Giải đáp phụng vụ: Bàn thờ, sự cung hiến bàn thờ, các thánh tích.

   Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

  Hỏi: Cách đây bốn năm, cha xứ của chúng con đã thực hiện một số thay đổi trong thiết kế và hình dáng tổng thể của bàn thờ, trong nhà thờ giáo xứ chúng con. Có điều là bàn thờ này, vốn đã được làm phép và cung hiến cách đây khoảng 20 năm, giờ đây đã được chứa bên trong bàn thờ mới xây dựng, và người ta không thể nhìn thấy dấu vết nào nữa của bàn thờ “cũ”. Gần đây, cha xứ của chúng con đã xin được một thánh tích, và cha dự định đặt thánh tích này vào trong bàn thờ. Câu hỏi của con là, liệu khi có một bàn thờ “mới”, có cần sự ‘tái cung hiến” bàn thờ không? Hay nên làm theo nghi thức cho sự cung hiến bàn thờ? Liệu có nghi thức đặc biệt nào cho việc đặt một thánh tích của một thánh/vị tử đạo vào bàn thờ không, thưa cha? – P. B., Thành phố Naga, Philippines.  

  Đáp: Có hai câu hỏi cần được trả lời ở đây. Thứ nhất, cần hay không cần sự cung hiến mới cho bàn thờ. Thứ hai, nghi thức đặt thánh tích.  

  Câu hỏi thứ nhất sẽ được bao phủ bởi Bộ Giáo luật, Điều 1238, trong đó nói rằng bàn thờ mất sự cung hiến được nói trong Điều 1212. Mời đọc:  

  “(1) Bàn thờ mất sự cung hiến hay làm phép theo điều 1212.

  (2) nếu bàn thờ bị phá hoại phần lớn, hoặc khi nó bị xử dụng thường xuyên vào việc phàm tục, do sắc lệnh của đấng bản quyền địa phương hoặc do thực tế” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).

   Bây giờ, trong trường hợp này, bàn thờ chắc chắn đã không bị phá hủy, vì vậy trên nguyên tắc, nó không cần có sự cung hiến mới. Sự cung hiến chỉ là cần thiết, nếu các thay đổi đối với bàn thờ gốc là quá nhiều, đến nỗi chúng ta sẽ phải bàn đến một bàn thờ chủ yếu mới.  

  Tương tự như vậy, sự phục hồi của bàn thờ đã xảy ra bốn năm trước, trong khi một nghi thức cung hiến mới nên diễn ra gần như ngay sau đó.

  Như Sách Nghi Lễ Giám Mục, số 922, nói:  “Vì bàn thờ trở nên thánh thiêng nhất là do việc cử hành Thánh Thể, nên để giữ cho sự việc được đúng nghĩa, hãy tránh cử hành Thánh Lễ nơi một bàn thờ mới chưa được cung hiến, để chính Thánh Lễ cung hiến cũng là Lễ Tạ ơn đầu tiên được cử hành trên bàn thờ ấy” (Bản dịch Việt ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

  Theo những gì ban đọc mô tả cho chúng tôi, tôi nghĩ rằng tôi phải chiều theo phán đoán của cha xứ của bạn. Rõ ràng là cha xét rằng sự cung hiến ban đầu đã không bị mất.  

  Câu hỏi về thánh tích là một câu hỏi khác hơn. Bộ Giáo luật quy định:  

  “Điều 1237 §2. Cần giữ tập truyền lâu đời lưu giữ hài cốt các vị tử đạo hay các thánh khác dưới bàn thờ cố định, theo quy luật của sách phụng vụ” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).

  Sách Nghi Lễ Giám Mục nói chi tiết hơn trong số 866:

  “Nên duy trì truyền thống của phụng vụ Rôma quen đặt hài cốt các Tử Đạo và các Thánh dưới bàn thờ. Nhưng phải chú ý những điều sau đây :

  “a) Hài cốt muốn đặt phải to đủ để có thể hiểu được đó là những phần của thân thể con người. Do đó phải tránh đặt những hài cốt nhỏ quá của một hay nhiều vị thánh.

  “b) Phải rất cẩn thận xét xem hài cốt đó có chân thực không. Thà rằng cung hiến một bàn thờ không có hài cốt, còn hơn đặt dưới bàn thờ những hài cốt không đáng tin.

  “c) Không được đặt hộp đựng hài cốt trên bàn thờ hay trong mặt bàn thờ, nhưng tùy theo kiểu bàn thờ, hãy đặt nó ở dưới mặt bàn thờ” (Bản dịch Việt ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

  Vì vậy, cần hiều rằng việc đặt thánh tích dưới một bàn thờ cần phải có ý nghĩa nhất định.

  Các quy định trên đây cũng loại trừ một cách rõ ràng phong tục tập quán trong các thế kỷ gần đây của việc chèn thánh tích vào một khoang đặc biệt được tạo ra trong bàn (mensa) của một bàn thờ hoặc đá bàn thờ. Tất nhiên, quy định không yêu cầu loại bỏ thánh tích, nếu đã có ở đó.  

  Các quy định cũng có nghĩa rằng không còn được phép đặt thánh tích trong đáy của bàn thờ di động.

  Do đó, bởi vì cần có một số thánh tích quan trọng bậc nhất của một thánh nhân, bàn thờ đã được cung hiến, và thánh tích không còn cần có nữa, tôi sẽ nói rằng Giám mục sẽ không cho phép bàn thờ được tu sửa, để chèn thánh tích vào bên dưới bàn thờ nữa.  

