VATICAN – Thượng Hội đồng Giám mục Khoá thường lệ thứ XV vẫn tiếp tục các phiên họp chung với nhiều đề tài: vai trò của phụ nữ, đàn áp và di dân, đến với “những người vô danh” để hướng dẫn họ…
Tại cuộc họp báo ngày 12/10, các Đức Giám mục Robert Barron (Hoa Kỳ) và Everardus Johannes de Jong (Hà Lan) đã nói với báo giới rằng Thượng Hội đồng là một kinh nghiệm vui mừng, các Nghị phụ vẫn đang thảo luận rất cởi mở. Đức cha de Jong chia sẻ rằng ngài cảm nhận bầu khí của Thượng Hội đồng thật dân chủ. Đức cha Barron thì nói rằng nếu có ai còn nghi ngờ không biết ai là nhân vật chính của Thượng Hội đồng Giám mục, thì ngài bảo đảm với họ rằng chắc chắn đó là người trẻ. Ngài nói rằng thật tuyệt vời khi thấy Giáo hội lắng nghe như thế nào, và Giáo hội đã thể hiện được hoàn toàn tính Công giáo của mình.
Bộ trưởng Bộ Truyền thông Toà Thánh, Tiến sĩ Paolo Ruffini, đã trình bày tóm tắt các vấn đề được thảo luận tại Thượng Hội đồng: đồng hành với người trẻ – không chỉ trong việc phân định ơn gọi mà còn trong suốt cuộc đời; các Kitô hữu đang bị đàn áp (đặc biệt tại Irak, và có một bài phát biểu của một bạn trẻ đã được Thượng Hội đồng hoan nghênh); vai trò của phụ nữ; nạn giáo sĩ lạm dụng; sự thất bại của Giáo hội trong truyền thông và giáo dục tín hữu; di dân; đối thoại giữa các thế hệ; những phương cách mới khả dĩ để sống đời sống cộng đoàn – dù giới hạn về thời gian nhưng có thể giúp những người trẻ tìm được sự đồng hành; và làm sao để phụng vụ không bị biến thành một chế phẩm của con người.
Phụ nữ
Đặc biệt, sơ Mina Kwon từ Hàn Quốc đã nói rằng vai trò của phụ nữ và nhu cầu được đối xử cách tôn trọng như nam giới. Sơ nói rằng các nữ tu và người giáo dân phải đảm nhiệm vai trò đồng hành với người trẻ hơn nữa. Đôi khi, Sơ chia sẻ, các nữ tu không được chăm sóc mục vụ và không được trao trách nhiệm và quyền quyết định bình đẳng khi thi hành sứ vụ. Hai Đức giám mục Barron và de Jong cũng cho biết là mặc dù phụ nữ không được quyền bỏ phiếu ở Thượng Hội đồng, nhưng các ngài đều nhận thấy họ rất được lắng nghe và những đóng góp của họ sẽ được đưa vào tài liệu cuối cùng của Thượng Hội đồng Giám mục. Sơ Kwon cũng nói rằng những người trẻ tuổi nhạy cảm với sự bất bình đẳng và loại trừ; họ muốn có hợp tác và bình đẳng.
Đàn áp và di dân
Đức giám mục Barron ghi nhận Thượng Hội đồng cho ngài có cơ hội lắng nghe mọi người nói về tình hình ở Irak, nơi mà các Kitô hữu đang bị đàn áp. Ngài nói rằng điều này giúp cho các giám mục ra khỏi “những bận tâm của các nước giàu” và nhận ra rằng người dân đang đói khát đức tin. Đức giám mục de Jong cho biết, khi nghe nói về Irak, ngài buộc phải tự hỏi “Ở giáo phận của mình, tôi đang làm gì cho các Kitô hữu Irak?”, và ngài nói rằng, vì thế Thượng Hội đồng Giám mục cũng phải là nơi mà các câu hỏi về tình liên đới toàn cầu phải được đặt ra.
Về vấn đề di dân, Đức cha De Jong nói nói rằng ở châu Âu, người ta thường than phiền về những người nhập cư. Ngài nói rằng mặc dù Tây Âu có đón nhận người nhập cư, nhưng điều đó đặt sự kiện này trong hoàn cảnh mà chúng ta nghe như là có những quốc gia đã đón nhận hàng ngàn người so với cả khối Châu Âu. Tiến sĩ Ruffini nhận xét rằng vấn đề di dân không chỉ là vấn đề giữa các châu lục mà còn là vấn đề của các châu lục; ông đặc biệt đề cập đến Châu Phi.
Đến với “những người vô danh” để hướng dẫn họ
Đức giám mục Barron nói rằng có một điểm quan trọng đánh động ngài là những người trẻ thực sự muốn được hướng dẫn về đời sống thiêng liêng. Họ muốn Giáo hội như một người mẹ và người cha. Nhiều người trẻ xuất thân từ những gia đình không có nền tảng ổn định và vì vậy họ cần phải được hướng dẫn, bồi dưỡng và dạy dỗ. Đức cha Barron cũng nói rằng ngài luôn trăn trở với câu hỏi rất hóc búa này: Làm sao đến được với “những người vô danh” – đó là những người mà Giáo hội không có liên lạc, những người không có nền tảng đạo đức. Đức cha nói rằng Giáo hội phải tìm cách đến với họ. Đây là một thách đố, nhưng -ngài nói- chúng ta cũng có phương thế mới, các mạng truyền thông xã hội sẽ giúp chúng ta làm được điều này.
Humanae vitae
Khi được hỏi về việc liệu Thông điệp Humanae vitae có được đưa ra thảo luận tại Thượng Hội đồng Giám mục hay không, Đức cha Barron trả lời rằng các Nghị phụ đã không thảo luận trực tiếp nhưng chắc chắn là có. Ngài nói việc tuyên thánh cho Đức giáo hoàng Phaolô VI vào thời điểm này là một việc làm mang tính ngôn sứ, bởi vì nếu chúng ta đọc Thông điệp ấy trong bối cảnh ngày nay, thì văn kiện ấy sẽ mang một ý nghĩa hoàn toàn mới và cho thấy điều mà Đức Phaolô VI đã nói trước là có tính ngôn sứ. Đức cha Barron nói rằng trong cuộc họp chung cũng như ở các nhóm nhỏ, các Nghị phụ đã nói rất nhiều về đời sống hôn nhân và gia đình nhưng đây là lúc để ca ngợi tính chất ngôn sứ của Humanae vitae.
(Vatican News, 12/10/2018)