Giải đáp phụng vụ: Việc tân linh mục chúc lành cho Giám mục có thuộc về nghi lễ không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

  Bạn đọc G. C. từ Dhaka, Bangladesh, đã nêu ra một số câu hỏi về các chủ đề phụng vụ đa dạng. Tôi sẽ cố gắng trả lời ngắn gọn từng câu hỏi một.

   Hỏi 1: Hầu như mỗi năm, chúng conthêm một số đông tân linh mục. Trong một số giáo phận, con nhận thấy rằng sau khi truyền chức linh mục, một số chưởng nghi đã yêu cầu tân  linh mục hãy chúc lành trước tiên cho các Giám mục hiện diện, rồi chúc lành cho các linh mục, và sau đó là tín hữu tham dự. Khi các Giám mục đến, các vị quỳ xuống trước bàn thờ, vá tân linh mục chúc lành cho các vị, sau đó các linh mục tiến đến và quỳ xuống trước bàn thờ, và tân linh mục chúc lành cho họ. Khi tôi hỏi họ từ đâu có tập tục này, họ trả lời rằng họ đã nhìn thấy nó đâu đó ở châu Âu. Thưa cha, có đúng là nghi thức chăng, và có huấn thị nào về  việc này không?

  Đáp: Chắc chắn có một số Giám mục, có sáng kiến ​​riêng xin phép lành đầu tiên của các linh mục mà các vị mới truyền chức. Đây là một vấn đề về tình mến cá nhân và là một biểu hiện của tình phụ tử thiêng liêng. Nó không phải là một phần của nghi lễ, và tôi không biết liệu nó là một tập tục được thiết định ở quốc gia châu Âu nào đó chăng.

  Tại một Thánh Lễ truyền chức, chính Giám mục chủ phong ban phép lành trọng thế cuối lễ. Tân linh mục chỉ ban phép lành sau khi Thánh lễ kết thúc. Nhiều tân linh mục thích dành phép lành đầu tiên của mình cho cha mẹ của họ, vì vậy tôi nghĩ rằng sự thực hiện phép lành đầu tiên được chính thức hóa này không nên được khuyến khích.

  Hỏi 2: Trong các dịp lễ lớn, như truyền chức phó tế hay linh mục, cung hiến nhà thờ mới, đón tiếp một Giám mục hoặc một Sứ thần Tòa thánh, có ba hoặc bốn Giám mục đồng tế trong Thánh lễ. Tất nhiên cũng có rất nhiều linh mục. Tại buổi lễ, khi tất cả các Giám mục đứng quanh bàn thờ, chúng con không có chỗ cho các phó tế bên cạnh Giám mục nữa. Cũng vậy, khi Giám mục chủ tế ngồi, cũng không có chỗ cho các phó tế ngồi cạnh ngài, bởi vì tất cả các Giám mục đồng tế đã ngồi cạnh ngài. Xin cha cho con biết các nhận xét của cha? Thứ hai, trong các dịp trọng đại khi có nhiều Giám mục tham dự, vào cuối Thánh lễ, Giám mục chủ tế đề nghị tất cả các Giám mục khác cùng tham gia trong việc ban phép lành cuối lễ, và tất cả các Giám mục cùng chúc lành cho mọi người. Vậy có đúng luật phụng vụ không?

  Đáp: Sự việc Giám mục chủ tế có thầy phó tế tháp tùng là một cách thức nhấn mạnh vai trò chủ tọa của ngài, mặc dù chỗ ngồi của họ là gần ngài, nhưng không nhất thiết là phải sát một bên. Các Giám mục đồng tế khác thường không ngồi bên cạnh Giám mục chủ lễ, mặc dù các vị phải có một vị trí nổi bật so với các vị đồng tế khác.

