Giải đáp phụng vụ: Vai trò tháp tùng của thầy phó tế lúc xông hương là như thế nào?

  Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

  Hỏi 1: Câu hỏi của con liên quan đến vai trò của các thầy phó tế lúc chủ tế xông hương bàn thờ, sau cuộc rước vào, và tương tự khi dâng lễ vật. Đặc biệt, con không rõ liệu có sự phân biệt nào chăng, giữa Giám mục và linh mục, liên quan đến việc thầy phó tế tháp tùng chủ tế khi ngài xông hương chung quanh bàn thờ. Sách Nghi lễ Giám mục dường như trực tiếp khẳng định rằng thầy (các thầy) phó tế tháp tùng chủ tế, vì Sách trong số 131 nói rằng “Giám mục xông hương bàn thờ và Thánh Giá, hai Phó tế tháp tùng Giám Mục”. Tuy nhiên, từ ngữ trong Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) là khác, vì Quy chế nói rằng trong một Thánh lễ có thầy phó tế ” nếu có xông hương, thầy sẽ giúp vị tư tế bỏ hương và xông hương thánh giá và bàn thờ” (173, Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang). Vì vậy, con hơi tò mò liệu sự khác biệt trong từ ngữ (tức là “giúp, assisting” và “tháp tùng, accompanying”) là nhằm đề cao một đặc quyền của các Giám mục là có thầy phó tế tháp túng khi xông hương, trong khi linh mục đi xông hương một mình chăng (có thể so sánh với các Giám mục vẫn ngồi trước cuộc rước Sách Tin Mừng, khi ngài bỏ hương vào tàu hương, trái ngược với các linh mục phải đứng), hoặc liệu chỉ là thuần túy một sự khác biệt trong từ ngữ, vốn cũng nêu ra cùng một ý tưởng là rằng các thầy phó tế tháp tùng chủ tế chăng. Con đã thấy cả hai sự giải thích trong phụng vụ, với một số Giám mục chọn không có các thầy phó tế tháp tùng mình khi xông hương bàn thờ, nhưng cũng có một số linh mục chọn cách có các thầy phó tế tháp tùng mình. Thưa cha, có cách nào “đúng” để tiếp cận điều này không? – C. R., Abington, Massachusetts, Hoa Kỳ.

  Hỏi 2: Luật phụng vụ (hay tập tục phụng vụ) cho phép một thầy phó tế, khi chủ trì một buổi phụng vụ mà trong đó hương sẽ được sử dụng (thí dụ, chủ trì Giờ Kinh Sáng hay Giờ Kinh Chiều; chủ trì chầu Phép Lành; hoặc chủ trì một tang lễ), khi thầy bỏ hương vào bình, làm phép hương (như một linh mục hoặc Giám mục làm) không? Trong trường hợp không có mặt một thừa tác viên cao cấp hơn, và nếu thầy chủ trì buổi phụng vụ, mà trong đó thầy là một thừa tác viên “bình thường”, có lý do nào khiến thầy không thể làm được? Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM), số 179, nói: “Trong phần kinh Tạ Ơn, thầy Phó tế đứng gần vị tư tế, phía sau một chút, để khi cần, giúp ngài mở chén, mở sách. Từ lúc đọc kinh khẩn xin Chúa Thánh Thần cho đến khi nâng chén thánh, thường thì thầy phó tế quỳ. Nếu có nhiều phó tế, một thầy sẽ bỏ hương và xông hương lúc nâng bánh thánh và chén thánh sau truyền phép” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang). Đàng khác, Bộ Giáo luật, Điều 1169 §3 nói: “Phó tế chỉ có thể ban những phép lành mà giáo luật đã minh thị cho phép” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh). – D. M., Loose Creek, Missouri, Hoa Kỳ.

  Đáp: Vì cả hai câu hỏi đều liên quan đến các thầy phó tế và việc xông hương, tôi xin chọn cách trả lời chung với nhau.

