Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Là một tu sĩ sống trong cộng đoàn, con đã nhận thấy rằng cả các linh mục và các thầy đang học thần học thường đặt Mình Thánh được cất trong một loại Mặt nhật nhỏ, trong Nhà tạm của nhà nguyện riêng của cộng đoàn. Ai cũng làm điều này hoàn toàn một mình, mà không sử dụng bất kỳ lễ phục nào, có thể thắp vài ngọn nến, và đặt Mặt nhật có Mình Thánh trên một khăn thánh trên bàn thờ. Các sách phụng vụ hiện nay nói rõ ràng rằng việc đặt Mặt nhật có Mình Thánh đòi hỏi có cộng đoàn, bốn hoặc sáu ngọn nến thắp sáng, xông hương, hát, và mặc lễ phục. Tuy nhiên, với mọi loại cử hành phụng vụ khác có tính đơn giản hóa, việc đặt Mặt nhật có Mình Thánh dường như cũng đi theo chiều hướng này. Thưa cha, có bất cứ điều gì rõ ràng hơn những gì đã có trong tài liệu De sacra Communione et de Cultu mysterii eucharistici extra missam (Rước lễ và Chầu Thánh Thể ngoài Thánh lễ) không? Có lẽ một cái gì đó từ trước Công đồng chung Vatican II vẫn còn có thể áp dụng chăng? Con nhớ lại việc đọc một ghi chú của một nhà bình luận trước Công đồng Vatican II, nói rằng việc linh mục đặt Mình Thánh để chầu một mình là hoàn toàn bị cấm rõ ràng, nhưng con không nhớ là đã đọc ở đâu. Xin cha giúp con. – F. R., Rôma.
Đáp: Theo như tôi biết, không có các quy chế phổ quát mới liên quan đến việc đặt Mình Thánh, mặc dù một số quy chế đã được làm sáng tỏ bởi các trả lời chính thức cho các nố hoài nghi. Và có một số tài liệu từ các Hội Đồng Giám Mục cung cấp giải thích tốt cho các quy định.
Về vấn đề này, tôi nghĩ điều quan trọng là phải nhớ lại rằng các phương thức chầu thông thường trong Giáo hội Công giáo là chầu trước Nhà tạm.
Chúng ta cũng nên nhớ lại sự phân biệt giữa việc chầu đơn giản và chầu trang trọng. Trong kỷ luật của Hội Thánh hiện nay, việc chầu đơn giản là với hộp đựng Mình Thánh (pyx) hoặc Bình Thánh (ciborium) đậy nắp. Không có hình thức chầu đơn giản khác.
Nếu Mình Thánh có thể được nhìn thấy rõ, thì đó là việc chầu trang trọng và cần có xông hương. Không có sự khác biệt nào cho dù Mặt nhật là lớn hay nhỏ, được đặt trên bàn thờ (tùy chọn ưa thích nhất) hoặc trong Nhà tạm.
Trong số các giải thích được cung cấp bởi các Hội Đồng Giám Mục, có tài liệu của Ủy ban Phụng tự thuộc Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ mang tên “Chín câu hỏi về Nghi thức chầu Thánh Thể” (Nine Questions on the Rites for Adoration of the Blessed Sacrament), tháng 9-2006:
“Trong các tháng gần đây, Ủy ban Phụng tự đã nhận được một số câu hỏi liên quan đến các nghi thức chầu Thánh Thể. Trong khi một vài trong số các câu hỏi này được trả lời trong ấn phẩm của Hội đồng Giám Mục “Ba mươi mốt câu hỏi về nghi thức chầu Thánh Thể”, một vài lời giải thích thêm được cung cấp ở đây để thông tin cho bạn đọc:
“1. Việc chầu Thánh Thể được đặt trên bàn thờ có khác gì với việc chầu Thánh Thể được giữ trong Nhà tạm?
“Việc chầu Thánh Thể được giữ trong Nhà tạm là một việc đạo đức. Còn việc chầu Mình Thánh được đặt trên bàn thờ là một hành động phụng vụ, mà qua đó Mình Thánh được đưa ra ngoài Nhà tạm, được đặt trong Mặt nhật hoặc Bình thánh cho các tín hữu chầu công khai. Giữa Thánh lễ và việc Tôn Thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ có một mối liên hệ nội tại. ‘Cử hành Hy tế Thánh Thể là nguồn gốc và đích tới của việc tôn thờ được tỏ bày đối với Thánh Thể ngoài thánh lễ’ (Huấn thị Eucharisticum mysterium, số 3)
“2. Các nghi thức phụng vụ cho việc chầu Mình Thánh được đặt trên bàn thờ là gì? Các nghi thức này được tìm thấy trong chương thứ ba của cuốn “Rước lễ và Chầu Thánh Thể ngoài Thánh lễ” (HCW), mang tên ‘Các hình thức thờ phượng Thánh Thể.’ Các nghi thức chầu Thánh Thể được đặt trên bàn thờ được tìm thấy trong các số 82-100. Các nghi thức này bao gồm việc Đặt Mình Thánh, Chầu, Phép lành và Cất Mình Thánh.
“3. Các nghi thức Đặt và Chầu Mình Thánh là gì? Trong khi Mình Thánh Thể được đưa ra, và Bình thánh hoặc Mặt nhật được đặt trên bàn thờ, cộng đoàn hát một bài. Nếu dùng Mặt nhật (hơn là Bình thánh), thừa tác viên xông hương (xem HCW, số 93). Trong khi chầu, ‘cần có các lời kinh, bài hát, và bài đọc để hướng sự chú ý của tín hữu đến việc thờ phượng Chúa Kitô.’ (HCW, số 95) Một bài giảng ngắn hay suy niệm cũng là phù hợp, cũng như có thời gian thinh lặng kéo dài.
