[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 1,29-39″]
Khi ấy, Chúa Giê-su ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài.
Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám ; và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.
Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng : “Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp : “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
NGƯỜI KITÔ HỮU TRƯỚC NHỮNG ĐAU KHỔ CỦA THA NHÂN
“Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy” (Mc 1,31)
Khi xưa cũng như ngày nay, con người luôn phải đối diện với biết bao đau khổ từ bệnh tật, nghèo đói, chiến tranh, bất công xã hội… Và con người vẫn luôn muốn tìm cho mình một lời giải thích thỏa đáng về vấn đề đau khổ, điều mà không ai mong muốn trong cuộc sống. Thời Cựu Ước, người ta nghĩ rằng đau khổ là hình phạt của Chúa. Chúa Giêsu không chấp nhận quan niệm đó. Người không trả lời cho câu hỏi “tại sao có đau khổ” nhưng Người dạy phải làm gì trước những đau khổ.
Trong bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, thánh Macô cho chúng ta thấy những người đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần bao quanh Đức Giêsu. Người không né tránh nhưng luôn sẵn sàng đưa tay ra để cứu chữa họ dù trời đã xế chiều. Điều này được biểu lộ qua việc Chúa chữa lành cho mẹ vợ ông Phêrô khi đang lên cơn sốt cũng như mọi kẻ ốm đau và bị quỷ ám được đưa đến với Người. Khi nghe biết mẹ vợ ông Phêrô bị sốt, Chúa Giêsu không chỉ dùng lời mà khuyên nhủ nhưng Người “lại gần”, “cầm lấy tay” và “đỡ dậy”. Chúa không đứng xa để an ủi, chữa lành nhưng đến gần và bằng cử chỉ đơn sơ đó bà đã khỏi bệnh và đi phục vụ Người và các môn đệ.
Như thế, trước những đau khổ của tha nhân, Chúa dạy chúng ta không đứng xa, không nói nhiều lời nhưng thể hiện bằng hành động cụ thể. Quả thật, đối với một người đang đau khổ tinh thần hay thể xác, lời an ủi động viên mà không đi với một hành động cụ thể nào thì chỉ khiến họ thêm đau khổ. Vì thế, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi bắt chước hành động và ứng xử của Chúa Giêsu là chúng ta hãy bước ra khỏi mình để đến với họ. Chúng ta đừng đứng trên ban công mà nhìn cuộc đời, đừng nói câu yêu thương bằng miệng, bằng lời nhưng hãy bước xuống hiện diện bên cạnh những người cần chúng ta giúp đỡ. Ngay cả khi chúng ta chẳng có thể làm được gì để giúp họ thì chỉ cần sự hiện diện với tình yêu thương chân thành qua việc chú tâm lắng nghe, cầu nguyện cho họ cũng là một sự an ủi lớn lao rồi.
Chúa đã lại gần cầm tay bà mẹ vợ ông Phêrô và đỡ dậy (x. Mc 1,31). Xin cho chúng ta biết chạy đến cùng Chúa nhất là qua Bí tích Thánh Thể để Chúa ngự vào tâm hồn ta và nâng ta dậy để chúng ta không nằm bất toàn trong sự yếu đuối, mất sức lực trong sự dữ, trong cơn u mê tội lỗi. Xin cho chúng ta sau khi được Chúa chữa lành cũng biết mở rộng lòng mình trước những nhu cầu của tha nhân.
[/loichua]