Thứ 5 Tuần 26 Thường Niên – Ngày 04/10/2018 – Thánh Phanxicô thành Assisi

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 10, 1-12″]

Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Người bảo các ông: Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!” Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.” Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: “Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.” Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

THỨ 5 TUẦN 26 THƯỜNG NIÊN

Bài Tin mừng hôm nay gợi lên cho chúng ta hiểu biết về người môn đệ của Chúa Giêsu. Trong Tin Mừng, ta gặp thấy danh từ này được dành riêng cho những người đã nhận Đức Giêsu làm thầy, mà trước tiên là Nhóm mười hai (Mt 10, 1). Ngoài nhóm thân cận này, còn có những người khác theo Đức Giêsu như nhóm bảy mươi hai mà Người đã sai đi thi hành sứ mệnh: Một cách đặc biệt, các môn đệ này không bao giờ dám nghĩ mình trở thành thầy (x. Cv 14, 21-23). Nếu họ phải thu nhận môn đệ thì không phải cho riêng họ, nhưng cho Đức Kitô. Do đó trong thời sơ khai của Giáo hội, danh từ “môn đệ” dành cho mọi tín hữu (x. Cv 6, 1).

Để trở nên môn đệ của Chúa, chúng ta cần phải để cho Người hướng dẫn. Vậy Chúa Giêsu đã hướng dẫn các môn đệ của Người thế nào trên con đường theo Chúa? Qua các phép lạ và dụ ngôn trong Tin mừng, Chúa muốn giáo huấn các môn đệ để họ có một tâm hồn nhạy cảm, một tấm lòng nhân hậu trước các lầm than của dân chúng. Đi đôi với lòng nhân hậu đó, hôm nay Chúa Giêsu tiếp tục huấn luyện các môn đệ phải có tinh thần cộng đồng. Chúa kêu gọi từng môn đệ theo Ngài, nhưng không để họ riêng rẽ, mà kết hiệp tất cả thành một cộng đồng, một nhóm biết hợp nhất trong kinh nguyện, trong đời sống thường ngày và nhất là cộng tác với nhau trong nhiệm vụ tông đồ (x. Lc 10, 1-21). Tinh thần cộng tác và tình hiệp thông như thế là những yếu tố mà cộng đoàn nào cũng mong ước. Tuy nhiên, thực tế nhiều khi lại trái ngược. Vì vậy, chúng ta cần phải tìm ra nền tảng của sự hiệp nhất và tinh thần hiệp thông để làm tăng trưởng cuộc sống cộng đoàn. Cộng đoàn nào cũng được xây dựng trên nền tảng nhất định để có được hợp nhất và tinh thần hiệp thông. Đối với cộng đoàn các môn đệ của Chúa, nền tảng của sự hợp nhất và tinh thần hiệp thông không thể là gì khác hơn ngoài Chúa. Để có thể yêu thương và hợp nhất với nhau, mỗi môn đệ phải có được mối tương quan cá vị với Chúa và sống cách sâu đậm với Chúa trong tình yêu của Người.

Trong chiều hướng này, chúng ta cùng nhau dừng lại ở những giờ phút cầu nguyện chung. Dường như chúng ta không ít lần ra vào nhà nguyện với tâm trạng chỉ vì đây là bổn phận hay thói quen mà chúng ta phải làm hàng ngày. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta trân trọng và tìm thấy hạnh phúc với những giờ phút được ở bên Chúa và bên nhau. Tuy chúng ta có sự khác biệt về cá tính, quan điểm sống, về cách nhìn,… nhưng lại cùng chung một đức tin. Chúng ta cùng tụ họp một nơi, cùng đọc một kinh, cùng hướng lòng về Chúa, cùng nghe Lời Chúa để tìm thánh ý Chúa, để được Chúa hướng dẫn và soi sáng cho cuộc sống riêng tư của mỗi người cũng như cho đời sống của cả cộng đoàn.

Lạy Chúa, dù mang tâm trạng nào hay cách nghĩ nào, xin Chúa ban ơn và soi sáng để chúng con có một đời sống nội tâm sâu sắc với Chúa. Nhờ vậy, chúng con mới có khả năng đón nhận và tôn trọng người khác trong những khác biệt để chu toàn sứ mạng Chúa trao phó. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.