  Các nghi thức thông thường không tiên liệu bất kỳ buổi lễ nào để đặt một thánh tích vào bàn thờ đã cung hiến, nhưng chỉ trong một bàn thờ mới.

  Điều này đôi khi xảy ra nhưng rất hiếm – thí dụ, khi thánh tích của một tân chân phước hay của một vị thánh mới, được đặt dưới một bàn thờ đã có trước đó. Tuy nhiên, các nghi thức này thường không được thực hiện trong riêng tư, như trường hợp khi các Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII và Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được đặt tại các địa điểm hiện tại của các ngài dưới các bàn thờ có sẵn, trong Vương Cung Thánh Đường thánh Phêrô. Các bàn thờ này, theo tôi biết, đều không được tái cung hiến.  

  Tuy nhiên, nếu cha xứ của bạn có được một thánh tích có ý nghĩa lớn, đến nỗi phải cần xây một bàn thờ mới, và thậm chí có thể có sự thay đổi tên thánh bổn mạng mới cho nhà thờ nữa, thi nghi thức cần được tuân theo sẽ là Sự Cung hiến Bàn thờ, như được mô tả trong các số 918-953 của Sách Lễ Nghi Giám Mục, và các chương 4 và 6 của Nghi thức cung hiến một Nhà thờ và một Bàn thờ.  

  Ngoài ra, có nhiều cách khác để tôn kính các thánh tích các thánh trong nhà thờ, mà không cần đặt chúng dưới bàn thờ. Hướng dẫn năm 2002 về “Lòng Đạo đức Bình dân và Phụng vụ” có các chỉ dẫn sau đây:

  “236. Công đồng chung Vatican II nhắc lại rằng “các Thánh đã được tôn kính theo truyền thống trong Hội Thánh, và hài cốt thật sự và ảnh tượng của các ngài được lưu giữ trong sự tôn kính”. Thuật ngữ “hài cốt các Thánh” chủ yếu biểu thị thân thể – hay các phần quan trọng của thân thể – của các thánh, các ngài như là thành viên đặc biệt của Nhiệm Thể của Chúa Kitô và là Đền Thờ Chúa Thánh Thần (xem 1 Cr 3,16; 6, 19; 2 Cr 6, 16) do sự thánh thiện anh hùng của các ngài, giờ đây đang ở trên Thiên Đàng, nhưng từng đã sống một thời trên trái đất này. Các đồ vật thuộc về các thánh, như vật dụng cá nhân, quần áo, và bản thảo, cũng được coi là các thánh tích, cũng như các đồ vật đã chạm vào thân xác các ngài hay ngôi mộ các ngài, như dầu, vải, và tranh ảnh.

  “237. Sách lễ Rôma (Missale Romanum) tái khẳng định tính hợp pháp của ‘việc đặt thánh tích của các Thánh dưới bàn thờ, vốn được cung hiến, ngay cả khi không phải là thánh tích của các thánh tử đạo’. Thói quen này cho thấy ý nghĩa rằng sự hy sinh của các thành viên này có nguồn gốc của nó trong Hy tế của bàn thờ, đồng thời tượng trưng sự hiệp thông với hy tế của Chúa Kitô của toàn thể Hội Thánh, vốn được kêu gọi làm chứng, thậm chí cho đến cái chết, lòng trung thành với Chúa và Hiền thê của Chúa.

  “Nhiều tục lệ bình dân đã được liên kết với biểu hiện phượng tự này một cách rõ rệt. Các tín hữu tôn kính sâu sắc thánh tích của các Thánh. Một hướng dẫn mục vụ thích hợp của các tín hữu về việc sử dụng các thánh tích sẽ không bỏ qua các điều sau:

  “- đảm bảo tính xác thực của các thánh tích được trưng bày cho sự tôn kính của tín hữu; nơi đâu có các thánh tích nghi ngờ đã được trưng bày cho sự tôn kính của tín hữu, người ta nên kín đáo cất thánh tích ấy đi với thận trọng mục vụ cần có;

  “- ngăn chặn sự phân nhỏ không hợp lý các thánh tích thành các mảnh nhỏ, bởi vì sự thực hành như thế là không phù hợp với sự tôn trọng thân xác con người; các quy chế phụng vụ quy định rằng các thánh tích phải có “kích thước đủ lớn để cho thấy rằng đó là các phần của thân xác con người”;

  “- nhắc nhở các tín hữu chống lại sự cám dỗ để thực hiện việc sưu tập các thánh tích; trong quá khứ, sự thực hành này đã có một số hậu quả đáng tiếc;

  “- ngăn chặn bất kỳ khả năng gian lận, buôn bán, hoặc mê tín dị đoan nào về thánh tích.

  “Các hình thức khác nhau của lòng tôn kính bình dân đối với các thánh tích, như hôn kính, trang trí với ánh sáng và hoa, mang thánh tích đi rước kiệu, không loại trừ khả năng đem các thánh tích tới với người bệnh và người hấp hối, để an ủi họ, hoặc sử dụng sự cầu bầu của các Thánh để xin chữa lành bệnh. Các việc này phải được tiến hành với sự xứng đáng phải có, và phải được tác động bởi đức tin. Thánh tích của các Thánh không nên được trưng bày trên bàn thờ, bởi vì bàn thờ là dành cho Mình và Máu của Vua các Thánh Tử đạo”. (Zenit.org 7-8-2018)

Nguyễn Trọng Đa

 

Comments are closed.