[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 28,8-15″]
Khi ấy, các bà vội ra khỏi mồ vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Chúa. Và này Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: “Chào các bà”. Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: “Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó họ sẽ gặp Ta”.
Ðang khi các bà lên đường, thì mấy người lính canh vào thành báo tin cho các thượng tế biết tất cả những gì đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ lão, và sau khi đã bàn định, họ cho lính một số tiền lớn và bảo rằng: “Các anh hãy nói rằng: Ban đêm khi chúng tôi đang ngủ, thì môn đệ ông đến lấy trộm xác ông. Nếu việc này đến tai tổng trấn, chúng tôi sẽ thương lượng với ông, không để các anh phải phiền hà đâu”. Bọn lính canh nhận tiền và đã làm y như họ căn dặn chúng. Bởi thế, lời đó được phao truyền nơi người Do-thái cho đến ngày nay.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
LÀM CHỨNG CHO TIN MỪNG PHỤC SINH
“Khi ấy, các người phụ nữ vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đổi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay” (Mt 28,8).
Thánh Phaolô đã dạy: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15,14). Thật vậy, sự sống lại của Chúa Giêsu chính là nền tảng của đức tin Kitô giáo. Nơi mầu nhiệm Phục Sinh, tình yêu cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người được biểu lộ cách viên mãn. Mầu nhiệm này cũng mời gọi các Kitô hữu ra đi và làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh giữa mọi người.
Sứ mạng làm chứng cho Chúa Giêsu vẫn đang được con cái của Giáo Hội thực hiện trong thế giới ngày hôm nay. Tâm điểm của việc làm chứng là trình bày cho con người thời nay biết Chúa Giêsu phục sinh đang sống giữa chúng ta. Bài Tin Mừng hôm nay là một minh chứng cụ thể cho việc làm chứng ấy. Khởi đi từ sự gặp gỡ thân tình với Đức Giêsu Phục Sinh, các phụ nữ đã nhận được sứ mạng làm chứng cho Người. Thật vậy, chính sự gắn bó mật thiết với Đức Giêsu đã thôi thúc những người phụ nữ này ra mộ từ sớm để khóc thương Đức Giêsu và để hoàn tất công việc mai táng cho người Thầy yêu dấu sau cái chết đau thương của Người. Trong hoàn cảnh tưởng như bình thường đó, các bà đã lãnh nhận Tin Mừng Phục Sinh. Trước lời loan báo Chúa đã sống lại của thiên thần, các bà đã đáp trả bằng thái độ mau mắn và dứt khoát: “Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho các môn đệ hay”. Hơn nữa, sự gắn bó với Chúa Giêsu nơi những người phụ nữ không chỉ giúp họ mau mắn đón nhận Tin Mừng Phục Sinh mà còn giúp họ gặp gỡ chính Đấng Phục Sinh. Người đã biến đổi nỗi sợ hãi trong họ thành niềm vui làm chứng cho Chúa Phục Sinh. Như thế, hành trình làm chứng cho Chúa Phục Sinh của những người phụ nữ xuất phát từ sự thân tình với Chúa Giêsu và sự gặp gỡ chính Đấng Phục Sinh.
Bài Tin Mừng cho ta thấy rằng lời mời gọi của Chúa Giêsu cho các phụ nữ: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó”(Mt 28,10) vẫn đang là lời mời gọi cho mỗi người chúng ta ra đi làm chứng cho Chúa Phục Sinh. Như các phụ nữ trong Tin Mừng đã nên chứng nhân của sự Phục Sinh từ những kinh nghiệm gặp gỡ thân tình với Đấng Phục Sinh, mỗi chúng ta cũng sẽ nên chứng nhân cho Chúa nhờ đời sống kết hợp mật thiết với Người. Thật vậy, làm sao có thể làm chứng về Đấng là tình yêu nếu không yêu mến Chúa, làm sao có thể yêu nếu không biết Người và làm sao có thể biết Chúa nếu không năng gặp gỡ Chúa? Chính qua những giây phút riêng tư bên Chúa, lòng kề lòng, chúng ta mới có thể cảm nhận sâu xa tình yêu của Chúa Kitô thôi thúc mỗi người ra đi làm chứng cho Người trong cuộc sống.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết năng kết hiệp mật thiết với Chúa qua những kinh nghiệm gặp gỡ riêng tư với Đấng Phục Sinh trong cuộc sống. Nhờ đó, chúng con cũng hân hoan làm chứng cho Chúa theo gương các phụ nữ trong bài Tin Mừng hôm nay. Amen.
[/loichua]