“4. Các nghi thức Phép lành và Cất Mình Thánh là gì? Về nghi thức Phép lành, được mô tả trong HCW, số 97, linh mục xông hương Mình Thánh trong Mặt nhật, đọc các lời nguyện ghi sẵn (xem HCW, số 98, 224-229), và sau khi mang khăn vai, cầm Mặt nhật và ban phép lành cho mọi người. (x. HCW, số 99). Sau đó, trong khi linh mục cất Mình Thánh vào Nhà tạm, mọi người có thể hát một bài tung hô. (xem HCW, số 100)
“5. Khi chầu Mình Thánh, dùng bao nhiêu cây nến? ‘Để chầu Mình Thánh trong Mặt nhật, cần 5-6 cây nến thắp sáng và có xông hương. Để chầu Mình Thánh trong Bình Thánh, ít nhất hai ngọn nến phải được thắp sáng, và có thể xông hương.’ (HCW, số 85)
“6. Lễ phục nào cần mang cho các nghi thức Chầu Mình Thánh trên bàn thờ? ‘Thừa tác viên, nếu là một linh mục hoặc phó tế, nên mặc áo chùng trắng, hoặc áo các phép bên ngoài chiếc áo dòng, và dây các phép. Các thừa tác viên khác nên mặc trang phục phụng vụ, được sử dụng trong khu vực hoặc bộ áo phù hợp với thừa tác này và đã được Đấng Bản quyền chấp thuận. Linh mục hoặc phó tế nên mặc áo choàng trắng và khăn vai để ban phép lành vào cuối giờ chầu, khi Mình Thánh được đặt trong Mặt nhật; trong trường hợp Mình Thánh ở trong Bình thánh, linh mục hoặc phó tế nên mang khăn vai’ (HCW, số 92)
“7. Các nghi thức này có thể được điều chỉnh hoặc rút ngắn cho các trường hợp đặc biệt không? Không. Các nghi thức phụng vụ không có thể được điều chỉnh hoặc rút ngắn vượt quá phạm vi được hình dung bởi các chữ đỏ của HCW. Chỉ đơn giản mở cửa Nhà tạm để thúc đẩy cầu nguyện riêng tư hoặc việc đạo dức, là không phù hợp với các yêu cầu phụng vụ của HCW, các số 83-85. Tuy nhiên, có thể lưu ý rằng nghi thức Ban phép lành được bỏ qua, khi một giáo dân hướng dẫn giờ chầu. (xem HCW, số 91)
“8. Có được phép dùng ‘Nhà tạm chầu,’ vốn bao gồm một cửa sổ nhỏ có nắp trượt, để trưng Mình Thánh không? Không. ‘Mình Thánh phải được lưu giữ trong một Nhà tạm vững chắc. Nhà tạm phải là mờ đục và không thể phá vỡ.’ (HCW, số 10; Bộ Giáo luật, điều 938 §3; Quy chế Tổng Quát Sách lễ Rôma, số 314.)
“9. Giờ kinh Chiều có thể cử hành trong sự hiện diện của Thánh Thể không? Được. ‘Phần Phụng vụ Giờ Kinh, đặc biệt là các giờ kinh chính, có thể được cử hành trước Thánh Thể, khi có thời gian dài đặt Mình Thánh. Giờ kinh này mở rộng sự ngợi khen và tạ ơn dâng lên Thiên Chúa trong cử hành Thánh Thể cho nhiều giờ kinh trong ngày; nó hướng các cầu nguyện của Hội Thánh lên Chúa Kitô, và qua Người lên Chúa Cha nhân danh cả thế giới.’ (HCW, số 96)
Như có thể thấy, tất cả các điều giải thích sáng tỏ này đều dựa vào luật phổ quát, chứ không riêng cho Hoa Kỳ.
Như vậy rõ ràng rằng việc chầu Thánh Thể luôn là một hoạt động cộng đồng và công khai, tôn vinh Chúa Kitô trong phép Thánh Thể, và không bao giờ chỉ là một sự trợ giúp thuần túy cho lòng đạo đức cá nhân. Hoạt động cộng đồng và công khai này có thể được thực hiện trong các thời chầu chung ngắn, hoặc bằng cách lần lượt trong một thời gian chầu kéo dài (Nghi thức rước lễ và chầu Thánh Thể bên ngoài thánh lễ: 82; 89-90).
Việc chầu Mình Thánh không nên được xem là một trợ giúp tâm lý cho việc cầu nguyện tinh thần. Đó không phải là chức năng của nó trong Hội Thánh. Hội Thánh ban ân xá như nhau cho việc chầu trước Nhà tạm, cũng như trước Mình Thánh được đặt ra.
Kết quả là, không một linh mục hay bất kỳ thừa tác viên nào khác có thể đặt Mình Thánh chỉ vì lòng đạo đức riêng của mình. Năng quyền được ban cho bất cứ thừa tác viên nào là vì lợi ích của tín hữu, ngay cả khi thừa tác viên cũng có được thành quả thiêng liêng cho việc này.
Trước khi có cải cách của Công đồng Vatican II, các linh mục có thể mở của Nhà tạm để chầu đơn giản với Bình thánh có nắp, như là một phương tiện cho lòng đạo đức cá nhân. Mặc dù khả năng này chưa được chính thức bãi bỏ, nhưng nó là khá hiếm trong thực tế hiện nay. (Zenit.org 12-11-2019)
Nguyễn Trọng Đa