Thứ 2 Tuần 34 Thường Niên – Ngày 26/11/2018

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 21,1-4″]

Khi ấy, Chúa Giêsu nhìn lên, thấy những người giàu có bỏ tiền dâng cúng vào hòm tiền. Người cũng thấy một bà goá nghèo khó bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ, nên bảo rằng: “Thầy bảo thật các con, bà goá nghèo khó này đã bỏ vào hòm tiền nhiều hơn mọi người. Vì mọi người kia lấy của dư thừa mà dâng cho Thiên Chúa, còn bà này túng thiếu, bà đã dâng tất cả những gì bà có để nuôi sống mình”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

NHẬN ĐỊNH NHƯ CHÚA GIÊ-SU

“Bà goá nghèo khó này đã bỏ vào hòm tiền nhiều hơn mọi người” (Lc 4,3).

Câu chuyện mà thánh Luca thuật lại trong bài Tin Mừng hôm nay diễn ra tại Đền Thờ, khi người ta đang lần lượt tiến đến và bỏ tiền dâng cúng vào thùng tiền. Trong số ấy, có một số người giàu, và cũng có một bà góa nghèo. Có lẽ ai cũng cho rằng: bà góa sẽ là người dâng ít nhất, bởi vì bà nghèo. Nhận định này có vẻ hợp lý. Các môn đệ có lẽ cũng nghĩ như vậy. Và, nhận định ấy đã đúng: bà góa chỉ bỏ vào thùng có 2 đồng tiền kẽm – một số tiền rất nhỏ. Nhưng Chúa Giê-su lại nói: “Thầy bảo thật các con, bà goá nghèo khó này đã bỏ vào hòm tiền nhiều hơn mọi người” (Lc 4,3). Các môn đệ hơi bất ngờ khi nghe lời nhận định ấy của Đức Giê-su. Thấy các học trò tỏ ra chưa hiểu, nên thầy Giê-su giải thích: “Vì mọi người kia lấy của dư thừa mà dâng cho Thiên Chúa, còn bà này túng thiếu, bà đã dâng tất cả những gì bà có để nuôi sống mình” (Lc 4,4). Đó là cách Chúa Giê-su nhận định.

Trong cuộc sống, chúng ta phải thường xuyên đưa ra nhận định: nhận định về một vấn đề, về một sự kiện, về một con người, v.v. Việc đưa ra nhận định giúp chúng ta chọn lựa và ứng xử trong cuộc sống. Nhận định đúng sẽ dẫn đến hành động đúng, và đời sống sẽ hướng dần đến hạnh phúc, và tinh thần quân bình cần thiết. Còn nhận định sai sẽ kéo theo nhiều hệ quả không mong muốn: có thể là một thất bại, một sự chia rẽ, hay mất tin tưởng, v.v. Những nhận định sai liên quan đến các vấn đề nghiêm trọng, có thể làm chúng ta mất đi không chỉ tài sản vật chất, nhưng còn cả các mối quan hệ, người thân, danh dự; và thậm chí, ảnh hưởng đến tương lai của cả một cuộc đời.

Chuyện nhận định là thực sự quan trọng. Thế nhưng, để có thể đưa ra nhận định đúng, đó là chuyện rất khó. Khổng Tử, vốn được xem là một bậc cao nhân của lịch sử, tầm hiểu biết sâu rộng, thế mà vẫn phạm sai lầm trong nhận định. Câu chuyện “Chén cơm Nhan Hồi” là một ví dụ cụ thể. Ông đã nghĩ sai về một học trò thực sự đạo hạnh. Socrates, một triết gia Khuyển nho vĩ đại, cũng phải khiêm tốn nhìn nhận rằng: “Tôi chỉ biết một điều, đó là tôi không biết gì cả”. Lời tự thú đầy khôn ngoan của ông, như thầm gửi gắm một thông điệp: có thể những thứ tôi đang biết, tôi đang nghĩ, thì sự thực chắc gì đã là như thế. Bao lâu tôi còn là một con người, thì nhận định của tôi còn có thể sai lầm.

Vậy chúng ta phải làm gì, bởi một đàng chúng ta phải đưa ra nhận định để sống và ứng xử, đàng khác chúng ta luôn có thể mắc sai lầm? Nhận định như Đức Ki-tô – Đấng thấu suốt mọi sự, là chuyện không thể đối với ta – một thụ tạo giới hạn. Như vậy, điều chúng ta có thể làm là noi theo cách mà Chúa Giê-su đã làm. Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa nhìn thấy điều tốt nơi bà góa, và Chúa đã cắt nghĩa tốt về bà: “Bà đã dâng tất cả những gì bà có để nuôi sống mình” (Lc 4,4). Chúa không chỉ dựa vào bề ngoài (bà dâng 2 đồng kẽm), nhưng còn nhìn đến tấm lòng (bà đã dâng tất cả). Chúa không chỉ dựa trên giá trị vật chất, nhưng còn nhìn xem sự giàu có của tinh thần. Có lẽ lời mời gọi sau đây của Đức Giê-su cũng cho ta nhiều ánh sáng trong việc nhận định: “Hãy học với tối, vì tôi hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Tấm lòng hiền hậu sẽ làm cho các nhận định được bác ái hơn, yêu thương hơn, và có tính xây dựng hơn; còn tinh thần khiêm nhường sẽ giúp người đưa ra nhận định luôn ý thức giới hạn của mình, và đặt mình ở trạng thái lắng nghe và đón nhận.

Lạy Chúa, Xin hãy giúp chúng con luôn nhìn mọi việc dưới ánh sáng tình yêu của Chúa, để các quyết định và chọn lựa của chúng con được đẹp lòng Chúa và sinh ích cho mọi người. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.