Chúa tất cả là hồng ân. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.