Tương Quan Giữa Thánh Thể và Thánh Ân Linh Mục

Lts. Thánh Bộ Giáo Sĩ, qua văn kiện ‘Kim Chỉ Nam về Tác Vụ và Đời Sống Linh Mục’[1] trong khi khẳng đinh ‘Mình Máu Thánh (…) tái sinh nhân loại’, đã trích lời Thánh Phanxicô thành At-xi-di để trình bày mối tương quan độc đáo giữa Thánh Thể và Linh mục: ‘Từ nơi Con Thiên Chúa tối cao, tôi không còn thấy gì là quý giá trong thế gian này ngoại trừ Mình Máu chí thánh của Người, được các linh mục đón nhận và trở nên những thừa tác viên duy nhất’.

Giáo huấn này được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI quan tâm và trình bày sâu sắc trong Thánh lễ và Kiệu Thánh Thể từ Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Latêranô đến Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả, ngày 03 tháng 6 năm 2010.

Anh chị em thân mến,

Thánh ân Linh mục của Tân Ước nối kết chặt chẽ với Bí tích Thánh Thể. Vì lý do đó, đại lễ Mình và Máu Thánh Chúa hôm nay và nhất là ở thời điểm kết thúc năm Linh mục, chúng ta được mời gọi suy niệm mối liên hệ giữa Bí tích Thánh Thể và chức Linh mục của Chúa Kitô. Chúng ta được hướng dẫn theo bài Thánh Thư thứ nhất và Thánh vịnh đáp ca trình bày nhân vật Melkixêđê. Đoạn văn ngắn từ sách Sáng Thế (x. 14:18-20) nói rằng Melkixêđê, Vua Salem, là ‘Linh mục của Chúa Tối Cao’ và vì vậy ông ‘mang ra bánh và rượu’ và ‘chúc phúc cho Abram’, người vừa chiến thắng trở về. Chính Abram dâng tặng Melkixêđê phần mười mọi sự. Trong vần thơ cuối, Thánh vịnh dùng từ ngữ long trọng, chính Chúa thề hứa và công bố vị Vua-Mêsia: ‘Muôn thuở, Con là Linh mục theo phẩm trật Melkixêđê’ (Tv. 110:4). Như vậy Đấng Mêsia được công bố không những là Vua mà còn là Linh mục. Từ đoạn văn này, tác giả thơ gởi tín hữu Do-thái khai triển giải thích mạch lạc và chúng ta nghe âm vang trong câu điệp ca: Chúa Kitô là ‘Linh mục đời đời’. Đây là lời tuyên tín mang ý nghĩa đặc biệt trong đại lễ hôm nay. Đó là niềm hân hoan của cộng đồng, của toàn thể Giáo hội mà khi chiêm ngưỡng và thờ phượng Nhiệm Tích Cực Thánh, Giáo hội nhìn nhận sự hiện diện thực sự và liên lỉ của Chúa Giêsu, vị Linh mục Cao Cả Đời Đời.

Bài Thánh Thư thứ hai và Tin Mừng lại tập trung vào mầu nhiệm Thánh Thể. Bài trích thư gởi tín hữu Côrintô là đoạn văn căn bản trong đó thánh Phaolô giúp cộng đoàn hồi tưởng ý nghĩa và giá trị của ‘Bữa Ăn Tối’ của Chúa mà thánh Tông đồ đã truyền dạy cho khỏi nguy cơ quên lãng. Tiếp theo, Tin Mừng theo thánh Luca tường thuật phép lạ bánh và cá: một dấu chỉ được chứng thực bởi tất cả các thánh sử viết Tin Mừng và tiên báo hồng ân Chúa Kitô lấy chính Mình ban tặng sự sống đời đời cho toàn thể nhân loại. Cả hai bản văn làm nổi bật lời nguyện cầu của Chúa Kitô trong hành vi bẻ bánh. Quả nhiên có khác biệt về hai thời điểm: khi Chúa bẻ bánh và chia cá cho đám đông, Chúa tạ ơn Cha trên trời với lòng tín nhiệm nơi Cha về sự quan phòng chẳng để dân chúng đói khổ. Trong Bữa Tối Sau Cùng, Chúa Giêsu biến bản thể bánh rượu trở nên Mình và Máu Chúa để các Tông đồ được dưỡng nuôi và sống thông hiệp thật sự và thiết thân với Chúa.

