[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 14,25-33″]
Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh lại bảo họ rằng: “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta. Và có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không, kẻo đặt móng rồi mà không thể hoàn tất, thì mọi người xem thấy sẽ chế diễu người đó rằng: ‘Tên này khởi sự xây cất mà không hoàn thành nổi’.
Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng? Bằng chẳng nổi, thì khi đối phương còn ở xa, vua ấy sai một phái đoàn đến cầu hoà. Cũng thế, bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
KHÔN NGOAN TRONG PHÂN ĐỊNH ƠN GỌI THEO CHÚA
“Cũng thế, bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta” (Lc 14,33).
Chúa Giêsu xuống thế làm người không phải để làm theo ý Ngài mà là làm theo ý Chúa Cha. Bởi đó, Ngài luôn sống trong mầu nhiệm tự hủy, nghĩa là bỏ mình để sống hoàn toàn cho Chúa Cha như chính Ngài đã cho biết: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4, 18). Nhờ sống hoàn toàn cho Chúa Cha mà Chúa Giêsu đã mang lại ơn cứu độ cho con người. Cũng vậy, ai muốn theo Chúa Giêsu thì cũng phải có một thái độ sống như Ngài. Do đó, không lạ gì khi Chúa Giêsu đòi hỏi những ai muốn theo Ngài phải từ bỏ mọi sự và vác thập giá mình mà theo Ngài. Như thế, ai muốn làm môn đệ của Chúa Giêsu cũng đồng nghĩa với việc người đó muốn trở nên giống Ngài cả về hình thức bên ngoài lẫn bên trong tâm hồn. Điều này hết sức quan trọng bởi hai lý do.
Lý do thứ nhất, Chúa Giêsu đến thế gian liên quan đến ơn cứu độ và hạnh phúc của từng người. Đó là ý muốn của Chúa Cha: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,17). Chúa Giêsu muốn từng người đi theo Ngài để được hạnh phúc, nhưng Ngài tôn trọng tự do của họ. Vì thế, Ngài mời gọi họ cẩn thận suy xét những điều kiện đòi hỏi cần có, để những đòi hỏi thay vì làm cho người theo Ngài được hạnh phúc lại trở nên nặng nề luống công và trở nên cái cớ khiến họ mất thanh danh.
Lý do thứ hai, Chúa Giêsu không chỉ muốn những ai theo Ngài được hạnh phúc mà còn muốn họ chia sẻ sứ mạng của Ngài. Chúa Giêsu không sống cho riêng mình nhưng là cho Thiên Chúa và vì phần rỗi cho nhân loại. Người theo Chúa Giêsu cũng vậy, họ không chỉ tìm hạnh phúc cho mình mà cho những anh chị em được trao phó cho họ nữa. Chúa Giêsu đã ví điều đó như việc đánh giặc, vị vua không chỉ lo lắng cho sự sống còn của mình, mà còn phải lo lắng cho sinh mạng của các lính tráng thuộc quyền nữa. Như thế, theo Chúa Giêsu không chỉ liên quan đến hạnh phúc của riêng mình mà còn liên quan đến phần phúc của anh chị em mình nữa.
Lạy Chúa Giêsu, Đấng đã sống hết mình vì chúng con. Xin Chúa ban cho chúng con biết khôn ngoan phân định và quảng đại đáp lại tiếng gọi của Chúa, hầu mưu ích cho phần rỗi chúng con và phần rỗi của anh chị em mà Chúa trao phó cho chúng con. Amen.
[/loichua]