Thứ Sáu Tuần XX Mùa Thường Niên – Ngày 23/08/2024

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 22,34-40″]

Khi nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” Đức Giê-su đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.”

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

ĐIỀU RĂN YÊU THƯƠNG

“Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” (Mt 22,36)

Đoạn Tin Mừng kể lại cuộc trao đổi giữa Đức Giêsu và người thông luật với chủ đề về điều răn quan trọng nhất, nhằm để thử Người: “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” (Mt 22, 35-36) Thực ra đây là câu hỏi hóc búa, bởi vì nó là một trong những vấn đề mà các thầy Rabbi hay tranh luận nhất. Chúng ta nên biết trong bộ luật của người Do thái phân ra 613 điều khác nhau, gồm 248 điều truyền và 365 điều cấm; các cuộc tranh cãi của họ về điều răn lớn, điều răn nhỏ thì rất tỉ mỉ và bất tận. Tuy nhiên, Đức Giêsu không hề do dự trước câu hỏi đó. Người trả lời một cách rõ ràng, nghiêm túc, đầy đủ và ngắn gọn cho người thông luật: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”, và “ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,37.39).

Chúa Giêsu trả lời hoàn toàn có căn cứ, bởi trong số những giới răn của bộ luật Do Thái, thì Mười Điều Răn được Thiên Chúa truyền lại cho ông Môsê và được xem là những điều kiện của Giao Ước mà Thiên Chúa đã ký kết với toàn dân là những giới răn quan trọng nhất. Đức Giêsu muốn cho chúng ta hiểu rằng, nếu chúng ta không yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, thì chúng ta sẽ không thể nào trung thành với giao ước được ký kết với Chúa một cách thật sự được. Nói cách khác, chúng ta có thể làm được nhiều việc lành phúc đức, chúng ta có thể tuân giữ nhiều khoản luật, chúng ta có thể làm được nhiều điều tốt lành, nhưng nếu chúng ta không có tình yêu, thì điều đó cũng chẳng giúp ích gì cho chúng ta. Trong tương quan với Thiên Chúa, tình yêu mang tính cách triệt để, yêu mến đến “hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn”. Trong tương quan với con người, tình yêu mang tính cân bằng “yêu người thân cận như chính mình”. Hai điều răn mến Chúa và yêu người không thể tách rời nhau. Yêu Thiên Chúa chắc chắn dẫn đến yêu tha nhân. Tình yêu tha nhân cần đặt nền trên lòng yêu mến Thiên Chúa. Người Kitô hữu đi từ nhà thờ ra cuộc sống rồi từ cuộc sống đi vào nhà thờ. Ngoài cuộc đời, họ gặp Chúa nơi anh em. Trong nhà thờ, họ gặp anh em trong Chúa. Như Thánh Gioan đã nói: “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu thương anh em mình” (1Ga 4,20-21).

Luật yêu thương nằm ngay trong bản tính của con người, ai cũng muốn được yêu. Tuy nhiên, theo thời gian, do những ảnh hưởng bên ngoài như: của cải, danh vọng, sắc đẹp, chức quyền… đang làm hao mòn bản tính bên trong của con người, từ đó dẫn đến việc rạn nứt các mối tương quan. Tương quan với Thiên Chúa, con người thường phạm tội, bỏ bê các việc đạo đức, không rèn luyện bản thân, không lãnh nhận các bí tích, không tham dự các buổi cử hành phụng vụ. Tương quan với tha nhân, con người thường có những nghi ngờ, hiềm khích, nói xấu, nói hành.

Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta hiểu được tính duy nhất của hai điều răn này và từ đó, chúng ta thực hành và tuân giữ hai điều răn này mỗi ngày trong cuộc sống. Lạy Chúa, xin tha thứ cho chúng con. Xin ban cho chúng con biết yêu người như yêu chính mình, yêu người như yêu Chúa, và yêu người như Chúa yêu. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.