  Trong Kinh nguyện Thánh Thể, các thầy phó tế đứng hơi đằng sau các vị đồng tế. Tuy nhiên, các vị đồng tế này, ngay cả khi là Giám mục, cũng không cản trở thầy phó tế khi thầy phải đến gần bàn thờ để thực hiện công việc của mình. Nếu không gian là chật hẹp,  thì chỉ cần một thầy phó tế phục vụ tại bàn thờ là đủ.  Trong các buổi tiếp kiến thứ Tư hàng tuần, Đức Thánh Cha thường mời tất cả các Giám mục có mặt cùng tham gia với Ngài trong việc ban phép lành, nhưng điều này không bao giờ được thực hiện tại Thánh Lễ. Sự thực hành mời tất cả các Giám mục cùng ban phép lành trong Thánh lễ không phải là một sự thực hành phụng vụ đúng nghĩa, vì việc ban phép lành này là thuộc vị chủ tế.   

  Hỏi 3: Trong giờ kinh Phụng vụ, khi một người đọc bài đọc ngắn, ở một số nơi, người ấy bắt đầu bằng câu: “Đọc Sách thánh”, và kết bài là “Đó là Lời Chúa”. Tất nhiên, trong phần giới thiệu, rõ ràng rằng Lời Chúa sắp được công bố. Và ở nhiều nơi, người đọc đến bàn để đọc, và quay trở về mà không nói gì. Thưa cha, cách nào đúng theo hướng dẫn? Bởi vì không có gì được nhắc đến rõ ràng, đôi khi nó tạo ra một chút lẫn lộn. 

  Đáp: Không có lời chào nào được chỉ định cho việc đọc bài đọc ngắn, vì thông lệ trong giờ kinh là chỉ đơn giản công bố hoặc đọc bài đọc. Câu đáp ngắn cấu thành câu đáp cho bài đọc ngắn, do đó người đọc không nói thêm gì vào cuối bài. 

  Hỏi 4: Trong Thánh Lễ: Trong sách bài đọc tiếng Ý, sau bài Tin Mừng, người đọc nói: “Parola del Cristo”. Một số linh mục của chúng con được du học ở Ý. Sau khi trở về đất nước Bangladesh của chúng con, họ cũng đọc như vậy. Ngay cả các linh mục người Ý ở đây cũng nói như thế. Vào cuối bài Tin Mừng, họ cũng nói:Đó là Lời Chúa Kitô”. Xin cha làm rõ câu nào là chính xác: “Đó là Lời Chúa” hay “Đó là Lời Chúa Kitô”? Người dân chúng con đôi khi thấy bối rối về điều này. 

  Đáp: Thực ra, sách bài đọc tiếng Ý nói “Parola del Signore”, hay “Đó là Lời Chúa”, sau bài Tin Mừng và tương đương với “Đó là Lời Chúa” cho các bài đọc khác nữa. Không có lúc nào câu “Đó là Lời  Chúa Kitô” được sử dụng cả. Bản dịch đa dạng này mang lại ý nghĩa kép của cụm từ Latinh “Verbum Domini”, vốn được chứng thực bởi các câu trả lời khác nhau của người ta ở cuối bài đọc. Tuy nhiên, cần phải làm sáng tỏ rằng không ai có thể thay đổi các bản dịch phụng vụ được chuẩn thuận, theo sáng kiến ​​riêng của mình, cho dù mình đã học hành bất cứ nơi đâu. 

  Hỏi 5: Việc xông hương: Trong Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma [GIRM], rõ ràng là nói xông hương vào sách đọc.đất nước chúng con, không có Sách Tin Mừng. Chúng con có Kinh Thánh và Sách bài đọc bằng tiếng Bengali. Vì vậy, khi chúng con rước sách Kinh Thánh trước khi đọc, chúng con lấy hương theo và xông hương vào đầu bài đọc một. Thực ra, chúng con xông hương cho cả Kinh Thánh hay sách bài đọc, và không phải lúc nào cũng trước khi đọc Tin Mừng. Một khi chúng con xông hương vào lúc bắt đầu đọc, chúng con không xông hương khi đọc Tin Mừng nữa. Nếu chúng con không xông hương lúc ban đầu, thì chúng con phải xông hương lúc đọc bài Tin Mừng, theo chỉ thị của Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma. Ý kiến ​​của cha là như thế nào ạ?

