Thứ Tư tuần XXIV Thường Niên – Ngày 20/9/2023

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 7,31- 35″]

“Vậy tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói: “Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không khóc than”. Thật vậy, ông Gioan Tẩy giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ông bảo: “Ông ta bị quỷ ám”. Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo: “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi”. Nhưng Đức Khôn Ngoan đã được tất cả con cái mình biện minh cho”

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

SỰ TỰ PHỤ DẪN ĐẾN SỰ MÙ QUÁNG

“Vậy tôi phải ví người thế hệ này với ai, họ giống ai?” (Lc 7,31)

Câu hỏi mà Chúa Giêsu đưa ra toát lên một sự xót xa, đau lòng trước những kẻ không chấp nhận giáo huấn của Chúa cũng như giáo huấn của các bậc ngôn sứ trước Ngài.

Đức Giêsu so sánh họ với bọn trẻ ngoài chợ không hiểu biết gì về sự khôn ngoan và tình yêu của Thiên Chúa. Cụ thể, Gioan Tiền Hô đến để kêu gọi tâm tình ăn năn sám hối, bằng đời sống khổ chế thì họ lại cho rằng ông bị quỷ ám. Còn Chúa Giêsu, Người đến sống hòa mình với mọi người để chia sẻ, kể cả đồng bàn với những người thu thuế, tội lỗi … thì họ lại cho là Người làm bạn với quân thu thuế và phường tội lỗi. Với họ, một đời sống “đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài” (Mt 23,5), “đọc kinh cầu nguyện lâu giờ” (Mt 23, 14) thì mới là “đắc đạo”, mới là công chính thực sự. Chính sự tự phụ này mà họ không đón nhận được cái mới, sức sống mới do chính Ngôi Lời Thiên Chúa đem lại. Bao lâu con người tự phụ cho mình là nhất thì những cái hay khác, dù hay đến đâu, quí đến mấy đối với họ cũng chẳng là gì. Qua đó, chúng ta thấy được một bài học là: sự cố chấp, sự tự mãn sẽ dẫn con người đến mù quáng và loại trừ tất cả.

Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu mang hai đường lối khác nhau: một đàng là khổ chế, không ăn uống để tỏ tâm tình thống hối; một đàng cùng đồng bàn với những người tội lỗi và người thu thuế để chia sẻ tình thương cứu độ, nhưng đều cùng một hướng đến là loan báo thời cứu độ đã đến. Khi suy gẫm điều này, chúng ta được mời gọi nhìn thẳng vào bản thân, trung thực tự hỏi: Tôi có đang rơi vào hoàn cảnh như người Do thái tự phụ thời Chúa Giêsu để đánh giá, nhận xét về anh chị em mình hay không? Với sự tự phụ, chúng ta rất dễ có những lời chê bai, sự ganh tị, hiềm khích với những người xung quanh. Chúng ta dễ làm theo cảm tính riêng, gây ra chia rẽ, ghen ghét lẫn nhau. Như thế, chúng ta đang làm “méo mó” hình ảnh của một Giáo hội hiệp hành. Hơn nữa, là con cái của Chúa, chúng ta được mời gọi minh chứng cho đường lối của Người. Đó là sứ mệnh cao cả cũng không ít khó khăn của mỗi Kitô hữu. Điều này đòi buộc chúng ta phải là những người đang “đồng điệu” với sứ điệp của Người.

“Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được sống” (Ed 18,23). Xin Chúa cho chúng con biết khiêm nhường và can đảm vượt qua sự tự phụ của bản thân để biết mở lòng đón nhận những giáo huấn của Chúa, nhờ đó, chúng con biết làm điều tốt, làm điều thiện hảo cho hết mọi người xung quanh chúng con cho dầu họ là ai. Xin cho chúng con biết nhạy cảm trước những việc tông đồ, luôn ý thức làm vì danh Chúa và phục vụ tha nhân. Biết lắng nghe và thực hành lời Chúa là điều tốt nhất mà chúng con có thể làm”Amen.

[/loichua]

Comments are closed.