[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 12,1-8″]
Hôm ấy, vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. Người Pha-ri-sêu thấy vậy, mới nói với Đức Giê-su: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát!” Người đáp: “Các ông chưa đọc trong sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa-bát mà không mắc tội đó sao? Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa-bát.”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
NGÀY CHÚA NHẬT – NGÀY CỦA CHÚA
“Con Người làm chủ ngày sabat” (Mt 12,8).
Đối với người Do Thái, ngày sabat là ngày hưu lễ, ngày nghỉ ngơi. Ngoài giá trị nhân bản, ngày sabat hướng tới ý nghĩa tôn giáo, để tưởng nhớ biến cố giải phóng khỏi Ai Cập và để tưởng nhớ công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Luật giữ ngày sabat chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống tôn giáo của họ. Vào thời Chúa Giêsu, việc giữ ngày sabat đã bị các kinh sư và biệt phái diễn giải theo lối vụ luật, khiến cho việc cử hành ngày sabat trở nên nặng nề, nghiêm nhặt. Với họ, việc chữa một người bị bại tay (x. Mc 3,1-6) hay bứt một bông lúa ăn lúc đói cũng là vi phạm luật. Chúa Giêsu không phủ nhận việc giữ ngày sabat, nhưng Ngài giúp cho các kinh sư và biệt phái hiểu rõ ý nghĩa của ngày sabat. Ngày sabat được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabat (x. Mc 2,27), Con Người làm chủ ngày sabat (x. Mt 12,8). Với ý nghĩa này, những thực hành đã nên trọn nơi ngày Chúa Nhật, ngày của Chúa. Chúa Giêsu chỉ muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, Ngài muốn chúng ta sống đúng tinh thần ngày Chúa Nhật, tức là sống trọn vẹn cho Chúa và cho tha nhân.
Thế nhưng, trong một thế giới bị tục hoá, ngày Chúa Nhật chỉ còn thuần tuý là một ngày vui chơi, giải trí. Nhiều người Công Giáo dám bỏ việc thờ phượng Thiên Chúa để chỉ thoả mãn cái bụng, và những đam mê của mình. Một số người cho việc đến nhà thờ là mất giờ, mất sức, chẳng được ích gì. Số khác vẫn vùi đầu, vùi người vào công việc. Thử hỏi, chúng ta đang làm chủ ngày Chúa Nhật hay đang bị nô lệ? Thế nên, trong các hình thức văn hoá và giải trí mà xã hội cung cấp, chúng ta cần biết phân định và khôn ngoan lựa chọn để ngày Chúa Nhật thực sự là ngày của Chúa. Khi dám sống trọn vẹn, quảng đại dành thời gian cho Chúa và cho tha nhân, chúng ta sẽ thấy ngày Chúa Nhật cũng là “ngày của con người” theo nghĩa đích thực nhất.
Lạy Chúa, xin cho niềm vui của ngày Chúa Nhật – ngày Chúa Phục Sinh, thúc đẩy chúng con giữ ngày của Chúa trong niềm vui nội tâm sâu xa. Amen.
[/loichua]