[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 11,29-32″]
Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giê-su phán rằng : “Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Gio-na. Vì Gio-na đã nên điềm lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Ðến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Sa-lô-mon. Nhưng ở đây còn có người hơn Sa-lô-mon. Dân thành Ni-ni-vê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Gio-na giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Gio-na nữa”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
DẤU LẠ GIÊSU – LỜI MỜI GỌI HOÁN CẢI
“Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy” (Lc 11,30).
Dấu lạ còn gọi là phép lạ, là việc Thiên Chúa làm như dấu chỉ của sự hiện diện của Người; dấu lạ có thể nhận biết bằng giác quan, không nhằm gây thán phục, thỏa mãn trí tò mò và lòng ưa chuộng ma thuật, nhưng để thông truyền một thông điệp cứu rỗi của Thiên Chúa.
Nơi trang Tin Mừng hôm nay, dân chúng, đặc biệt nhóm lãnh đạo trong dân Dothái đòi Đức Giêsu làm dấu lạ (x. Lc 11,16). Ngay cả ma quỷ cũng muốn Đức Giêsu làm dấu lạ: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi” (Lc 4,3). Mục đích của họ nhằm thẩm định tính cách thiên sai của Đức Giêsu. Thách đố đòi dấu lạ còn kéo dài cả khi Đức Giêsu chịu treo trên thập giá: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào” (Mt 27,40).
Chúa Giêsu không làm ngay một dấu lạ cho dân chúng thấy, vì Người muốn thay đổi quan niệm, não trạng của họ về Đấng Mêsia. Thực ra, Đức Kitô phải chịu đau khổ rồi mới được vinh quang, và quyền vương đế của Người vượt trên mọi tham vọng chính trị dân tộc.
Trước thách đố đòi dấu lạ, Đức Giêsu gợi lại câu chuyện ông Giôna. Điều này như một lời cảnh tỉnh dân chúng cần biết sám hối, trở về cùng Thiên Chúa như dân thành Ninivê năm xưa. Dấu lạ ông Giôna không chỉ là chuyện ông bị cá nuốt mà còn sống; hơn hết, đó là chính việc rao giảng của Giôna đã kéo cả thành vào một cuộc hoán cải. Vua và dân thành Ninivê, thậm chí cả súc vật, đều ăn chay, sám hối về việc mình làm. Thái độ và hành động của dân chúng đánh động trái tim thương xót của Thiên Chúa, và Người đã không giáng tai họa trên dân nữa (x. Gn 3,7-10).
Coi chừng não trạng thích tìm dấu lạ của người Dothái còn phảng phất đâu đó trong lối sống đạo nơi người Kitô hữu. Chúng ta thích xem sự lạ và đòi Thiên Chúa làm dấu lạ, nhưng chúng ta không thích một Đức Kitô gắn với thập giá, khó chấp nhận và sống những đòi hỏi của Tin mừng. Dẫu cho chúng ta không thích và khó chấp nhận, thì sự thực Đức Kitô phải gắn với thập giá; đó là dấu chỉ tình yêu tuyệt hảo của Thiên Chúa dành cho con người. Đôi khi tình yêu đó không chỉ nằm trong những gì cao cả, mà còn được tỏ hiện nơi những điều bé nhỏ và đơn thường trong cuộc sống.
Mùa Chay là thời gian giúp chúng ta đọc lại những sự lạ Chúa đã làm cho cuộc đời mỗi người. Có những chuyện bề ngoài mà nhiều khi chúng ta tưởng là chuyện tự nhiên hay ngẫu nhiên. Chỉ ai biết yêu mến thinh lặng mới có thể lắng nghe được lời mời gọi hoán cải của Thiên Chúa thì thầm trong ta.
Xin Chúa Thánh Thần ban ơn soi sáng để chúng ta nhận ra những dấu lạ mà Chúa thực hiện qua những điều nhỏ bé xung quanh chúng ta; nhờ đó, chúng ta có thể cảm nghiệm được tình yêu cao vời của Thiên Chúa hầu can đảm hoán cải đời sống mình, đặc biệt trong mùa Chay thánh này.
[/loichua]