Điều đầu tiên luôn luôn cần ghi nhớ là Chúa Giêsu không phải là Linh mục theo truyền thống Do-thái. Chúa không xuất thân từ một gia đình tư tế. Chúa không thuộc dòng tộc Aaron mà đúng hơn thuộc dòng tộc Giuđa và bởi đó luật pháp ngăn trở Người tiến tới chức tư tế. Chính Đức Giêsu Nazareth và các hoạt động của Người không theo hướng làm sống lại các tư tế cựu ước nhưng làm sống lại các tiên tri. Trong đường lối này Chúa Giêsu không chấp nhận quan niệm tôn giáo lễ nghi hình thức, nhưng phê phán cơ chế coi trọng phép tắc nhân loại về nghi lễ thanh tẩy hơn là tuân giữ những điều răn Đức Chúa truyền dạy: rõ ra, là yêu mến Thiên Chúa và người thân cận, như Chúa nói, ‘là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ’ (Mc. 12:33). Ngay trong đền thánh Giêrusalem, một nơi thánh đúng nghĩa, Chúa Giêsu đã làm một cử chỉ tiên tri khi Người đánh đuổi những người đổi chác tiền bạc và bán buôn thú vật, là những thứ cung cấp cho việc dâng hiến và tế lễ theo truyền thống. Như vậy Chúa Giêsu tự tỏ mình không như một tư tế nhưng đúng hơn như một tiên tri và như Đấng Mêsia. Ngay cả trong cái chết, mà Kitô hữu gọi rất đúng là một ‘hy lễ’, thì cũng không liên quan gì tới hy tế xưa. Cuối cùng, sự việc hoàn toàn ngược lại là cuộc xử tử bằng bản án đóng đinh thập tự là sự trừng phạt nhơ nhớp nhất, diễn ra ngoài thành Giêrusalem.

Như vậy, Chúa Giêsu là Linh mục theo nghĩa nào? Chính bí tích Thánh Thể dạy chúng ta. Chúng ta khởi sự với lời lẽ đơn sơ miêu tả Melkixêđê: ‘Ông mang ra bánh và rượu’ (St. 14:18). Chúa Giêsu đã làm như vậy trong Bữa Tối Sau Hết: Người dâng tiến bánh và rượu và hành vi này tổng kết toàn bộ cuộc đời và sứ vụ của Người. Cử chỉ ấy, lời nguyện cầu trước đó và những lời trên bánh rượu chứa đựng trọn vẹn ý nghĩa mầu nhiệm Chúa Kitô, như thơ gởi tín hữu Do-thái diễn tả trong đoạn văn quan trọng ta nên trưng dẫn. Tác giả viết về Chúa chúng ta: ‘Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã  phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người, vì Người đã được Thiên Chúa tôn xưng là Thượng Tế theo phẩm trật Melkixêđê’ (5:8-10). Trong bản văn này, qua cơn hấp hối tâm hồn được gợi lên tỏ tường, cuộc thương khó của Chúa Kitô được trình bày như một lời cầu nguyện và hy tế. Chúa Giêsu đối diện ‘giờ’ của Chúa, giờ đưa Chúa đến cái chết trên thập tự, cái chết ngập tràn nguyện cầu sâu thẳm bắt nguồn từ sự vuông tròn thi hành Thánh Ý Chúa Cha. Thánh Ý hai-nên-một này là Thánh Ý-Yêu Thương. Được thấm nhuần lời nguyện cầu này, cuộc thương khó bi ai Chúa Giêsu gánh chịu trở thành lễ dâng, thành hy tế ban sự sống.

Thơ Do thái nói Chúa Giêsu ‘đã được nhậm lời’, ‘được nhậm lời’ theo nghĩa nào? Theo nghĩa Chúa Cha giải thoát Người khỏi chết và phục sinh Người. Chúa Giêsu được nhậm lời tỏ tường vì Chúa đã buông mình hoàn toàn theo Thánh Ý Chúa Cha: kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa đã được thành tựu hoàn hảo nơi Người vì Người đã vâng phục đến cùng, đến chết trên thập tự, trở nên ‘nguồn ơn cứu độ’ cho tất cả những ai tùng phục Người. Nói khác, Người trở nên Linh mục Cao Cả vì đã gánh tất cả tội lỗi nhân loại như ‘Con Chiên của Thiên Chúa’. Chính Chúa Cha trao ban cho Người phẩm chức Linh mục đúng vào lúc Người vượt qua cái chết mà sống lại. Chúa Giêsu là Linh mục không theo luật Môsê (x. Lev. 8-9), nhưng theo ‘phẩm trật Melkixêđê’, theo phẩm trật tiên tri, tùy thuộc trọn vẹn vào mối tương quan đặc biệt của Người với Thiên Chúa.

