Giải đáp phụng vụ: Các linh mục không đồng tế tự rước lễ được không? Cách đặt Thánh giá bàn thờ.

 

  Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

  Hỏi: Các linh mục không đồng tế, nhưng tham dự thánh lễ với cộng đoàn, có thể trực tiếp lấy Bánh thánh từ bình thánh do một linh mục khác cầm, để rước lễ không? Nếu không được phép, xin cho con biết tài liệu nào cấm việc này. Ngoài ra, Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) nói rằngmột thánh giá có hình Chúa Kitô chịu nạn” phải đặt trên bàn thờ hoặc gần bàn thờ. Nếu thánh giá này không đặt trên bàn thờ, thì chữ “gần bàn thờ” được hiểu như thế nào? Nếu có một thánh giá lớn ở phía sau cung thánh, thánh giá này có được xem là gần bàn thờ không? Trong trường hợp thánh giá gần với cộng đoàn hơn với bàn thờ, thì sao? Con rất thích câu trả lời của cha. – M. S., Manila, Philippines.

Đáp: Bạn đọc này đã hỏi hai câu rất khác nhau, vốn bao gồm các chi tiết còn sót lại trong các câu trả lời trước đây của tôi cho các câu hỏi tương tự. Câu trả lời của tôi ở đây là nhất thiết phải gần đúng, bởi vì các quy chế phụng vụ hiện tại không chỉ định chi tiết cho mọi thứ, và phải được suy luận từ các nguyên tắc chung.

Câu hỏi thứ nhất là liệu một linh mục không đồng tế có thể tự rước lễ từ Bình thánh và Chén thánh, theo cách thức của các linh mục đồng tế không. Câu trả lời là không. Một linh mục không đồng tế có thể được rước lễ dưới hai hình, nhưng rước lễ theo cách của tín hữu thông qua một thừa tác viên. Tôi nhớ rằng Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào cuối triều giáo hoàng của Ngài đã rước lễ từ một phó tế trong một Thánh lễ, mà Ngài tham dự, nhưng không cử hành.

Sách Lễ tiên liệu điều này trong Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM):

“160. Sau đó vị tư tế cầm đĩa thánh hay bình thánh, tiến đến chỗ những người rước lễ thông thường đi lên theo hàng. Không cho phép chính tín hữu tự mình cầm lấy bánh thánh và chén thánh, càng không được chuyền cho nhau”.

“283. Ngoại trừ những trường hợp được nói đến trong các sách nghi thức, còn được rước lễ dưới hai hình:

“a. Các tư tế không thể cử hành hay đồng tế Thánh Lễ” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Huấn thị “Bí Tích Cứu Độ (Redemptionis Sacramentum) nói:

“98. Việc các linh mục đồng tế rước lễ phải diễn tiến theo các quy tắc được các sách phụng vụ ấn định, bằng cách luôn luôn sử dụng những bánh lễ được truyền phép trong chính cử hành Thánh Lễ; vả lại, tất cả các vị đồng tế phải luôn luôn rước lễ dưới hai hình. Phải lưu ý rằng, khi linh mục hoặc phó tế trao mình thánh hay chén thánh cho các vị đồng tế, ngài không nói gì, nghĩa là không có đọc những lời : “Mình Thánh Chúa Kitô” hay “Máu Thánh Chúa Kitô” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam)

Lý do phó tế không nói gì là bởi vì linh mục là một vị đồng tế, và do đó phó tế, trong trường hợp này, không làm thừa tác cho linh mục, nhưng hoàn thành một phận vụ cho linh mục rước lễ trong một lễ đồng tế đông người. Tuy nhiên, ngài có thể là một thừa tác viên trong trường hợp của linh mục không đồng tế, nhưng có mặt trong Thánh lễ.

Mặc dù không có quy định rõ ràng nào về mức độ gần như thế nào của thánh giá với bàn thờ, có một số quy định cho thấy rằng thánh giá cần phải là rõ ràng trong mối tương quan với bàn thờ.

Rõ ràng, sự lựa chọn đầu tiên khi đặt thánh giá trên bàn thờ là thực sự rất gần và không còn nghi ngờ gì nữa. Tuy nhiên, một thánh giá như vậy phải có kích thước đủ lớn, để tín hữu có thể nhìn thấy, và do đó không nên là quá nhỏ đến mức không thể nhìn thấy trong thực tế. Đây là giải pháp ưa thích của Giáo hoàng Biển Đức XVI.

Một lựa chọn hợp lệ khác là sử dụng thánh giá rước kiệu làm thánh giá bàn thờ. Trong trường hợp này, thánh giá thường được đặt rất gần một bên, hoặc ở trung tâm, không xa quá vài inch (inch = 2,5cm) từ chính bàn thờ.

Trong cả hai trường hợp trên, hình Chúa Kitô chịu nạn phải hướng về bàn thờ chứ không hướng về cộng đoàn.