  Trước tiên, một số bối cảnh văn mạch là cần có để cho đúng khuôn khổ một câu trả lời.

Ấn bản đầu tiên của Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) thường bị cho là mù mờ và không chính xác trong các chỉ dẫn chữ đỏ của nó, làm cho các người phụ trách sắp xếp các buổi lễ hơi bối rối về cách tiến hành như thế nào.

  Do đó, khi Sách Lễ nghi Giám mục được ban hành vào năm 1984, nó là chi tiết hơn nhiều trong các mô tả về nghi lễ. Nó cũng tuyên bố rằng các sách phụng vụ trước đó vẫn còn có hiệu lực, trừ khi Sách Lễ nghi thay đổi một cách minh nhiên.

  Vì vậy, trong thực tế, Sách Lễ nghi Giám mục phục vụ như là một cuốn sách hướng dẫn thực hành cho các chưởng nghi, và tất cả các người phụ trách buổi phụng vụ, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà các hướng dẫn của Sách Lễ là gần đúng hoặc không rõ ràng. Khi ấn bản mẫu thứ ba của Sách Lễ Rôma được ban hành, nó kết hợp nhiều phần chính xác của Sách Lễ nghi Giám mục, thay đổi một vài phần, và nói chung mô tả các nghi thức với nhiều chi tiết hơn.

  Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhớ các bối cảnh của từng cuốn sách. Sách Lễ nghi Giám mục liên quan đến các buổi cử hành của các Giám mục, trong khi Sách Lễ liên quan đến các cử hành thông thường của các linh mục. Đó là lý do tại sao Sách Lễ hầu như không đề cập đến vai trò đặc biệt của một Giám mục, ngoại trừ trong trường hợp nói rằng trước bài Tin Mừng chỉ có vị Giám mục bỏ hương vào tàu hương, và chúc lành cho thầy phó tế trong khi ngài vẫn ngồi.

  Các bối cảnh khác nhau nằm ở gốc rễ của các từ ngữ khác nhau trong các sách phụng vụ, nhưng các khác biệt này không nhất thiết hàm ý các quy định khác nhau.

  Do đó, sự việc rằng Sách Lễ nghi Giám mục, trong việc mô tả cuộc rước đầu lễ, đề cập đến hai thầy phó tế, và sự việc Sách Lễ chỉ nói đến một thầy phó tế, là dựa trên giả định rằng trong một Thánh lễ trọng, Giám mục thường được hai thầy phó tế tháp tùng, trong khi việc này là không phổ biến trong tình huống giáo xứ, ngay cả trong các dịp long trọng.

Cũng vậy, số 131 của Sách Lễ nghi Giám mục nói rằng Giám mục “xông hương bàn thờ và Thánh Giá, hai Phó tế tháp tùng Giám Mục”. Như thế, trong cả Sách Lễ nghi Giám mục và Sách Lễ, chức năng chính của “thầy phó tế” là giúp chủ tế.

  Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM), số 173, nói rằng thầy phó tế “sẽ giúp vị tư tế bỏ hương và xông hương thánh giá và bàn thờ”; sẽ thật là khó để xem làm thế nào thầy có thể giúp vị linh mục trong khi xông hương bàn thờ, nếu thầy không tháp tùng ngài, Sự giúp đỡ này thường nằm trong bản chất của việc cầm giữ các nếp gấp của áo lễ, để cho cánh tay của linh mục được tự do cử động.

  Chúng ta cũng phải nhớ rằng từ ngữ của Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM), số 173, là tiết kiệm lời nói, vì nó đã chú trọng đến sự mô tả xông hương trong số 123, và không nhắc lại nữa. Mặt khác, Sách Lễ nghi Giám mục là cố tình đi vào chi tiết.