Chúng ta cùng trở về lời thơ gởi tín hữu Do thái: ‘Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã  phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục’. Phẩm chức Linh mục của Chúa Kitô kéo theo đau khổ. Chúa Giêsu đã thực sự đau khổ vì chúng ta. Người là Con Thiên Chúa và chẳng cần học vâng phục, còn chúng ta thì cần, rất cần học và cần luôn luôn học vâng phục. Do đó Chúa Con đã đón nhận nơi Mình nhân tính chúng ta và vì chúng ta, Chúa đặt Mình học vâng phục trong chính đau khổ, để Mình biến đổi bởi khổ đau như hạt lúa miến phải chết đi trong lòng đất để mang lại hoa trái. Bằng tiến trình đó Chúa Giêsu ‘được làm cho  thành toàn’, tiếng Hy-lạp gọi là ‘teleiotheis’. Chúng ta phải dừng lại một chút để suy tư trên từ ngữ này vì nó rất quan trọng. ‘Teleiotheis’ được dịch chính xác là ‘được làm cho thành toàn’, từ này có ngữ căn động từ mà bộ Ngũ Thư là năm tập đầu tiên của Kinh Thánh tiếng Hy-lạp luôn luôn dùng với ý nghĩa thánh hiến các tư tế xưa. Khám phá này rất giá trị vì cho ta biết với Chúa Giêsu, Khổ nạn là cuộc thánh hiến thành Linh mục. Chúa không phải là Linh mục theo Lề luật nhưng trở nên Linh mục bằng cuộc đời (existentially) ‘Vượt Qua’ xuyên qua Khổ nạn, Chết và Sống lại: Người hiến mình chuộc tội nhân loại và Chúa Cha tôn vinh Người trên hết các tạo vật, làm cho Người trở nên Đấng Trung Gian cứu độ phổ quát.

Chúng ta tiếp tục suy niệm phép Thánh Thể là tâm điểm của cuộc tập hợp phụng vụ. Trong phép Thánh Thể Chúa Giêsu cử hành trước cuộc hy tế của Người, cuộc hy tế không là lễ nghi nhưng là hy tế chính Mình Người. Trong Bữa Tối Ly Biệt Người hành động bởi ‘Thần Trí hằng hữu’ theo đó Người sẽ dâng Mình trên Thập Tự (x. Dt. 9:14). Trong khi tạ ơn và chúc tụng, Chúa Giêsu biến đổi bánh và rượu. Chính tình yêu Thiên Chúa biến đổi chúng: trong tình yêu đó mà Chúa Giêsu chấp nhận hiến ban trọn vẹn chính Mình cho chúng ta và được cử hành trước trong bữa tiệc thánh. Tình yêu này phải là Thánh Thần, Thánh Thần của Cha và Con thánh hiến bánh và rượu và biến bản thể bánh rượu nên Mình và Máu Chúa, làm cho hiện diện trong Bí tích cùng một cuộc hy tế sẽ được hoàn thành đẫm máu trên Thập Tự. Vì vậy chúng ta có thể kết luận rằng Chúa Kitô là Linh mục thực sự và nguồn cội ân phúc vì Người đầy quyền lực Thánh Thần, sung mãn tình yêu Thiên Chúa biểu lộ tỏ tường ‘trong đêm Người bị phản bội’, tỏ tường ‘trong giờ…của bóng tối’ (Lc. 22:53). Chính quyền lực Thiên Chúa này, quyền lực thực hiện cuộc Nhập Thể của Ngôi Lời, quyền lực biến đổi bạo lực dã man và bất công bóc lột thành hành động tình yêu và công chính tuyệt hảo. Đây là hoạt động của Chúa Kitô Linh mục mà Giáo hội được kế thừa và phát huy suốt dòng lịch sử, trong phẩm chức linh mục mang hai phương diện, chức linh mục cộng đồng của mọi tín hữu đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy và chức linh mục thừa tác nhằm để biến đổi thế giới trong tình yêu Thiên Chúa.

Nào tất cả chúng ta, các linh mục và tín hữu, được dưỡng nuôi bằng cùng một Thánh Thể, chúng ta hãy tôn thờ Thánh Thể vì đó là chính Đấng là Thầy và là Chúa của chúng ta hiện diện, là Thân Mình Chúa thật sự, là Tế phẩm và là Linh mục, nguồn ơn cứu độ của thế giới. Hãy đến, chúng ta hãy ca vui reo mừng! Hãy đến, chúng ta thờ lạy Người! Amen.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI

Linh mục Gioan chuyển ngữ

Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc.


[1] Bộ Giáo Sĩ, Kim Chỉ Nam về Tác Vụ và Đời Sống Linh Mục, Ấn bản mới 2013, Ủy Ban Giáo Sĩ-Chủng Sinh HĐGMVN, bản dịch ĐCV Huế, Nxb. Tôn Giáo. 2014, tr. 8.

Comments are closed.