Thứ Tư Tuần Thánh Mùa Chay – Ngày 16/04/2025

Lời Chúa: Mt 26,14-25

Khi ấy, một trong nhóm Mười Hai tên là Giuđa Iscariô, đi gặp các thượng tế và thưa với họ: “Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi nộp Người cho các ông?” Họ liền ấn định cho ba mươi đồng bạc. Và từ đó, hắn tìm dịp thuận tiện để nộp Người.

Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn Bánh không men, các môn đệ đến thưa Chúa Giêsu rằng: “Thầy muốn chúng con sửa soạn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua ở đâu?” Chúa Giêsu đáp: “Các con hãy vào thành đến với một người kia, và nói rằng: Thầy bảo, giờ Ta đã gần, Ta sẽ mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ tại nhà ông”. Các môn đệ làm như Chúa Giêsu đã truyền và sửa soạn Lễ Vượt Qua. Chiều đến, Người ngồi bàn ăn với mười hai môn đệ. Và khi các ông đang ăn, Người nói: “Thầy nói thật với các con: có một người trong các con sẽ nộp Thầy”. Môn đệ rất buồn rầu và từng người bắt đầu hỏi Người: “Thưa Thầy, có phải con không?” Người trả lời: “Kẻ giơ tay cùng chấm vào đĩa với Thầy, đó chính là kẻ sẽ nộp Thầy. Thật ra, Con Người sẽ ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người, thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!” Giuđa kẻ phản bội cũng thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có phải con chăng?” Chúa đáp: “Ðúng như con nói”.

 

SỰ CỐ CHẤP TRONG CÁI TÔI GIUĐA

Giuđa kẻ phản bội cũng thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có phải con chăng?” Chúa đáp: “Ðúng như con nói” (Mt 26,25).

Con người thường bị cuốn hút và ràng buộc bởi những lợi ích và giá trị trần thế. Vì thế, trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, nhiều người cũng cho rằng vì tiền mà Giuđa đã vô ơn, phản bội và bán Thầy mình. Tuy nhiên, tiền không phải là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự phản bội ấy. Chính cái tôi của Giuđa mới là cội rễ thực sự. Sự phản bội là hệ quả của sự cứng lòng, cứng dạ và không chịu hoán cải.

Trong những ngày đầu của Tuần thánh, chúng ta được nghe nhắc lại nhiều lần về một người môn đệ phản bội Chúa là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt. Sự lặp lại nhiều lần này khiến cho sự phản bội không còn là một sự bất ngờ mà nó chỉ chờ đến thời điểm thuận tiện để xảy ra. Ngay cả khi, chính Chúa Giêsu lên tiếng cảnh báo về sự phản bội này trong bữa Tiệc ly thì vẫn không lay động được quyết định của Giuđa. Dù Người biết rõ lòng dạ Giuđa, nhưng thay vì vạch trần, Người nhắc nhở để ông có cơ hội ăn năn khi Chúa nói: “Có một người trong các con sẽ nộp Thầy” (Mt 26,21). Giuđa biết rõ ý định của mình nhưng vẫn giả vờ hỏi: “Thưa Thầy, có phải con chăng?” (Mt 26,25). Điều này cho thấy sự cứng lòng và giả dối của ông. Chúa không kết án ngay, mà nhẹ nhàng xác nhận: “Đúng như con nói”. Đó không chỉ là lời khẳng định, mà còn là một cơ hội cuối cùng để Giuđa suy xét lại. Không chỉ vậy, Người còn nói một lời cảnh báo đầy đau đớn, cho thấy hậu quả nghiêm trọng mà Giuđa sẽ phải gánh chịu: “Khốn cho kẻ nộp Con Người; thà người đó đừng sinh ra thì hơn” (Mt 26,24). Tuy nhiên, với cái tôi cứng cỏi, Giuđa đã khép lòng mình, không đón nhận lời cảnh tỉnh của Chúa và vẫn cố chấp phản bội Thầy mình. Sự chai lì của Giuđa không phải là kết quả của một phút yếu lòng nhưng là hậu quả của một quá trình để cái tôi và lòng tham điều khiển. Giuđa đã lao thẳng vào con đường tối tăm và như thế là tự quay lưng lại với ánh sáng của lòng thương xót.

Câu chuyện của Giuđa là hồi chuông cảnh tỉnh cho mỗi người chúng ta. Trong đời sống, đôi khi chỉ vì danh vọng, lợi ích cá nhân, chúng ta làm ngơ trước những lời cảnh tỉnh của Chúa qua những người xung quanh ta. Cái tôi cứng cỏi khiến ta khó nhận ra lỗi lầm, không muốn thay đổi và biện minh cho những hành vi sai trái của mình. Những lúc ấy, chúng ta đặt cái tôi của mình làm trung tâm. Nó chi phối tất cả con người ta. Cái tôi trở thành điểm xuất phát và đích đến cho mọi quyết định trong cuộc sống, khiến cho mọi quy chuẩn không còn phát xuất và quy hướng về Chúa nữa. Điều này khiến chúng ta xa rời Thiên Chúa, gây nguy hại đến mối tương quan của ta với Thiên Chúa, và giữa ta với tha nhân. “Lòng thương xót của Thiên Chúa không có giới hạn, nhưng ai cố tình từ chối đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa qua việc thống hối, thì người đó cũng khước từ ơn tha thứ tội lỗi cho mình và ơn cứu độ do Chúa Thánh Thần ban tặng. Sự cứng lòng như vậy có thể đưa tới chỗ không thống hối trong giờ sau hết và bị án phạt muôn đời.” (GLHTCG, số 1864)

Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta biết khiêm nhường nhận ra sự yếu đuối và tội lỗi của mình, để luôn sẵn sàng mở lòng đón nhận sự dạy dỗ của Người, hoán cải bản thân và bước đi trên con đường thánh thiện.
Lạy Chúa, Chúa luôn yêu thương, sẵn sàng tha thứ và chờ đợi chúng con quay về. Thế nhưng, đã bao lần chúng con để lòng mình bị chi phối bởi cái tôi kiêu căng khiến chúng con làm ngơ trước những lời nhắc nhở của Chúa, cứng lòng không chịu hoán cải, và lạc xa tình yêu Chúa. Xin Chúa giúp chúng con nhận ra sự yếu đuối của bản thân, để hoán cải quay về với Chúa bằng một tấm lòng chân thành. Xin đừng để con rơi vào bóng tối của sự chai lì, nhưng luôn mở lòng trước lời mời gọi yêu thương và tha thứ của Chúa.

 

Comments are closed.