Thứ 3 Tuần 3 Mùa Vọng – Ngày 17/12/2019

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 1,1-17″]

Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham :

Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác ; I-xa-ác sinh Gia-cóp ; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này ; Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác ; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron ; Khét-xơ-ron sinh A-ram ; A-ram sinh Am-mi-na-đáp ; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son ; Nác-son sinh Xan-môn ; Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át ; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết ; Ô-vết sinh Gie-sê ; ông Gie-sê sinh Đa-vít.

Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn ; Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am ; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia ; A-vi-gia sinh A-xa ; A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát ; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram ; Giô-ram sinh Út-di-gia ; Út-di-gia sinh Gio-tham ; Gio-tham sinh A-khát ; A-khát sinh Khít-ki-gia ; Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se ; Mơ-na-se sinh A-môn ; A-môn sinh Giô-si-gia ; Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này ; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon.

Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên ; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven ; Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút ; A-vi-hút sinh En-gia-kim ; En-gia-kim sinh A-do ; A-do sinh Xa-đốc ; Xa-đốc sinh A-khin ; A-khin sinh Ê-li-hút ; Ê-li-hút sinh E-la-da ; E-la-da sinh Mát-than ; Mát-than sinh Gia-cóp ; Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô. Như thế, tính chung lại thì : từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời ; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời ; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

ĐỨC KITÔ, ĐẤNG HOÀN TẤT THỜI GIAN VÀ CUỘC ĐỜI CỦA MỖI NGƯỜI

“Đây là gia phả của Đức Giêsu Kitô” (Mt 1,1)

Khi trả lời cho câu hỏi “thời gian là gì?”, thánh Augustinô đã thú nhận rằng: “Thời gian là gì? Nếu như không có ai hỏi con, thì con biết nó; nhưng nếu phải giải thích nó cho người hỏi con, thì con không biết” (Tự Thuật, quyển XI, đoạn XIII). Cho nên, khi lý trí chịu im tiếng, thì Lời Chúa lại cất tiếng trả lời. Chỉ trong ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta mới thấy được ánh sáng của lời giải đáp cho vấn đề tối hậu là “Ai sẽ hoàn tất thời gian và cuộc đời của mỗi người?”.

Khi kính cẩn nghiêng mình lần dở những trang Kinh Thánh hơn cả “cảo thơm lần dở trước đèn”, chúng ta nhận thấy Kinh Thánh luôn thấm đượm những lời mang tính thời gian: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (St 1,1); “Phải, chẳng bao lâu nữa ta sẽ đến” (Kh 22,20). Đến khi đọc bản gia phả của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta lại được thánh Mátthêu dẫn trở về với cội nguồn của thời gian ngay trong câu mở đầu: “Đây là gia phả của Đức Giêsu Kitô” (Mt 1,1). Từ “gia phả” được dịch bởi từ “genesis” và có nghĩa là “khởi nguyên”. Chính biến cố tạo dựng là khởi điểm, qua đó trần gian được hình thành và bắt đầu thời gian (GLHTCG 338). Chính trong thời gian nhân loại, Thiên Chúa đã làm một cuộc can thiệp vĩ đại nhất là sự xuất hiện của Chúa Giêsu Kitô, nhờ đó thời gian bắt đầu tới hồi viên mãn (GLHTCG 484). Sự hiện diện của Người trong lịch sử nhân loại đã thâu tóm quá khứ, hiện tại và tương lai, mà nói theo cách của thánh Irênê, Chúa Giêsu là một mầu nhiệm quy tụ (GLHTCG 518).

Quả thật, vấn đề về ý nghĩa của thời gian đã luôn thu hút sự chú ý của con người. Thế nhưng, chúng ta không ngạc nhiên khi lý trí con người không thể giải thích, mà chỉ có thể cảm nhận thực tại của thời gian. Chính vì thế, Mẹ Giáo Hội đã khôn ngoan khi dẫn dắt con cái mình đi vào chu kỳ năm phụng vụ mà Đức Kitô là trung tâm (SC 102), nhất là Mùa Vọng với hai đặc tính, vừa kính nhớ biến cố Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất trong lịch sử nhân loại, vừa ngưỡng vọng Ngài đến lần thứ hai trong ngày tận cùng lịch sử, để hiểu rằng việc đi tìm ý nghĩa của thời gian cũng chính là đi tìm trung tâm của cuộc đời mình. Khởi đi từ ý nghĩa ấy, chúng ta có thể nói rằng thời gian tại thế của mỗi người là một Mùa Vọng liên lỷ, và chỉ có thể hoàn tất Mùa Vọng ấy khi ý thức rằng “tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Khi sống trong “trăm năm trong cõi người ta”, chúng ta hãy hướng về “ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang” (Tt 2,13) để “ba vạn sáu ngàn ngày kiếp phù sinh” của chúng ta sẽ hóa nên đời vĩnh cửu vô biên, vì “khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi” (1Cr 13,10).

Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời của chúng con được đan dệt bởi từng sợi tơ của thời gian. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng Chúa là trung tâm của lịch sử nhân loại, “là Anpha và Ômêga, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng” (Kh 22,13), ngõ hầu Mùa Vọng đời con sẽ là mùa hân hoan chào mừng ngày Chúa đến.

[/loichua]

Comments are closed.