[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 2,12–18″]
Khi ấy Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển, toàn dân đến cùng Người và Người giảng dạy họ. Khi vừa đi qua, Người thấy ông Lêvi con của Alphê, đang ngồi nơi bàn thu thuế. Người bảo ông: “Hãy theo Ta”. Ông liền đứng dậy theo Người. Và xảy ra là khi Người dùng bữa tại nhà ông, nhiều người thu thuế và tội lỗi cùng đồng bàn với Chúa Giêsu và các môn đệ của Người, vì đã có nhiều kẻ theo Người. Những luật sĩ và biệt phái thấy Người ngồi ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, liền nói với các môn đệ Người rằng: “Tại sao thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi?” Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo họ: “Những người khoẻ mạnh không cần gì đến thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu. Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
YÊU THƯƠNG NGƯỜI TỘI LỖI
“hãy theo Thầy (Mc 2,14)”
Trong bất kỳ một xã hội nào, luôn có những người được xem là tốt lành và những người được xem là tội lỗi. Người tốt lành thường được yêu mến, ca ngợi, tôn vinh. Người tội lỗi thường bị chê trách, cô lập, ghét bỏ, thậm chí giết hại. Chúng ta có thể thấy được sự thù ghét những người tội lỗi cách sống động trong nhiều clips đánh ghen, bắt trộm, bắt cướp trên các mạng xã hội. Đó là thái độ thường tình của con người. Còn Thiên Chúa, Thiên Chúa muốn chúng ta phải có thái độ nào với những người tội lỗi?
Trang Tin mừng ngày hôm nay trình bày hai thái độ tương phản nhau của người Pharisêu và của Chúa Giêsu đối với những người tội lỗi. Người Pharisêu có thái độ khinh bỉ, ghét bỏ, xa lánh đối với những người tội lỗi. Thái độ này biểu hiện rõ khi họ chất vấn các môn đệ Chúa Giêsu: “Tại sao thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và quân tội lỗi?”(Mc 2,18). Họ không thể chấp nhận để cho kẻ tội lỗi được gần gũi, được trân trọng. Tại sao họ lại có thái độ như vậy? Bởi vì với họ, tình yêu và sự tôn trọng chỉ dành cho những ai tuân giữ lề luật và truyền thống tiền nhân. Kẻ tội lỗi sống trái luật lệ là xúc phạm đến Thiên Chúa, gây hại cho tha nhân nên đáng bị khinh bỉ, ghét bỏ và xa lánh. Đi xa hơn cả cả sự khinh khi, ghét bỏ kẻ tội lỗi, người Pharisêu thậm chí còn làm lại, còn lạm dụng những người tội lỗi để thực hiện các tà ý của mình như trong trường hợp người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình. Họ đã quên rằng, Chúa ghét tội lỗi nhưng yêu thương kẻ có tội như người đã phán: Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống (Ed 33,11). Họ đã quên lời Thiên Chúa nhắc nhở dân Israel qua miệng ngôn sứ Hôsê: Ta muốn lòng nhân chứ không cần hi lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu (Hs 6,6).
Ngược lại thái độ của người Pharisêu, Chúa Giêsu hết lòng yêu thương những người tội lỗi. Thái độ yêu thương thể hiện qua việc Ngài thường xuyên đi khắp nơi giảng dạy cho nhiều người tội lỗi như tin mừng Luca có ghi lại: Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng dạy (Lc 15,1). Thái độ yêu thương còn thể hiện qua việc Ngài sẵn sàng đến với những người tội lỗi, ngồi đồng bàn với họ, lắng nghe họ, chia sẻ những niềm vui nỗi buồn với họ. Thái độ yêu thương người tội lỗi của Chúa Giêsu còn thể hiện qua việc Ngài xem người tội lỗi là đối tượng chính yếu trong sứ mạng cứu độ của Ngài như lời Ngài đã nói với người Pharisêu: “Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi”(Mc 2,18). Lòng yêu thương những người tội lỗi đặc biệt thể hiện khi Ngài cho họ được đồng hành với Ngài trong sứ mạng cứu độ của Ngài. Ngay tại nơi phạm tội, Lêvi đã được gọi: hãy theo thầy (Mc 2,14). Cảm động trước tình thương và sự tín nhiệm của Chúa Giêsu, Lêvi đã hân hoan rời bỏ bàn thu thuế để bước theo Chúa Giêsu. Nhưng không chỉ Lêvi, nhiều người tội lỗi khác cũng muốn đổi mới đời sống như Lêvi. Thánh Maccô đã làm chứng: đã có nhiều kẻ theo Người (x. Mc 2,15).
Chính tình yêu của Chúa Giêsu đã đổi mới đời sống của Lêvi và nhiều người tội lỗi khác, mở cho họ cánh cửa của ơn cứu độ và bình an. Chúng ta, những kitô hữu, qua Bí tích Rửa tội, mang nơi mình bổn phận phải yêu thương những người tội lỗi theo gương Chúa Giêsu. Chúng ta yêu thương họ khi sẵn sàng góp ý giúp họ nhận ra khuyết điểm của mình mà sửa đổi. Chúng ta yêu thương họ khi quan tâm, giúp đỡ, chia vui sẻ buồn với họ khi có cơ hội. Chúng ta yêu thương họ khi sẵn sàng cộng tác với họ trong những điều tốt đẹp. Chúng ta yêu thương họ khi sẵn sàng hi sinh lợi ích của chúng ta cho họ. Chúng ta yêu thương họ khi sẵn sàng tha thứ cho những lỗi lầm, thiệt hại mà họ gây nên cho ta. Chúng ta yêu thương họ khi biết kiên nhẫn cầu nguyện cho họ với những hi sinh thầm lặng kèm theo. Dĩ nhiên, không phải người tội lỗi nào cũng hoán cải khi chúng yêu thương, giúp đỡ họ. Tuy nhiên, khi cố gắng yêu thương giúp đỡ họ, chúng ta hãy nhớ lời Chúa Giêsu đã nói: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối (x. Lc 15,10).
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đẩy tình yêu đến vùng ngoại biên khi sẵn lòng yêu thương, cảm thông và giúp đỡ những người tội lỗi, để chúng con ngày càng giống Chúa, Chúa đã đến để tìm kiếm những gì đã hư mất, Chúa đã yêu thương chúng con khi chúng con còn là tội nhân. Amen
[/loichua]