  Đáp: Chỉ có Sách Tin Mừng mới được đưa đi rước và được đặt trên bàn thờ vào đầu Thánh Lễ. Nhưng đây có thể là một bản ngắn của Sách Tin Mừng, ngay cả trong một ngôn ngữ khác. Nếu cần, có thể chèn bản sao đọc bài đọc trong ngày vào cuốn sách này. Đồng thời, nếu không có Sách Tin Mừng, sách Bài đọc có thể được xông hương vào thời điểm đọc Tin Mừng theo cách thông thường. Trong trường hợp này, sách Bài đọc được đặt sẵn lên giảng đài (ambo) từ đầu Thánh Lễ, và không được rước vào lúc đầu. Vì các lựa chọn này xuất hiện, tôi thấy không có lý do gì để không tuân theo sự thực hành Công giáo, vốn dành việc xông hương đến thời điểm đọc Tin Mừng. 

  Hỏi 6: Theo như con biết, thầy phó tế có thể ban phép lành Thánh Thể. Nếu các linh mục và Giám mục có mặt trong giờ thánh, thì liệu việc thầy phó tế ban phép lành Thánh Thể là đúng chăng? Nếu không, ai sẽ là người thích hợp nhất để ban phép lành Thánh Thể, Giám mục hay linh mục? 

  Đáp: Ngoại trừ khi có một số trở ngại chính đáng, một Giám mục là ưu tiên trước linh mục, và linh mục là ưu tiên trước phó tế. Một thầy phó tế không nên ban phép lành Thánh Thể, khi một linh mục hiện diện và sẵn sàng làm việc này. 

  Hỏi 7: Trong Kinh nguyện Thánh Thể, chúng ta cầu nguyện cho Đấng bản quyền địa phương. Nếu có một hay nhiều Giám mục phụ tá nữa, liệu có cầu nguyện cho các vị không? 

  Đáp: Như đã được chỉ định trong Sách lễ, đây là một khả năng nhưng không phải là bắt buộc. Nếu có nhiều Giám mục phụ tá, nên sử dụng một công thức chung là “Đức Giám mục N. của chúng con, và các Giám mục phụ tá của ngài”. 

  Hỏi 8: Đức Tổng Giám mục hiện tại của chúng con đã nhận dây pallium (phù hiệu bằng dây len trắng của chức Tổng Giám mục) từ tay Đức Sứ thần, trong lễ nhậm chức của ngài. Ngài sử dụng dây pallium của mình trong tất cả các dịp quan trọng trong giáo phận: lễ bổn mạng giáo xứ, lễ truyền chức, cử hành lễ ngân khánh hay kim khánh, Có điều khoản nào nói về việc sử dụng dây pallium như thế nào chăng? Nó được sử dụng tùy chọn hay là bắt buộc? 

  Đáp: Dây pallium (một dải len trắng tròn với dây đeo) được các Tổng Giám mục chính tòa sử dụng, khi các vị chủ tọa tại bất kỳ Thánh lễ trang trọng nào trong Giáo tỉnh riêng của các ngài. Nó có thể không được đeo bên ngoài giáo tỉnh. Luật pháp hiện tại về cơ bản trao quyền cho chính Tổng Giám mục để xác định các dịp sử dụng nó.

Liên quan đến câu hỏi ngày 28-4 về việc tân linh mục chúc lành cho Giám mục, một độc giả từ Kampala, Uganda, đã hỏi: “Liệu trong trường hợp khẩn cấp một Giám mục có thể ủy quyền cho linh mục truyền chức cho linh mục khác không? Đức Giám Mục có chức tư tế tối cao của Chúa Kitô, và nhận lãnh thực tại toàn vẹn của thánh vụ. Tuy nhiên, ngay cả linh mục cũng được nên đồng hình với chức tư tế của Chúa Kitô trong việc truyền chức: Một Kitô khác (alter Christus)! Làm thế nào gọi là chức tư tế tối cao của Chúa Kitô nơi một Giám mục so với chức tư tế tối cao của Chúa Kitô nơi một linh mục được truyền chức?”.

