Chúa Nhật Lễ Thánh Gia Thất – Ngày 30/12/2018

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 2,41–51″]

Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết.

Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại.

Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”. Người thưa với hai ông bà rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?” Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói. Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng. Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA THẤT

“Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?” (Lc 2,49)

Có lẽ ai hiện hữu trên cuộc đời này cũng đều có những bổn phận của riêng mình. Nói về bổn phận, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận có viết trong sách Đường Hy Vọng: “Bổn phận là giấy vào Nước Trời: Ai thực hiện ý Cha Ta trên trời, sẽ vào Nước Trời” (ĐHV 27). Bổn phận của mỗi người mỗi khác: Cha mẹ thì khác con cái, thầy cô thì khác học trò, ông chủ thì khác người làm công. Chu toàn bổn phận được trao là dấu chỉ của người trưởng thành. Chu toàn bổn phận là con đường nên thánh, và ý Chúa được thể hiện qua việc bổn phận, “Bổn phận là ý Chúa trong giây phút hiện tại”(ĐHV 17). Qua sứ điệp bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nói đến việc bổn phận và chính Ngài đã thi hành việc bổn phận ấy.

Theo luật quy định, người Do Thái phải hành hương về Giêrusalem mỗi năm ba lần và mọi người nam phải trình diện trước Đấng Toàn Năng là Đức Chúa. Khi Đức Giêsu lên 12 tuổi, Ngài được cha mẹ đưa đi cùng đoàn hành hương tiến về đền thờ theo tập tục ngày lễ. Sau khi kỳ lễ kết thúc, mọi người trở về quê hương xứ sở của mình, trong khi đó, Đức Giêsu còn ở lại trong Đền Thờ mà cha mẹ Ngài không hay biết. Việc lạc mất con khi đi hành hương là điều không thể tránh khỏi, nhưng với bổn phận là cha là mẹ, Đức Maria và Thánh Giuse lập tức trở lại Giêrusalem để tìm Đức Giêsu, khi cha mẹ tìm gặp được Ngài, Ngài nói với cha mẹ lý do của việc ở lại đền thờ, “Con có bổn phận ở nhà của Cha con” (Lc 2,49). Qua thái độ và câu nói này, Chúa Giêsu muốn chuẩn bị cho cha mẹ Ngài biết và chấp nhận rằng Ngài còn có bổn phận đối với Chúa Cha. Đức Giêsu không phải là một đứa con bất hiếu với cha mẹ trần gian, bởi vì Phúc Âm thuật lại rằng: “Sau đó Ngài cùng cha mẹ trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2,51), Ngài chu toàn bổn phận của người con đối với cha mẹ bằng sự vâng lời và thảo kính.

Nhìn vào mẫu gương Đức Giêsu và đứng trước những bổn phận hàng ngày, chúng ta phải có thái độ như thế nào? Điều đầu tiên là về tinh thần ý thức, trách nhiệm. Khi chúng ta nhận lấy công việc mình phải làm thì phải cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc được giao. Tuy nhiên, con người chúng ta hay có xu hướng đổ lỗi cho nhau và không chịu phần trách nhiệm về mình. Câu chuyện về Ađam và Evà trong sách Sáng Thế Ký là ví dụ điển hình (x.St 3,11-13). Vì thế, chúng ta luôn ý thức rèn luyện để là người có trách nhiệm, đặc biệt trong những việc bổn phận của mình.

Tiếp đến khi làm việc bổn phận thì chúng ta không nên kêu ca, kể lể, than khổ, hay phàn nàn. Chúng ta thường kể khổ về những công việc của mình, hoặc “thêm mắm, thêm muối” một chút để cho người khác biết về mình và mình đã phải vượt qua những khó khăn nào để làm được việc đó. Tất nhiên, điều đó cũng đúng một phần nhưng chúng ta thường quên đi đó chỉ là bổn phận mà ta phải làm mà thôi.

Sau cùng khi làm việc bổn phận thì chúng ta cũng không nên đòi người khác phải khen thưởng, hoặc biết về công trạng của mình. Bởi lẽ chúng ta khi làm gì cũng muốn người khác biết đến mình, nhất là những việc làm tốt của mình. Ta có thể thấy điều này ngay trong chính đời sống thường ngày, bởi chúng ta muốn được nêu danh hoặc ít ra cũng được một lời khen mỗi khi làm từ thiện hay làm một việc bác ái cho người khác, thay vì giống như lời Chúa dạy “Đừng cho tay trái biết việc tay phải làm”(Mc 6, 1-6). Đó cũng là điều bình thường, nếu đơn giản đó chỉ là những lời khen động viên, nhưng nếu ai cố gắng đi tìm tiếng khen nơi những việc bổn phận của mình thì đó là điều không nên. Đức Giêsu đã dạy chúng ta cách ứng sử khi phải làm việc bổn phận: “Khi làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10). Hơn nữa, sách tu đức luôn khuyên ta hãy sống đúng với bổn phận của mình và chu toàn bổn phận đó thì sẽ nên thánh, hay nói cách khác thánh nhân là những người nên thánh trong bổn phận của mình.

Lạy Chúa, qua sứ điệp Lời Chúa mà chúng con vừa nghe, ước chi mỗi người sẽ coi việc bổn phận của mình là phương tiện đưa ta đến Nước Trời và được gần Chúa hơn, nhờ đó chúng con sẽ mau mắn tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa trong cuộc đời như là bổn phận mà mình đã được trao phó. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.