Thứ Tư Tuần XIII Mùa Thường Niên – LỄ THÁNH TÔMA TÔNG ĐỒ – Ngày 03/07/2024

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 5,1-20″]

Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

THẤY VÀ TIN

“Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28)

Mỗi khi mừng kính các thánh Tông Đồ, chúng ta có dịp để suy nghĩ về đời sống của các ngài qua hai điểm: kinh nghiệm cá nhân về Chúa Giêsu và chứng tá đời sống đức tin.

Trong các trình thuật về biến cố phục sinh của Tin Mừng Gioan (Ga 21,1-29), chúng ta thấy có hai động từ thường được sử dụng là thấy và tin: Gioan nhìn vào ngôi mộ trống, ông đã thấy và đã tin; Mađalêna vui mừng kể lại với các môn đệ việc bà đã thấy Chúa; được Chúa hiện ra, các môn đệ liền kể lại cho Tôma việc các ngài đã thấy Chúa. Như thế, việc Tôma đòi hỏi được thấy những dấu đinh của Chúa cũng là một điều dễ hiểu. Đúng là Tôma có cứng lòng tin như điều Chúa Giêsu đã nói, nhưng gán cho Tôma cái mác là kém tin thì xem ra hơi oan ức cho ngài.

“Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”(Ga 20,25). Chúng ta thấy, ngay trong lời đòi hỏi của Tôma đã để ngỏ cho điều mà ông tin. Nói theo một cách khác, nếu được thấy, Tôma sẽ tin. Điều này khác hẳn những người ở Athêna, khi Phaolô nói về việc sống lại, thì họ đã từ chối chẳng muốn nghe (x. Cv 17,32). Tôma thì khác, dù cứng lòng nhưng ông luôn mở lòng để đón nhận đức tin. Sau khi được thấy Chúa, Tôma đã xác tín niềm tin một cách mạnh mẽ: “Lạy Chúa con, Lạy Thiên Chúa của con.” Hai mệnh đề trong một lời tuyên xưng giúp chúng ta thấy mối liên hệ của việc thấy và tin. Tôma thấy “Chúa” và ông tin Người là “Thiên Chúa”.

Đức tin là một ân ban của Thiên Chúa. Tuy nhiên, đức tin không được hiểu như là món quà từ trên trời rớt xuống. Người ta không thể tin Chúa, nếu như chưa được nghe về Chúa, được thấy Chúa. “Thấy” ở đây không chỉ được hiểu là đôi mắt nhìn ngắm, nhưng còn là đôi tai lắng nghe, con tim cảm nhận, và cuộc sống kinh nghiệm sự hiện diện của Chúa. Niềm tin là một hành trình kinh nghiệm về Chúa. Thánh Tôma đã từng ở với Chúa suốt ba năm. Ngài đã thiết lập một kinh nghiệm cá nhân về Chúa. Niềm tin vào Chúa cũng lớn dần theo những kinh nghiệm riêng của ngài. Và khi niềm tin đã được xác tín, ngài sẵn sàng ra đi để làm chứng cho niềm tin. Thánh Tôma, sau khi xác tín niềm tin của mình, ngài đã đến Ấn Độ để làm chứng cho niềm tin. Đó chính là đặc điểm thứ hai trong đời sống của các thánh tông đồ, cách riêng là thánh Tôma mà chúng ta mừng kính hôm nay.

Chúa Giêsu nói: “Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 20,29). Còn thánh Phaolô nói với chính mình trong tâm thế của một người đã tin: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Việc rao giảng tin mừng là nền tảng của niềm tin Kitô giáo. Nói cách khác, người ta có quyền nghi ngờ niềm tin của một người, nếu người đó không rao giảng Tin Mừng. Tất nhiên, một sự hiện diện đậm chất tin mừng cũng đủ nói lên tinh thần rao giảng tin mừng rồi.

“Lạy Chúa, chúng con thật là những người có phúc vì đã tin vào Chúa. Xin cho chúng con biết diễn tả niềm tin ấy trong đời sống thường ngày của chúng con, để niềm tin của chúng con trở nên dấu chỉ cho mọi người nhận ra sự hiện diện của Chúa.”

[/loichua]

Comments are closed.