Câu hỏi này thực sự đòi hỏi một luận đề thần học với nhiều sắc thái, và một câu trả lời ngắn gọn là hơi duy đơn giản.

Với lưu ý này trong tâm trí, tôi sẽ nói như sau. Các giám mục có chức tư tế tối cao đầy đủ của Chúa Kitô và nhận lãnh thực tại toàn vẹn của thánh vụ. Các linh mục có một sự tham gia kém hơn, và các phó tế có một sự tham gia khác, vốn không đòi hỏi chức tư tế, nhưng mà để phục vụ tại bàn thờ, bàn Lời Chúa, và phục vụ người nghèo.

Mặc dù rất khó để tránh các thuật ngữ như “nhiều hơn” và “ít hơn”, khi nói về mức độ của truyền chức thánh, cần phải nói rằng mỗi thừa tác vụ là thực sự cần thiết để thực hiện sứ mệnh chính xác của mình trong Hội Thánh. Sự việc rằng một số chức năng được dành riêng cho các thừa tác viên đặc biệt không có nghĩa là các thừa tác viên khác bị tước đoạt các chức năng này, nhưng do các chức năng ấy là không cần thiết cho nhiệm vụ cụ thể của họ.

Trong ý nghĩa này, tác vụ của Giám mục, có đầy đủ chức tư tế, vượt ra ngoài quyền năng truyền chức và trực tiếp đòi hỏi chức năng của mình là mục tử và nguyên lý hiệp nhất của Hội thánh địa phương, mà nhờ đó sự hiệp nhất với Hội Thánh phổ quát được thiết lập. Các linh mục và phó tế, trong các thừa tác vụ của mình, cộng tác với Giám mục, và tính hiệu quả giáo hội của thừa tác của họ đòi hỏi sự hiệp thông với ngài.

Về vấn đề trong trường hợp khẩn thiết, các Giám mục nghi lễ Latinh có thể ủy quyền cho các linh mục cử hành Bí tích Thêm sức. Năng quyền này chỉ có thể được sử dụng một cách hợp lệ trong phạm vi giới hạn của giáo phận mà thôi. Các linh mục Công Giáo phương Đông thường ban phép Thêm sức cho trẻ sơ sinh, sau khi làm phép rửa tội cho các em.

Tuy nhiên, việc truyền chức linh mục là không được ủy quyền (Điều 1012 của Bộ Giáo luật). Chỉ có Giám mục có quyền truyền chức cho linh mục và phó tế. Các linh mục không có quyền này, vì nó không cần thiết cho sứ vụ của họ.

Đã có cuộc tranh luận về việc liệu một Giáo hoàng có thể cho phép các linh mục truyền chức linh mục cho người khác không. Lý do duy nhất mà khả năng này được nêu ra là do sự tồn tại của một số tài liệu thời Trung cổ, mà trong đó có ba Giáo hoàng, giữa các năm 1400 và 1489, trao đặc quyền cho một số viện phụ truyền chức cho các phó tế và linh mục.

Các tài liệu này là đáng ngờ về giá trị thần học, các hoàn cảnh lịch sử thực sự là khá u ám và các đặc quyền nói trên đều bị rút lại sau đó. Tuy nhiên, các việc truyền chức như thế đã không được tuyên bố là không hợp lệ, và do đó, nó vẫn là một vấn đề giả định, nếu một sự nhượng bộ chính xác của Giáo hoàng có thể cho phép ngoại lệ trở nên một quy tắc chung. (Zenit.org 28-4 và 12-5-2009)

Nguyễn Trọng Đa

Comments are closed.