Một tùy chọn phổ biến khác là có một thánh giá lớn ở ngay phía trên bàn thờ hoặc đằng sau bàn thờ. Khoảng cách sẽ phụ thuộc vào kích thước của nhà nguyện và thánh giá, nhưng chúng nên kết hợp với nhau để thể hiện mối tương quan rõ ràng của thánh giá và bàn thờ. Các quy định cho việc xông hương nêu ra khả năng xông hương thánh giá này, không phải lúc ban đầu, mà lúc tới thánh giá trước bàn thờ.

Các quy định này cho thấy chỉ có một thánh giá bàn thờ mà thôi.

Các thánh giá khác, ngay cả khi ở trong khu vực cung thánh, nhưng gần với cộng đoàn hơn với bàn thờ, và quay mặt khỏi bàn thờ, sẽ không là thích hợp để sử dụng làm thánh giá bàn thờ, cho dù các thánh giá ấy có thể là một đối tượng sùng mộ.

Các quy định từ Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma là như sau:

“117. Phải có ít là một khăn trải màu trắng trên bàn thờ. Trong mọi cử hành, trên bàn thờ hoặc gần bàn thờ, phải đặt hai, hoặc bốn, hoặc sáu chân nến, có nến thắp; nếu Giám Mục giáo phận cử hành Thánh Lễ, thì đặt bảy chân nến. Ðàng khác, trên bàn thờ hay gần bàn thờ phải đặt thánh giá có hình Chúa chịu nạn. Có thể mang theo chân nến và thánh giá có hình Chúa chịu nạn khi rước chủ tế vào hành lễ. Trên bàn thờ, có thể đặt sẵn một sách Tin Mừng khác với sách Bài Ðọc, trừ khi sách Tin Mừng này được mang theo khi rước chủ tế vào hành lễ”.

“122. Khi tới bàn thờ, vị tư tế và các thừa tác viên cúi mình sâu. Nếu có mang thánh giá có hình Chúa chịu nạn trong khi đi rước, thì đặt thánh giá gần bàn thờ để thành thánh giá bàn thờ. Chỉ để một thánh giá thôi, nên nếu có rồi thì đem thánh giá đi rước cất đi. Ðèn thì đặt trên bàn thờ hay bên cạnh; sách Tin Mừng, thì đặt trên bàn thờ.

“123. Vị tư tế tiến lên hôn bàn thờ, rồi tùy nghi, xông hương thánh giá và chung quanh bàn thờ”.

“188. Khi tiến ra bàn thờ, thầy giúp lễ có thể mang thánh giá đi giữa hai người giúp cầm nến cháy. Khi tới bàn thờ, thầy đặt thánh giá gần bàn thờ, để thành thánh giá bàn thờ, nếu không thì đem cất vào nơi xứng đáng. Rồi thầy về chỗ của mình trong cung thánh”.

“277. Khi bỏ hương vào bình hương, vị tư tế làm dấu thánh giá chúc lành mà không đọc gì. Trước và sau khi xông hương, cúi sâu chào những người hay những vật được xông hương, ngoại trừ bàn thờ và lễ phẩm dùng cho hy tế Thánh Lễ.

“Phải xông hương ba lần: Thánh Thể, di tích Thánh Giá và ảnh Chúa được trưng bày cho tôn kính công khai, lễ phẩm dùng cho hy tế Thánh Lễ, thánh giá bàn thờ, sách Tin Mừng, nến phục sinh, vị tư tế và giáo dân.

“Xông hương hai lần các di tích và ảnh các Thánh được trưng bày cho tôn kính công khai, và chỉ lúc đầu cuộc cử hành, khi xông hương bàn thờ.

“Bàn thờ được xông hương bằng những cái lắc bình hương theo cách thức sau đây:

“a. Nếu bàn thờ tách biệt vách tường, vị tư tế đi vòng chung quanh bàn thờ mà xông;

“b. Nếu bàn thờ dính liền với vách tường, vị tư tế xông hương phía phải, rồi phía trái;

“Nếu thánh giá đặt phía trên bàn thờ hay tại bàn thờ, thì xông hương thánh giá trước khi xông bàn thờ; trong những trường hợp khác, xông thánh giá khi đi ngang qua.

“Vị tư tế xông hương lễ phẩm ba lần trước khi xông thánh giá và bàn thờ, hoặc xông theo hình thánh giá trên các lễ phẩm”.

“308. Trên bàn thờ hay gần cạnh, phải có thánh giá có hình Chúa chịu nạn, mà giáo dân tập họp có thể thấy rõ. Thánh giá như thế sẽ gợi cho trí các giáo dân nhớ sự thương khó cứu độ của Chúa, và được để thường xuyên gần bàn thờ ngay cả ngoài lúc cử hành phụng vụ” (Bản dịch, như trên). (Zenit.org 1-1-2019)

Nguyễn Trọng Đa

 

Comments are closed.