Thứ Tư Tuần II Thường Niên – Ngày 17/01/2024

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 3, 1-6″]

Khi ấy, Chúa Giê-su lại vào hội đường và ở đó có một người khô bại một tay. Người ta để ý quan sát xem Chúa có chữa bệnh trong ngày Sa-bát không, để tố cáo Người. Chúa bảo người có tay khô bại rằng: “Ngươi hãy đứng ra giữa đây”. Rồi Người bảo họ: “Trong ngày Sa-bát được làm sự lành hay sự dữ? Ðược cứu sống hay là giết chết?” Nhưng họ thinh lặng. Bấy giờ Người thịnh nộ đưa mắt nhìn họ và buồn phiền vì lòng họ chai đá, Người bảo bệnh nhân rằng: “Hãy giơ tay ra”. Người đó giơ tay ra và tay anh ta được lành. Lập tức, những người biệt phái đi ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hê-rô-đê chống đối Người và tìm cách hại Người

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

LUẬT VÌ THIỆN ÍCH CHO CON NGƯỜI

“Trong ngày Sa-bát được làm sự lành hay sự dữ? Ðược cứu sống hay là giết chết?” (Mc 3,4).

Con người không ai sống cô độc, một mình, nhưng cần có đời sống cộng đoàn, xã hội. Vì sống chung trong cộng đoàn, xã hội, cho nên, con người cần có những nguyên tắc chung, những luật lệ để hướng dẫn và đảm bảo đời sống cộng đoàn theo một trật tự nhằm đem lại thiện ích chung cho từng cá nhân và cả tập thể. Nhưng xem ra trong cuộc sống, con người lại dùng luật lệ làm thước đo, làm mục đích cho các giá trị tương quan. Liệu chúng ta tự hỏi rằng có khi nào chính con người dùng luật để chống lại mục đích của luật hay bóp méo giá trị mà luật nhắm tới?

Trong công cuộc rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu không ít lần gặp những thách thức, chống đối công khai của nhóm Pharisêu, những người đại diện cho tầng lớp sống “vị luật” thời bấy giờ. Cách riêng, trình thuật vừa nghe trong Tin Mừng Máccô là một trong năm cuộc tranh luận gay gắt giữa Chúa Giêsu và người Do Thái về việc giữ luật trong ngày Sabát. Ngày Sabát được coi là ngày Thánh, ngày dành riêng cho Thiên Chúa cho nên bất cứ việc gì cũng không được làm, kể cả đi bộ cũng có giới hạn. Thế nên, chiếu theo luật, việc Chúa Giêsu chữa người bại tay trong ngày Sabát bị coi là một vi phạm trầm trọng đối với luật ngày Sabát. Trước sự kiện đó, Chúa Giêsu muốn người Do Thái nhìn thẳng vào vấn đề và nhận ra vấn đề của họ: “Trong ngày Sa-bát được làm sự lành hay sự dữ? Ðược cứu sống hay là giết chết”. Thật vậy, câu hỏi của Chúa Giêsu đặt ra để chất vấn lương tâm và dẫn dắt họ lần về ý nghĩa ban đầu của luật mà Thiên Chúa đã đặt để trong tâm hồn con người. Khi đối diện với lương tâm, họ không dám trả lời. Làm sao trả lời được khi suy nghĩ và hành động của họ đi ngược với lương tâm thúc giục. Họ bị luật bóp nghẹt trong các giáo điều mà họ tự giải thích. Thay vì luật là phương tiện mà Thiên Chúa muốn điều thiện hảo và ích lợi cho con người thì họ dùng nó như mục đích nhắm tới. Vì thế, họ phớt lờ, bỏ qua tiếng nói lương tâm. Điều này nói lên sự chai lì của họ trước lời mời lãnh nhận ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đặt ra. Trước sự thinh lặng cứng lòng của người Do Thái, Chúa Giêsu đã không dửng dưng nhưng “đưa mắt nhìn và buồn khổ” để bày bỏ thái độ không chấp nhận lối sống ấy. Bởi vì nơi Chúa Giêsu, luật đặt ra là để phục vụ con người. Luật tối thượng là con người và tình yêu dành cho con người.

Thực tế cuộc sống hôm nay dường như đặt ra cho con người vô số thứ luật. Nhiều khi con người chỉ biết dùng luật để sử xự với nhau, lấy luật để làm thước đo cho hành vi và tương quan của con người. Chính điều ấy làm cho con người chỉ như cỗ máy đã được lập trình sẵn để thi hành những luật lệ, quy tắc được đặt ra. Hậu quả, con người ngày càng sống vô cảm và lạnh lùng. Cách vô tình, luật trở thành hàng rào ngăn cách con người đến với nhau và đến với Thiên Chúa.

Nếu chúng ta giữ luật thì luật giữ chúng ta. Xin cho chúng ta đi xa hơn nữa trong việc giữ luật là để thực thi tình yêu đối với Chúa và bác ái với anh em mình. Để những luật lệ không trở nên gánh nặng nhưng là con đường dẫn đưa chúng ta tới Chúa và anh em mình.

[/loichua]

Comments are closed.