  Vì vậy, tôi có thể nói rằng việc Giám mục “xông hương bàn thờ và Thánh Giá, có hai Phó tế tháp tùng Giám Mục” không phải là một đặc quyền Giám mục, nhưng có thể được áp dụng cho bất kỳ linh mục nào chủ tế trong một buổi lễ long trọng.

  Sau khi đã nói chắc như thế, có thể có nhiều dịp khi các giới hạn không gian hoặc các mối quan tâm hậu cần khác đòi hỏi rằng vị chủ tế, dù là Giám mục hay linh mục, sẽ không có thầy phó tế tháp tùng khi xông hương bàn thờ.

  Đối với câu hỏi thứ hai, chúng tôi có thể trả lời trong sự khẳng định.

  Trong một buổi cử hành, vốn thấy trước khả năng chủ trì của một linh mục hay thầy phó tế, thầy phó tế thực hiện nghi thức theo cùng cung cách như linh mục, trừ khi bản thân chữ đỏ nói lên sự phân biệt minh nhiên. Bởi vì việc này không được thực hiện trong trường hợp làm phép hương, khi một thầy phó tế chủ trì Giờ Kinh Sáng, Giờ Kinh Chiều, Chầu Phép lành, nghi thức tang lễ ngoài Thánh Lễ, và các dịp tương tự khác, thì có thể suy luận một cách hợp pháp rằng thầy cũng có thể làm phép hương, vì nó tạo nên một phần của nghi thức bình thường.

  Trường hợp đặc biệt của Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma, số 179, được bạn đọc của chúng ta đề cập là một tình huống khác. Tại thời điểm ấy, thầy phó tế chỉ đơn giản là bỏ hương vào tàu hương, vì các lý do thực tiễn, nhưng không làm phép hương.

  Đàng khác, thầy không được làm phép hương, bởi vì, ngay trong Thánh Lễ, có các linh mục hoặc Giám mục hiện diện, và một thầy phó tế sẽ không làm phép hương trong các trường hợp này.

  Tuy nhiên, điều quan trọng hơn, đó là bởi vì hương không bao giờ được làm phép vào thời điểm đặc biệt ấy, vì nó được xem là một điều thực tế để đảm bảo rằng có đủ hương cho trọn Kinh nguyện Thánh Thề. Nếu chỉ có một thầy phó tế, thầy vẫn ở lại bàn thờ trong khi một thầy giúp lễ hành xử như người thủ hương, để bỏ hương vào tàu hương, và xông Mình Thánh và Máu Thánh được nâng lên.

  Đức Giám mục Peter Elliott mô tả điều này trong cuốn sách của ngài “Ceremonies of the Modern Roman Rite, Các Buổi lễ của Nghi lễ Rôma hiện đại”:

  “403. Về việc xông hương Mình Thánh và Máu Thánh, có hai khả năng, (a) Nếu có nhiều hơn một thầy phó tế, một vị (phó tế Lời Chúa) rời khỏi bàn thờ và lấy tàu hương sau Kinh Sanctus (Thánh, Thánh, Thánh). Thầy bỏ hương vào tàu hương, và quỳ ở lời kinh Khẩn Cầu Thánh Linh (epiclesis). Thầy xông hương Mình Thánh và Máu Thánh, ở mỗi lần nâng lên, với kép ba (ba lần, mỗi lần hai cú), và quỳ ở trung tâm của cung thánh. Sau đó, thầy trở về vị trí của mình tại bàn thờ, sau lời tung hô sau truyền phép. (b) Khi chỉ có một thầy phó tế, thầy vẫn ở lại bàn thờ, và người thủ hương xông Mình Máu Thánh ở mỗi lần nâng lên. Trong trường hợp này, vị chưởng nghi hoặc người cầm tàu hương giúp chuẩn bị hương. Ở mỗi lần nâng lên, một trong các người mang nến quỳ ở bàn đồ lễ, hoặc một người giúp lễ khác, nên rung chuông”. (Zenit.org 14-8-2018)

Nguyễn Trọng Đa

 

 

Comments are closed.